Nhiều bạn đọc chia sẻ về việc tổ chức đám giỗ và đi đám giỗ hiện nay.
Mời thì than, không mời lại trách
Theo bạn đọc Lê Văn Vinh, đám giỗ đi không mang gì cũng khó coi. "Vì thế chỉ nên mời bà con ruột thịt và dặn họ không mang theo gì cả. Như vậy đỡ phiền phức cho họ. Bởi ai cũng ngại đám đình vì vừa tốn tiền, vừa tốn không ít thời gian", anh Vinh viết.
Bạn đọc TVT lý giải: "Chắc do cơ chế thị trường tác động hoặc chạy theo phong trào hay ăn theo thuở ở theo thời. Bây giờ đi đám gì cũng tiền, quá mỏi mệt".
Ở góc độ khác, chị Nga nhận xét: "Đi bao thư hết cho tiện, chủ nhà mời khách, đặt mâm cũng muốn có tiền để bù chi phí tổ chức tiệc".
Còn với anh Hữu Duy, việc đi dự đám giỗ thể hiện nét đẹp tình làng nghĩa xóm muôn đời tại những vùng quê. Vẫn biết có sự thay đổi về vật chất nhưng có qua thì sẽ có lại, duy trì tình cảm, không mất mát đâu cả.
Cùng quan điểm, anh Phạm Văn Trung cho biết chi vài trăm ngàn đồng đi ăn tiệc vun đắp tình làng nghĩa xóm, ai không thích thì đừng đi và không mời lại. Mà nếu "đi tay không" cũng không sao, cốt là tình thân nghĩa cử. "Nghĩ cũng lạ, có người mời thì than, không mời thì trách", anh nêu ý kiến.
Trong khi đó bạn đọc Huy cho rằng việc đi quà hay bao thư là tùy từng địa phương, từng mối quan hệ... Không phải quê chỉ có bịch đường, bịch bột ngọt biếu nhau, mà người ta đều biết lượng định và tính toán.
Bạn đọc Minh Tuan kể vui nhà anh mỗi lần đám giỗ xong, bột ngọt và đường ăn cả năm không hết!
Nhớ thời đám giỗ tay không, còn biếu quà mang về
Hoài niệm về đám giỗ ở Sa Đéc (Đồng Tháp) 15 năm trước, chị Lan Anh chia sẻ ngày đó người ta hay đi đám giỗ bằng bịch đường, bịch bột ngọt, có người thì thùng bánh hoặc trái cây.
Mấy năm trở lại đây thì gửi phong bì. Và đám giỗ ngày xưa rất nhẹ nhàng tình cảm chứ không như ngày nay, đến chỉ nghe tiếng ca hát um sùm.
Còn anh Hùng nhớ lại ngày trước đám giỗ thì họ hàng xúm xít phụ làm gà vịt từ chiều để mai cúng sớm. Ngày nay đặt tiệc nên không còn vui như xưa.
Tuy cũng ở miền Tây, nhưng bạn đọc Abc cho biết: "Gia đình mình có truyền thống đám giỗ chỉ có con cháu họ hàng và thêm vài người bạn thân thiết. Khoảng ba bàn, gọn nhẹ, không bày biện đông đúc như ngày xưa".
Độc giả Thanh Nguyen chia sẻ rằng đám giỗ ở xóm mình, bạn bè tự quy định khách mời đi tay không, mai mốt chủ nhà cũng đi lại như vậy. Chủ nhà nấu đơn giản, có chi dùng nấy.
Chị Lin kể rằng mấy năm trước trong xóm chị cũng đi đám giỗ toàn bao thơ, nhưng sau đó mọi người cùng thống nhất không đi tiền nữa. "Giờ xóm tôi đám giỗ ăn xong rồi về. Chả đem gì biếu mà chủ nhà còn lại quả nữa", chị chia sẻ.
Hát Tình cha, Gánh mẹ... xong chai ly đập loảng choảng
Nhắc nạn hát hò khi có đám giỗ, anh Phước Trương Vĩnh ngán ngẩm: "Ở xóm tôi giỗ mẹ xong cái là hát Tình cha, Gánh mẹ… đủ các kiểu, xong chai ly đập loảng choảng".
Bạn đọc Anh Vũ chung nỗi niềm: "Đám tiệc xong rồi tới màn karaoke cây nhà lá vườn giờ trở thành nỗi ám ảnh nơi làng quê.
Cứ thử tưởng tượng đám tiệc xong khoảng 11-12h rồi tới tiết mục hát với nhau kéo đến chập tối với dàn loa hết công suất. Ai mà chịu nổi!".
Anh Long Khang bức xúc: "Ôi, cái màn karaoke thì thôi, xin chào thua. Hát hò rồi thậm chí gây gổ, đánh lộn với nhau. Dọn dẹp không mệt bằng cái vụ này đâu".
Còn anh Tùng quá ngán khi ai cũng nói thông cảm lâu lâu mới có tiệc, nhưng cứ hết nhà này đến nhà khác. Đi làm về mệt mà không được nghỉ ngơi, con cái thì không học được, riết anh muốn quạu.
Theo bạn đọc Hoàng Phương, đám giỗ mà lại muốn làm thật linh đình, hát hò ầm ĩ thì thật kệch cỡm, trái thuần phong mỹ tục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận