Như Tuổi Trẻ Online phản ánh: Theo xu hướng phát triển, giờ đây việc tổ chức đám giỗ để tưởng nhớ ông bà tổ tiên khác xưa ít nhiều. Trước đây, dự đám giỗ ở quê có gì mang theo nấy, còn giờ đây đi bao thư hay mua gì mang đến, trái cây hay thùng bia?
Đã vậy, sau ăn uống, nhậu nhẹt lại thêm karaoke... cả ngày làm phiền hàng xóm.
Thạc sĩ Trần Xuân Tiến và tiến sĩ Vũ Thị Minh Huyền chia sẻ thêm xung quanh câu chuyện gây tranh luận này.
1. Với văn hóa người Việt, cúng giỗ là một trong những lễ nghi truyền thống vô cùng quan trọng. Tổ chức đám giỗ sao cho đúng đắn và ý nghĩa luôn là tâm niệm mọi người hướng đến.
Với nhịp sống hối hả hiện nay, ngoài việc có ý nghĩa là dịp thể hiện tấm lòng tưởng nhớ tri ân người đã khuất, thể hiện đạo hiếu đối với tổ tiên, duy trì những giá trị văn hóa, cúng giỗ còn là khoảng thời gian để con cháu người thân trong gia đình tề tựu đông đủ, cùng chia sẻ tâm tình những vui buồn năm tháng đi qua.
Theo thời gian, cúng giỗ ngày nay cũng có những thay đổi nhất định. Mâm cúng bày biện thịnh soạn hơn, thực đơn phong phú hơn, danh sách khách được mời mở rộng hơn.
Thậm chí nhiều trường hợp còn tổ chức có phần rình rang, thuê tiệc nhà hàng cao cấp, mướn dàn nhạc sống, mời nghệ sĩ đến hát...
Tổ chức càng đình đám, người được mời càng cảm thấy băn khoăn trăn trở khi tham dự. Nên mua gì mang đến, trái cây hay thùng bia? Nên bỏ phong bì bao nhiêu cho phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình?
2. Cũng có nhiều trường hợp tổ chức cúng giỗ với cách riêng, theo hướng nhẹ nhàng, giản tiện, thanh tịnh nhưng vẫn giữ được trọn vẹn lòng thành kính và sự trang trọng.
Chẳng hạn như hình thức cúng giỗ chay đang được nhiều gia đình thực hiện. Gia chủ nói rõ việc sẽ cúng chay khi mời khách. Điều này giúp người đến dự có thể biết trước, để họ có thể mang bánh trái hoa quả phù hợp. Và cũng để họ biết trước rằng gia chủ sẽ đãi tiệc chay.
Xu hướng cúng giỗ chay xuất phát từ ý niệm nhân ngày giỗ kỵ người quá cố, con cháu ăn chay, phóng sanh, làm những việc thiện lành nhằm hồi hướng công đức, cầu cho vong linh được tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng phước báu.
Đãi chay cũng giúp giảm bớt tiệc tùng rượu bia, hạn chế chè chén căng thẳng, không áp lực lái xe khi tàn tiệc.
Cũng có trường hợp tổ chức đám giỗ tối giản, để dành tiền làm từ thiện như gửi sách vở bút viết học bổng trao tặng các quỹ khuyến học, gửi tiền ủng hộ hội chữ thập đỏ địa phương; hoặc phát cơm miễn phí cho bệnh nhân khó khăn, phát các phần quà từ thiện cho người vô gia cư…
Con cháu xem việc tổ chức các hoạt động nhân văn này mang tính thiết thực cao, có ý nghĩa đại diện làm việc thiện nguyện thay cho người đã khuất.
Trong quá trình đồng hành thực hiện các hoạt động từ thiện, con cháu người thân cũng có dịp chia sẻ gắn kết tâm tư, tăng cường tình cảm gia đình, duy trì mối quan hệ gần gũi và san sẻ yêu thương đối với cộng đồng, xã hội.
Có nhiều gia đình còn lập hẳn quỹ học bổng riêng mang tên người đã khuất, mỗi năm đến ngày giỗ, tổ chức hoạt động thiện nguyện. Công việc này vừa hiện thực hóa di nguyện người đi xa, vừa qua đó giáo dục con cháu trong gia đình về tình yêu thương, giá trị của hạnh phúc.
3. Mỗi vùng miền sẽ có những tập quán, phong tục cúng giỗ khác nhau. Mỗi gia đình cũng sẽ có điều kiện kinh tế, quan niệm khác nhau về việc thể hiện tấm lòng trong việc tổ chức cúng giỗ.
Có gia đình vất vả mưu sinh, bày biện hương nhang trái cây tỏ lòng thành kính tưởng nhớ. Nhưng không vì thế mà giảm đi sự trang nghiêm, ấm áp tình cảm. Dù tổ chức với cách thức nào, điều quan trọng nhất là tấm lòng tri ân, là sự tôn trọng đối với người quá cố.
Đây là dịp để những người trong gia đình chia sẻ những kỷ niệm đẹp về người đã khuất, giúp các thế hệ trong gia đình hiểu rõ hơn về tổ tiên và truyền thống gia đình.
Xin đừng nhân danh sự tưởng nhớ để biến ngày cúng giỗ thành những buổi nhậu nhẹt tiệc tùng đình đám, đàn ca múa hát rình rang, ảnh hưởng đến bà con chòm xóm và tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn, an ninh.
Làm mâm cơm cúng ở nhà, khách thì mời ra nhà hàng
Trước đây, vào ngày đám giỗ, con cháu sẽ tụ họp về, cùng nhau làm những mâm cúng dâng lên tổ tiên, ông bà. Ngoài con cháu, luôn có sự góp mặt của hàng xóm. Mọi người sẽ cùng nhau nấu cỗ.
Sau khi dâng cúng rồi cùng nhau ăn. Khi ra về, chủ nhà sẽ biếu cho khách đến phụ một túi quà cúng gọi là "chia lộc". Đây cũng là một nét văn hóa đẹp của người Việt.
Cuộc sống có nhiều đổi thay, người ta phải tất bật chạy đua với thời gian để mưu sinh, từ đó phong tục cúng giỗ có những thay đổi nhất định.
Ngày nay, muốn mời đám người nào đó, chỉ cần gọi điện thoại là xong. Hàng xóm thích thì đến dự, không thích thì không đi. Con cháu đôi khi vì lý do công việc, đường sá xa xôi cách trở mà thoái thác, không về dự đám giỗ ông bà cũng không bị phàn nàn gì.
Dịp giỗ, đa phần các gia đình ở thành phố sẽ đặt bàn ở nhà hàng để mời mọi người ăn, chỉ làm một mâm cơm cúng ở nhà riêng.
Các gia đình ở quê cũng thuê thợ nấu hoặc đặt sẵn các món ăn ở nhà hàng rồi nhờ họ đem đến để dâng cúng, chỉ diễn ra một ngày chính là cúng mâm cơm và đãi tiệc là xong, không như trước đây diễn ra nhiều ngày nữa.
Nhiều gia đình khác từ thành thị đến nông thôn, cứ đến mỗi dịp nhà có giỗ, điều đầu tiên họ quan tâm là thuê dàn nhạc sống về chơi cho thỏa máu văn nghệ.
Trong lúc có hơi men, cao hứng, chẳng còn bận tâm đến láng giềng, hò hét đến tận khuya, không ai ngủ được. Chẳng những mất tình mà có khi xảy ra mâu thuẫn lớn, thậm chí dẫn đến xô xát…
TS VŨ THỊ MINH HUYỀN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận