20/02/2025 10:47 GMT+7

Đam mê cách tân nhạc truyền thống

KIM SÁNG
và 1 tác giả khác

Có những bạn trẻ bằng đam mê của mình đã âm thầm tìm tòi, sáng tạo làm mới âm nhạc truyền thống theo cách riêng của họ, như thổi vào làn gió mới với những dấu ấn đặc biệt.

Đam mê cách tân nhạc truyền thống - Ảnh 1.

Nhóm Nam Tộc thường biểu diễn tại trường đại học và các lễ hội âm nhạc, văn hóa - Ảnh: NAM TỘC

Từng tiếp xúc với đàn T'rưng, đàn tranh với vài trải nghiệm đáng nhớ nhưng phải đến khi vào Trường đại học FPT, môn học bắt buộc về nhạc cụ truyền thống như thổi bùng đam mê của cậu sinh viên Nguyễn Thái Thiệu (21 tuổi).

Âm nhạc truyền thống hay nhạc cụ dân tộc mang những âm hưởng rất riêng, đã len lỏi vào đời sống, trở thành một phần không thể thiếu trong tâm hồn người Việt. Có thể nói ấy chính là yếu tố định vị Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới với bản sắc riêng mà các nền nghệ thuật khác không có.

NGUYỄN THÁI THIỆU

Say mê xuất phát từ cái duyên

Cậu bạn người Đà Nẵng ấy chọn học sáo. Hoàn thành các bài tập được cô giao, Thiệu thường tranh thủ tự tìm hiểu thêm các nhạc cụ khác. Lần đầu chạm vào dây đàn nguyệt, Thiệu cảm nhận có gì đó đặc biệt, mang lại cảm xúc rất khác so với các loại nhạc cụ hiện đại. Vậy là từ đó Thiệu tập luyện cùng lúc cả sáo và đàn nguyệt.

Càng tập càng ghiền, Thái Thiệu sau đó tham gia câu lạc bộ âm nhạc truyền thống TIA.

Bạn có dịp biểu diễn trong nhiều sự kiện của trường, có cơ hội làm việc với một vài doanh nghiệp ở Đà Nẵng và bắt đầu dự án "Mang nhạc cụ dân tộc đến với học sinh, sinh viên".

Thiệu cùng câu lạc bộ muốn làm mới âm nhạc dân tộc, kết hợp nhạc cụ truyền thống với các thể loại âm nhạc hiện đại. Mục tiêu duy nhất là chứng minh nhạc cụ truyền thống không chỉ dành riêng cho những bản nhạc xưa cũ mà còn hợp tai với nhạc hiện đại, nhạc trẻ hiện nay.

Đam mê đàn bầu từ bé, Nguyễn Phước Hoài An (20 tuổi, ở Hà Nội) kể khi được lựa chọn học một trong bảy loại nhạc cụ lúc lên đại học đã không do dự mà chọn ngay đàn bầu dù nhiều anh chị các khóa trên cảnh báo "đây là nhạc cụ khó nhất". Hoài An tham gia cuộc thi "FPTEdu Tích tịch tình tang" vốn là cuộc so tài nhạc cụ truyền thống của sinh viên FPT toàn quốc.

Vượt qua các vòng, An là một trong năm cái tên nổi bật nhất vào chung kết. Màn trình diễn xuất sắc của Hoài An giúp bạn giành được giải á quân ở cả bảng hòa tấu lẫn độc tấu đàn bầu. Với An, âm nhạc truyền thống là một phần quan trọng trong văn hóa dân tộc, giá trị cha ông để lại qua hàng nghìn năm.

"Mình rất nhớ câu nói "Văn hóa là bản sắc, văn hóa là cội nguồn, văn hóa là dân tộc". Là một người trẻ, mình thấy cần có trách nhiệm gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống ấy", An bộc bạch.

Biến tấu với "hơi thở" hiện đại

Nhóm nhạc Nam Tộc ra đời cùng khát vọng đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Nam Tộc mang đến sắc thái độc đáo khi hòa quyện chất liệu dân gian Việt với hơi thở đương đại tạo nên những giai điệu vừa quen thuộc vừa mới mẻ.

Anh Đỗ Hoàng Nam (33 tuổi) lấy nghệ danh Dru Nam làm trưởng nhóm đảm nhận phối khí và là tay trống của nhóm nhạc Nam Tộc. Anh bén duyên với nhạc cụ dân tộc từ bé, được "truyền lửa" bởi mẹ - nghệ sĩ Vân Anh là một nghệ sĩ đàn bầu được khá nhiều người biết đến. 15 tuổi, Hoàng Nam đã tự tìm hiểu, tập luyện đàn bầu, đàn nhị để trình diễn trong các tiết mục văn nghệ ở trường.

"Mình và tay chơi guitar đều có niềm đam mê mãnh liệt với việc kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc và rock. Tụi mình muốn tạo ra một màu sắc âm nhạc riêng biệt - folk rock (rock dân gian) nên quyết tâm thành lập nhóm", Hoàng Nam nói về lý do ra đời của Nam Tộc.

Nhờ mẹ hướng dẫn, anh tìm hiểu thêm trống dân tộc và trống hiện đại, thấy vui và tự tin hơn, mạnh dạn tham gia vào các ban nhạc trẻ.

Gần 5 năm gầy dựng, Nam Tộc hiện đã hoàn thiện với đội hình tám thành viên gồm đàn tranh, sáo trúc, đàn bầu, guitar, keyboard, bass, trống (cả hiện đại và dân tộc) và một ca sĩ.

Nhóm vẫn thường tham gia biểu diễn tại nhiều trường đại học cũng như các lễ hội âm nhạc, văn hóa trong và ngoài nước. Các bạn đang cùng hiện thực khát vọng lan tỏa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với giới trẻ cũng như nỗ lực đưa mô hình rock dân gian vào đời sống âm nhạc hiện đại.

Nhờ vậy đã phần nào giới thiệu các nhạc cụ dân tộc, chất liệu dân gian và cả những làn điệu dân ca Việt Nam để khán giả có thể cảm nhận sâu sắc hơn về âm nhạc truyền thống dân tộc nhưng với một diện mạo đầy mới mẻ. "Nhóm đang gấp rút hoàn thiện để phát hành EP "Lý Nam Bộ" với các bài dân ca Nam Bộ hòa âm lại theo phong cách mới, truyền tải năng lượng tươi trẻ và rất mong được đón nhận để âm nhạc dân tộc tiếp cận, đi sâu hơn vào lòng khán giả", Hoàng Nam bày tỏ.

Khẳng định về cội nguồn với âm nhạc truyền thống

Thái Thiệu nói khi cầm cây đàn nguyệt đứng trên sân khấu, biểu diễn trước sinh viên, các diễn giả quốc tế và lãnh đạo các doanh nghiệp thấy vô cùng tự hào. Thanh âm của cây đàn nguyệt vang lên cùng giai điệu của Hello Việt Nam, Hào khí Việt Nam kể lại câu chuyện lịch sử vẻ vang và tinh thần kiên cường của con người Việt Nam.

Không đơn thuần là âm sắc, âm nhạc truyền thống phản ánh sâu sắc về văn hóa, phong tục tập quán vốn là yếu tố hình thành nên hành vi của cộng đồng. Sự hiểu biết nhất định về âm nhạc truyền thống giúp Thiệu tin rằng bản thân có khác biệt với định hướng nghề nghiệp liên quan đến marketing, kinh doanh quốc tế bởi sự đa dạng của một tổ chức quốc tế đang rất được đề cao trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

"Sự đa dạng về văn hóa của một tổ chức có thể mang lại nhiều góc nhìn toàn diện hơn cho tổ chức đó trong việc giải quyết các vấn đề, mục tiêu khiến cho việc đưa ra quyết định đúng đắn, dễ dàng hơn", Thiệu chia sẻ.

Đam mê cách tân nhạc truyền thống - Ảnh 2.Để âm nhạc dân tộc đến gần người trẻ

Hội trường lớn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chật kín người ngày cuối tuần, nhạc điệu dân tộc vang lên. Mọi người trầm trồ khi một nghệ sĩ diễn cùng lúc cả nhân vật cô gái lẫn vai ông già trong trích đoạn Ông già cõng vợ đi xem hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên