“Đám mây" đừng đến đây

TỊNH ANH 15/11/2024 05:36 GMT+7

TTCT - Các công cụ AI phát triển nhanh chóng dẫn tới nhu cầu xây thêm các siêu trung tâm dữ liệu để đáp ứng năng lực xử lý và tốc độ đường truyền. Nhưng không phải ở đâu cũng trải thảm mời "đám mây" về.

“Đám mây" đừng đến đây - Ảnh 1.

Phối cảnh trung tâm dữ liệu dự kiến xây ở Abbots Langley. Ảnh: Greystoke

Phớt lờ những lời hứa tương lai về tính thịnh vượng mà trung tâm dữ liệu mang lại cho địa phương, nhiều cộng đồng chỉ thấy thực tế hiện tại không mấy tươi sáng: từ cảnh quan, sinh thái, tài nguyên bị ảnh hưởng đến chi phí nhà ở và an ninh quốc gia. 

"Chúng tôi không chống lại tăng trưởng và phát triển kinh tế, chúng tôi chỉ muốn mọi thứ diễn ra đúng đắn" - một người tranh đấu "nói không với trung tâm dữ liệu" ở Mỹ nêu rõ lập trường. Không ai từ chối cơ hội thịnh vượng nếu không có gì khuất tất.

Mong bình yên về qua đây

Khi nghe tin chủ đầu tư muốn xây trung tâm dữ liệu trên một cánh đồng ở ngoại ô, ngay cạnh một khu nhà có tính lịch sử hàng thế kỷ, người dân ở thị trấn Abbots Langley, cách London 30km về phía tây bắc, đã kịch liệt phản đối. Lãnh đạo địa phương đã chính thức bác đề xuất, song chủ đầu tư lại có được cái gật đầu từ cấp cao hơn rất nhiều: chính phủ của tân Thủ tướng Anh Keir Starmer, người đang thúc đẩy cải cách nhằm tăng trưởng kinh tế.

Người dân lo ngại trung tâm dữ liệu sẽ gây áp lực lên tài nguyên địa phương và gây ồn, ảnh hưởng đến sự yên bình của thị trấn với hơn 20.000 dân và một nhà thờ có tháp đá xây từ thế kỷ 12. "Tôi nghĩ bất cứ ai cũng sẽ thấy rằng, gượm đã, họ muốn xây trung tâm dữ liệu sao, đây đâu phải chỗ cho nó?" - Stewart Lewis, một cư dân 70 tuổi sống trong một căn nhà được cải tạo từ một kho thóc 600 năm tuổi, nói.

Theo AP ngày 2-11, chính quyền địa phương không còn quyền quyết định với những gì sắp diễn ra trên địa bàn của họ khi Phó thủ tướng Anh Angela Rayner can thiệp và xem xét khiếu nại của các chủ đầu tư về dự án trung tâm dữ liệu ở Abbots Langley và hai dự án khác ở Buckinghamshire, phía tây London. Cả ba dự án gây tranh cãi vì dự kiến xây trên đất thuộc "vành đai xanh" - khu vực được quy hoạch để ngăn chặn đô thị hóa. Rayner muốn khai thác vành đai xanh cho phát triển, cho rằng phần lớn khu vực này có chất lượng thấp.

Tất nhiên, phía phát triển dự án chỉ chờ nghe thế. "Dù là đất được phân loại vành đai xanh, chẳng có gì "xanh" ở đây cả" - Stephen Beard, giám đốc toàn cầu phụ trách trung tâm dữ liệu tại công ty tư vấn bất động sản Knight Frank, đơn vị thực hiện dự án biến công viên thành trung tâm dữ liệu ở Buckinghamshire, cho biết. Greystoke, công ty đứng sau dự án tại Abbots Langley và dự án còn lại ở Buckinghamshire (trên nền bãi rác cũ), từ chối bình luận với AP.

Khu đất dành cho trung tâm dữ liệu Abbots Langley hiện được dùng để chăn thả ngựa. Nó nằm cạnh một cụm nhà ở giá rẻ và một con đường cao tốc. Kế hoạch của Greystoke là xây dựng hai tòa nhà lớn với tổng diện tích 84.000m2 và cao đến 20m, khiến dân lo ngại sẽ lấn át mọi thứ xung quanh. Họ cũng hoài nghi lời hứa của Greystoke rằng dự án sẽ tạo ra đến 260 việc làm. "Mọi thứ đều sẽ được tự động hóa, vậy nên họ sẽ không cần nhiều người" - Jennifer Stirrup, 51 tuổi, nói.

“Đám mây" đừng đến đây - Ảnh 2.

Ảnh: express.co.uk

Một trong những lo ngại lớn nhất về trung tâm dữ liệu là tác động môi trường của chúng, đặc biệt là nhu cầu điện năng khổng lồ. James Felstead, giám đốc một công ty năng lượng tái tạo và là hàng xóm của ông Lewis, cho rằng lưới điện khu vực sẽ không thể đáp ứng nhu cầu tăng thêm từ trung tâm dữ liệu (ước tính 96MW ở thời điểm bất kỳ).

Tuy nhiên, không phải ai cũng phản đối. "Nó sẽ mang lại một số việc làm, không ít thì nhiều. Sẽ tốt thôi. Không vấn đề gì cả. Vì nếu họ không xây ở đây thì họ sẽ tìm chỗ khác" - Bryan Power, công dân Abbots Langley đã về hưu, nói. 

Chính phủ Anh đang xem các trung tâm dữ liệu là thành phần cốt lõi trong kế hoạch phát triển kinh tế. Thủ tướng Starmer đã công bố các thỏa thuận xây dựng trung tâm dữ liệu mới, bao gồm khoản đầu tư 10 tỉ bảng từ công ty cổ phần tư nhân Blackstone để xây dựng trung tâm dữ liệu AI lớn nhất châu Âu tại đông bắc nước Anh.

Tình hình tương tự cũng đang diễn ra ở Mỹ, nơi có tới hơn 5.000 trung tâm dữ liệu đang ngốn điện, đất đai và nhiều tài nguyên khác, trải dài khắp đất nước.

"Đừng đổ dữ liệu lên đầu chúng tôi"

Suốt nhiều năm, cánh đồng lúa mì vàng óng là tấm phông rực rỡ đầy tự hào của Peculiar, một thị trấn nhỏ 6.000 dân ở bang Missouri (Mỹ). Giờ thì nó đã thành "nơi đối đầu giữa trung tâm dữ liệu do một tập đoàn công nghệ lớn đề xuất và cộng đồng nông thôn xung quanh", theo phóng sự hôm 29-10 của The New York Times.

Ở đó, người ta cắm biển hiệu "No Data Centers" trong sân và trên cửa sổ, ký tất cả các bản kiến nghị, và cùng nhau ra đồng để cầu nguyện, xin đám mây đừng qua đây. Mới hơn 3 tháng trước, chuyện không căng thẳng đến vậy. Vào một đêm tháng 7 yên bình, bên những ly rượu vang mát lạnh tại nhà máy rượu yêu thích của thị trấn, nhà phát triển Diode Ventures gặp gỡ cư dân, trình bày kế hoạch: một khách hàng công nghệ bí ẩn muốn xây trung tâm dữ liệu rộng 200ha tại Peculiar.

Công trình sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thị trấn - nhiều việc làm mới và hơn 1 tỉ USD doanh thu thuế, phần lớn sẽ dành cho khu học chánh. Tất cả những gì họ cần là được phê duyệt thay đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành công nghiệp.

Yêu cầu "đơn giản" đó lại thay đổi mọi thứ ở Peculiar. Người dân không chỉ đối đầu với big tech mà còn với cả quan chức địa phương, những người bị tình nghi "đi đêm" với "pháp nhân bí ẩn" đang muốn trở thành hàng xóm mới của thị trấn.

“Đám mây" đừng đến đây - Ảnh 3.

Bảng phản đối chuyện xây trung tâm dữ liệu được phát miễn phí tại một hội chợ nông sản ở Peculiar. Ảnh: Facebook Don’t Dump Data on Peculiar

Theo The New York Times, Diode Ventures từ chối bình luận về chi tiết dự án, các thỏa thuận giữ bí mật với quan chức địa phương và danh tính khách hàng. Nhiều cư dân Peculiar đã tới tận mục sở thị các trung tâm dữ liệu của Meta và Google ở Nebraska và Iowa, nơi cũng có quy mô siêu lớn (hyperscale, đủ chứa ít nhất 5.000 máy chủ) như dự án ở Peculiar. 

Khi đến nơi, họ hãi hùng trước những gì chứng kiến - tiếng ồn không ngừng của máy phát điện phía sau những tháp bảo vệ với an ninh 24/24. "Như sống cạnh một nhà tù an ninh tối đa" - Becky Wiseman, người có mảnh đất liền kề địa điểm đề xuất đặt đám mây ở Peculiar, mô tả.

"Lạy Chúa, chúng con là những chàng David đối đầu với Goliath. Xin hãy phù hộ những chàng David giữa chúng con" - Susan Wells, thành kính trong buổi cầu nguyện một đêm tháng 10. Nếu thị trấn cần một David, Chad Buck, 50 tuổi, sẵn sàng nhận lãnh. 

Ông đã tạm nghỉ công việc phát triển bất động sản và cùng hàng xóm Vicki Howe lập nhóm Facebook "Don't Dump Data on Peculiar" (Đừng đổ dữ liệu lên đầu Peculiar) để chia sẻ thông tin. Nhóm hiện có 1.000 thành viên và trở thành "quảng trường" của phong trào, một cuộc tranh đấu chưa có hồi kết.

Sẽ còn nhiều phản đối

Ít nhất 30 bang ở Mỹ đã thông qua luật ưu đãi thuế để thu hút các trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, một số nơi đã nói không. Chính quyền Atlanta (bang Georgia) hồi tháng 9 đã cấm xây dựng trung tâm dữ liệu gần các ga giao thông công cộng. Tại Virginia, nơi tập trung nhiều trung tâm dữ liệu nhất thế giới (hơn 477 cơ sở), người dân kêu gọi phải có quy định về các trung tâm ồn ào, chiếm đất và tiêu tốn năng lượng này. 

Còn ở Texas, phó thống đốc bang Dan Patrick cho rằng các trung tâm dữ liệu và cơ sở khai thác tiền điện tử tạo ra rất ít việc làm so với lượng điện mà chúng tiêu thụ từ lưới điện địa phương. 

"Người dân Texas cuối cùng sẽ phải trả giá… Chúng ta cần các trung tâm dữ liệu, nhưng không thể để tình trạng 'miền Tây hoang dã' của các trung tâm dữ liệu và cơ sở khai thác tiền mã hóa khiến lưới điện sụp đổ và làm tắt đèn" - ông cảnh báo.

Ngoài Anh và Mỹ, Google buộc phải tạm ngừng kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu trị giá 200 triệu USD ở thủ đô Santiago của Chile vào tháng 9, do cộng đồng phản đối chúng sẽ "ngốn" nước và năng lượng. 

Tại Ireland, nơi nhiều công ty Thung lũng Silicon đặt trụ sở ở châu Âu, đơn vị vận hành lưới điện tạm thời dừng cấp phép xây dựng trung tâm dữ liệu mới xung quanh Dublin đến năm 2028, vì lo ngại chúng tiêu thụ quá nhiều điện. Một số nơi khác như Frankfurt, Amsterdam và Singapore cũng đã áp đặt các hạn chế đối với trung tâm dữ liệu.

“Đám mây" đừng đến đây - Ảnh 4.

Trung tâm dữ liệu của Google ở Council Bluffs, Iowa. Ảnh: Alamy

Đang ở "vai ác", các nhà phát triển trung tâm dữ liệu có thể trần tình: dù không trực tiếp tạo ra nhiều cơ hội việc làm, chúng vẫn sẽ tạo ra một lượng lớn công việc xây dựng chất lượng cao trong khoảng 24 tháng (theo báo cáo của CBRE). Hơn nữa, khi đã đi vào hoạt động, trung tâm dữ liệu có thể mang lại nguồn đầu tư dài hạn cho cộng đồng. 

"Các trung tâm dữ liệu cam kết làm những người láng giềng tốt trong cộng đồng của mình" - Dan Diorio, giám đốc chính sách bang tại Hiệp hội Trung tâm dữ liệu, đại diện cho các nhà điều hành trung tâm dữ liệu, chia sẻ với trang Axios.

"Người dân ngày càng nhận ra rằng các trung tâm dữ liệu có khá nhiều vấn đề. Khi nhận thức về tác động môi trường của chúng ngày càng tăng, tôi chắc rằng sẽ có thêm nhiều cộng đồng phản đối trong tương lai" - Sebastian Lehuede, giảng viên về đạo đức, AI và xã hội tại King's College London, người đã nghiên cứu về vụ việc Google ở Chile, nói với AP.

Trung bình một truy vấn ChatGPT cần lượng điện gần gấp 10 lần so với một tìm kiếm Google. Goldman Sachs Research ước tính nhu cầu điện của trung tâm dữ liệu sẽ tăng 160% vào năm 2030.

Tình hình cấp bách đến mức ít nhất một lò phản ứng hạt nhân đã ngừng hoạt động - nhà máy Three Mile Island nổi tiếng của bang Pennsylvania - có thể sẽ được tái khởi động để đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình, doanh nghiệp và trung tâm dữ liệu, theo The New York Times ngày 30-10. Ngoài ra, lượng phát thải CO2 của trung tâm dữ liệu có thể tăng hơn gấp đôi từ năm 2022 đến năm 2030.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận