Nguyễn Dương Kim Hảo (bìa phải) cùng đồng đội chiến thắng một cuộc thi về công nghệ thông tin tại bang đang theo học ở Mỹ - Ảnh: NVCC
Lúc nhỏ tôi cũng chơi bắn bi, trốn tìm nhưng chắc đam mê hơi khác các bạn cùng lứa chút xíu vì khi các bạn chơi game, tôi lại chọn tin học, điện tử như trò giải trí của mình.
NGUYỄN DƯƠNG KIM HẢO
Khoảng dừng ấy mất chừng... bốn năm, cho đến khi anh chàng hoàn thành lớp 12 Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM). Và Hảo quyết định đi Mỹ du học.
"Tôi dừng từ lúc bắt đầu vào lớp 9 vì tự thấy mình không có ý tưởng mới mẻ để thi nữa. Tôi tập trung học, cả học ngoại ngữ để tính chuyện dài hơi" - Hảo cười lớn từ đầu dây bên kia, trong cuộc trò chuyện giữa khuya (theo giờ Mỹ) sau một ngày làm việc tại nhà mùa dịch COVID-19.
Rời quê cho giấc mơ lớn
Ba Hảo dạy toán, lý. Những cuốn sách về mạch điện của ba được Hảo tìm đọc say sưa nhưng không hiểu gì! Là nói vậy chứ Hảo đã bắt đầu tìm tòi, vẽ sơ đồ mạch điện lên tường nhà mà chỉ hai cha con nhìn mới hiểu. Lúc đó còn biết "quậy" cái máy tính của ba nữa.
Và trong lần tình cờ, thấy ba đau đầu vì cộng nhầm điểm của học sinh, chàng trai tiểu học tự mày mò viết tặng ba phần mềm cộng điểm. Tài năng tin học của Hảo được "khám phá" sau lần ấy. Nhờ ba mẹ đăng ký dự thi tin học trẻ của tỉnh Tiền Giang, cậu học trò lớp 4 Nguyễn Dương Kim Hảo đoạt giải nhất.
Bước ngoặt lớn trong đời, có thể nói như vậy khi gia đình quyết định cho Hảo rời quê. Ban đầu chỉ là tìm một nơi có thể ôn luyện giúp Hảo chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi toàn quốc. Và gia đình chọn TP.HCM, một phần vì năm ấy TP đăng cai hội thi tin học trẻ toàn quốc.
Anh Đoàn Kim Thành - giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) - kể chỉ ít hôm sau khi dì ruột Hảo đến xin cho Hảo tham gia lớp ôn luyện cùng thí sinh TP.HCM chuẩn bị cho kỳ thi tin học trẻ toàn quốc, các thầy đứng lớp có cùng nhận xét: Kim Hảo có tố chất khá đặc biệt với tin học.
Nhắc chuyện cũ, bà Dương Trần Thanh Thảo (mẹ Hảo) tấm tắc: "Đúng là cơ duyên gặp các anh chị ở trung tâm, chứ nói thiệt quyết định đưa con lên TP khi đó cũng nghĩ lung lắm. Nhà neo người, ba cháu sức khỏe không tốt lắm nhưng vì tương lai của con nên vợ chồng quyết định tạm chia gia đình làm hai: ba ở quê với con trai lớn, tôi theo Hảo lên Sài Gòn".
Vậy là Hảo rời Chợ Gạo (Tiền Giang), bắt đầu vào lớp 5 tại Sài Gòn. Hai mẹ con ở trong căn hộ chung cư của người dì ruột tại Q.Tân Bình. Ngoài giờ đưa đón con đi học, mẹ Hảo phụ người chị buôn bán quần áo ở chợ Tân Bình.
Giữ đúng lời hứa, Quỹ bảo trợ tài năng trẻ TP.HCM đã tài trợ cho Kim Hảo một thời gian dài. Mà Hảo cũng chứng minh khả năng khi có tên trong số thí sinh đạt kết quả cao nhất hội thi tin học trẻ toàn quốc nhiều năm liền.
Chiều nào có giờ, mẹ đều mang theo hộp cơm lên trường để Hảo tranh thủ ăn sau giờ tan học để còn kịp chạy qua lớp học lập trình tại Trường FPT-Aptech. Hảo bé đến mức người ta tưởng cậu theo anh chị đi chơi, không ai nghĩ học sinh lớp 6 ngồi cùng học chương trình lập trình với... sinh viên. Hảo tốt nghiệp loại giỏi khóa học hai năm ấy.
Thời gian này, cái tên Kim Hảo còn xuất hiện cùng nhiều sản phẩm trong các cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên. "Có sản phẩm giám khảo chưa tin do Hảo làm, cho đến khi chính Hảo thuyết minh kết quả, nguyên lý chế tạo và hoạt động của nó, các thầy càng bất ngờ trước khả năng của Hảo" - anh Kim Thành kể.
Thực tập sinh Facebook
Vắng bóng trong các cuộc thi cũng là lúc anh chàng "luyện" lớp chuyên tin Trường phổ thông Năng khiếu và học ngoại ngữ. Hai năm liền (lớp 11 và 12) đạt giải cao kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn tin, Hảo có tên trong top 15 học sinh được bồi dưỡng chọn đội tuyển thi quốc tế. "Nhưng chỉ dừng ở top 15, chưa lọt top 5 lần nào" - Hảo cười lớn.
Hè lớp 11, Kim Hảo được nhận vào làm việc tại Zalo. Hơn một năm làm việc tại đây, kết thúc khi Hảo đến Mỹ theo học bổng của Trường ĐH Nebraska-Lincoln (bang Nebraska) giúp anh chàng nối dài thêm "bản lý lịch tin học" cho mình. Thực ra, ngay khi tốt nghiệp phổ thông, Hảo có lời mời đi làm với lương không dưới 2.000 USD/tháng nhưng vẫn chọn du học vì "sẽ còn nhiều cơ hội mới".
Không quá khó khăn để bắt kịp cuộc sống mới, Hảo được nhận vào làm thêm tại phòng lab của giáo sư trong trường. Một lần tình cờ, anh chàng ứng tuyển và trở thành thực tập sinh Facebook tại Mỹ sau khi "đấu" với cả ngàn ứng viên khác qua 3 vòng phỏng vấn. Hảo là sinh viên năm đầu duy nhất được chọn trong hơn 100 thực tập sinh cùng khóa.
Điểm kết thúc năm đầu đại học giúp Hảo chắc chắn có suất học bổng cho năm sau, cộng với lương thực tập, coi như không phải lo học phí nữa. Vui hơn khi kết quả kỳ thực tập khả quan, có cơ sở để tin vào kỳ thực tập tiếp theo. Anh chàng vừa báo tin vui về để gia đình yên tâm.
Mẹ Hảo kể thiệt vẫn còn nợ mấy người bà con vì học bổng trường cấp chỉ hơn nửa, nhà cũng không khá giả gì nhưng con có cơ hội theo đuổi đam mê nên phải cố. "Nếu không gặp được các anh chị ở Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ Thành đoàn, chưa chắc cuộc đời Hảo có được như hôm nay, cái ơn này chúng tôi luôn nhớ và nhắc với Hảo" - bà Thảo tâm sự.
Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam
Năm 2013, khi đang là học sinh lớp 6, Kim Hảo đã được nhận "cú đúp" danh hiệu tuyên dương trong cùng năm: "Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM" do Thành đoàn TP.HCM trao và 1 trong 10 "Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam" của Trung ương Đoàn. Thời điểm ấy, Hảo là gương mặt nhỏ tuổi nhất được vinh danh cả hai danh hiệu này.
Bảng thành tích của Hảo còn có rất nhiều giải thưởng, huy chương các cuộc thi về công nghệ thông tin, sáng tạo của Việt Nam và Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia; giải thưởng Best Young Inventer của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO.
Hảo cũng đã hai lần được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều bằng khen của các bộ, ngành; 6 huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương Đoàn, huy hiệu TP.HCM...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận