- Ảnh: CHU HÀ LINH
Aun được tuyển vào ngành Việt Nam học của Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM và miễn học một năm đầu, do trình độ tiếng Việt của anh đã ngang ngửa với người Việt, đạt mức 6/6 của trình độ C2.
Aun vừa giành giải nhất cuộc thi Thư Việt Nam năm 2019 do Câu lạc bộ Sứ giả văn hóa của Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Tình yêu không bao giờ phải lý do
* Nghe nói nhiều người khiếm thị rất giỏi ngoại ngữ, tại sao anh lại chọn tiếng Việt để học mà không phải các ngoại ngữ khác?
- Với tôi, tiếng Việt có sức hút kỳ lạ, giống như đam mê không thể cưỡng lại được. Khi mới tiếp xúc, dù là ngôn ngữ mới hoàn toàn nhưng không hiểu sao tôi đã thấy gần gũi, quen thuộc. Rồi càng học càng thấy thú vị. Các thanh điệu lên xuống trầm bổng như một khúc nhạc khiến tôi không muốn dừng lại mà thấy cần phải học tiếp.
Ban đầu, tôi chỉ học kiểu "bồi", tự học qua sự giúp đỡ của bạn bè. Nhưng rồi tôi thấy mình cần học đến nơi đến chốn. Năm 2013, tôi lấy hết can đảm xin nghỉ việc, gom tiền bạc rồi khăn gói sang Việt Nam một mình, chỉ với mục đích là học tiếng Việt.
Apichit Mingwongtham trên lớp
* Khi mới học đã thấy quen thuộc, phải chăng là Aun từng có điều kiện nghe tiếng Việt từ bé, hay có một lý do nào đặc biệt khác, như thích một cô gái người Việt chẳng hạn?
- Nhà tôi ở đông bắc Thái Lan nên thỉnh thoảng có bắt được vài kênh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi nghe và hỏi mẹ "đó là tiếng gì?", mẹ nói là tiếng Việt.
Ấn tượng của tôi về tiếng Việt năm 6 tuổi chỉ như thế. Khi đó, tôi cứ nghe và bắt chước phát âm theo phát thanh viên. Kênh đài Việt Nam trở thành kênh yêu thích của tôi, dù tôi không hiểu được như bây giờ. Tôi cũng không biết vì sao tôi lại thích nữa.
Năm 12 tuổi, gia đình tôi chuyển về Bangkok. Tôi không nghe được đài Việt Nam nữa nhưng hai tiếng Việt Nam vẫn quanh quẩn trong đầu tôi. Không phải tôi thích cô gái Việt Nam nào mà đi học tiếng Việt, tôi không hiểu vì sao. Tôi yêu tiếng Việt nhưng không có lý do gì cụ thể.
* Ba mẹ Aun ủng hộ quyết định sang Việt Nam của Aun không?
- Tôi sang Việt Nam lần đầu khi là sinh viên khoa luật năm 2 của Trường ĐH Thamasat (Thái Lan). "Nhà tài trợ" chính cho chuyến đi đó của tôi là ba mẹ. Tôi phải rủ thêm hai em ruột và vài người bạn. Tôi không nhìn thấy nên cần có người giúp đỡ.
Trở về sau chuyến đi đó, tôi quen vài người Việt qua Internet. Tôi học tiếng Việt theo kiểu "học bồi" và hình thành cách phát âm những thanh điệu trong tiếng Việt. Tốt nghiệp ngành luật, đi làm nhưng tôi vẫn bị thôi thúc ý muốn học tiếng Việt và quay lại Việt Nam. Và tôi quyết định.
Apichit Mingwongtham trên lớp
* Và hành trình đến với tiếng Việt thực sự thế nào?
- Tôi may mắn vì có quá nhiều bạn bè tốt ở Việt Nam. Chỉ quen qua Internet nhưng có những bạn đã không tiếc thời gian giúp tôi. Và tôi bắt đầu sống trong môi trường tiếng Việt.
Hành trình học tiếng Việt một cách nghiêm túc của tôi được đánh dấu bằng việc đăng ký khóa tiếng Việt từ tháng 4-2013 đến tháng 8-2014. Tôi là người khiếm thị nên không thể tự mua sách tiếng Việt về đọc được.
Chỉ mỗi chuyện tìm kiếm sách, tài liệu học tập đã vất vả. Tôi mua sách rồi mang đi photo, chia ra nhiều phần khác nhau và nhờ các bạn Việt Nam gõ lại thành bản mềm. Sau đó, tôi mang sách tới mái ấm Thiên Ân (ở quận Tân Phú, TP.HCM) nhờ chuyển sang chữ nổi cho người khiếm thị.
Nhưng khi đó tôi cũng chưa đọc được tiếng Việt chữ nổi nên lại phải nhờ các thầy ở mái ấm hướng dẫn cách đọc chữ nổi bằng tiếng Việt. Vào thời điểm đó, công nghệ hỗ trợ đắt tiền, tôi không đủ điều kiện trang bị.
Apichit nhận giải thưởng bài viết đoạt giải nhất và bài viết được yêu thích nhất trong cuộc thi - Ảnh: CHU HÀ LINH
Yêu Việt Nam qua ca dao, tục ngữ
* Trong bài dự thi "Thư Việt Nam" năm 2019 vừa được giải, Aun có trích nhiều ca dao, thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, điều này rất đặc biệt với một người nước ngoài.
- Trước khi vào học ngành Việt Nam học ở Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, tôi có đăng ký học với một cô giáo chỉ riêng về ca dao, tục ngữ, thành ngữ Việt Nam. Tôi rất thích nhưng chưa hiểu nhiều lắm nên muốn học để từ đó hiểu thêm Việt Nam.
Tôi thấy cách ứng xử của người Việt và người Thái Lan có nhiều nét tương đồng, thể hiện qua những câu ca dao, tục ngữ như "Kính trên, nhường dưới", "Lời chào cao hơn mâm cỗ", "Kính lão đắc thọ". Người Việt đặt chữ "hiếu" lên hàng đầu như trong câu ca dao "Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Hay sự kính trọng thầy thể hiện trong câu "Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy".
Có rất nhiều câu thành ngữ được người Việt Nam bây giờ sử dụng thường xuyên, ban đầu tôi không hiểu, khi hiểu thì thích. Đôi khi có những câu khi được giải nghĩa tôi không nhịn được cười, ví như "Ăn cơm trước kẻng".
Cuộc sống thường ngày luôn thường trực ý nghĩ "học tiếng Việt" nên thích điều gì đó tôi thường tìm hiểu xem tiếng Việt diễn đạt thế nào. Ví như tôi thích đọc truyện ma, tôi nghĩ ngay tìm hiểu những thành ngữ có từ "ma" trong tiếng Việt. Ví như "Đi đêm có ngày gặp ma", "Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy". Nhiều quan niệm, tập tục văn hóa của người Việt tôi biết trong quá trình khám phá tiếng Việt theo cách như thế.
Lớp học của Apichit Mingwongtham
* Aun có thể kể vài điều về những khám phá về phong tục, tập quán Việt Nam qua việc học tiếng Việt của riêng mình?
- Có nhiều lắm, ví dụ khi nghe câu "Cơm không rau như đau không thuốc", tôi quan sát thì thấy hầu hết món ăn của người Việt đều có rau nên người Việt mới có câu đó. Hay tôi thấy nhiều người hay nói "Vui như tết", có nghĩa là tầm quan trọng của tết được người Việt đặt lên hàng đầu.
Dù không phải người Việt nhưng có lần được bạn đón qua nhà chơi vào đúng dịp tết, tôi thấy tết đúng là dịp để gia đình, anh em, con cháu sum họp, quây quần bên nhau.
* Trước đây, Aun yêu tiếng Việt mà không rõ lý do, còn bây giờ anh có một lý do cho tình yêu đó chưa?
- Tôi vẫn không lý giải được đam mê đó, nhưng tôi có kỷ niệm với Việt Nam nhiều hơn. Đó là những người bạn đã giúp đỡ tôi. Tôi cảm nhận được sự cởi mở, thân thiện và sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ của người Việt. Có một điều đặc biệt nữa: người Việt không kỳ thị, phân biệt đối xử với người khiếm thị như tôi.
Tôi không nhìn thấy cảnh đẹp xung quanh nhưng tôi có thể thưởng thức ẩm thực Việt Nam. Những món ăn được pha trộn theo cách khác nhau của mỗi vùng miền hấp dẫn tôi. Nhưng tôi thích nhất là cảm giác các thành viên trong gia đình được ngồi xuống cùng nhau thưởng thức các món ăn và trò chuyện sau một ngày làm việc vất vả.
Dạy tiếng Việt cho người Thái và dạy tiếng Thái cho người Việt
* Aun sẽ làm gì sau khi học xong ở Việt Nam?
- Tôi chưa biết nhưng hiện nay tôi đang vừa đi học vừa đi làm. Tôi mở các lớp dạy online và cả offline. Tôi dạy tiếng Việt cho người Thái và dạy tiếng Thái cho người Việt. Tiếng Việt thì tôi mới đang trong quá trình vừa dạy vừa rút kinh nghiệm từ chính việc học của mình.
Việc biết cả tiếng Thái và tiếng Việt giúp tôi rất nhiều trong việc dạy học, và đó cũng chính là cách để tôi tiếp tục niềm đam mê của mình với tiếng Việt.
Cuộc thi "Cây bút VSL" và "Thư Việt Nam" năm 2019 do Câu lạc bộ Sứ giả văn hóa, khoa Việt Nam học và tiếng Việt của Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức thường niên từ năm 2017 đến nay. Trong đó "Cây bút VSL" dành cho sinh viên Việt Nam, "Thư Việt Nam" là phần thi dành riêng cho sinh viên, người nước ngoài biết tiếng Việt. Cuộc thi vừa nhằm nâng cao kỹ năng viết tiếng Việt, vừa là cơ hội để tạo sự kết nối giữa sinh viên Việt Nam và các nước, lan tỏa những giá trị văn hóa Việt Nam dưới góc nhìn của những người nước ngoài.
Hai năm trước, giải nhất "Thư Việt Nam" đều dành cho sinh viên nước ngoài đang học tại khoa Việt Nam học và tiếng Việt của Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội. Năm nay là lần đầu tiên giải nhất trao cho một sinh viên ở nơi khác. Bài viết của Apichit Mingwongtham rất tốt và truyền cảm. Ấn tượng nhất là hành trình vượt qua khó khăn để học tiếng Việt của bạn ấy.
PGS.TS Nguyễn Thiện Nam (trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận