Nụ cười của hai nhà Hai Tường - Ba Công với “hai cặp” Út Anh, Út Em và chị em Nhẫn, Nhịn - Ảnh: tư liệu gia đình |
Tìm “cặp vợ” cho con
Cho tới bây giờ, những lúc ngồi lai rai cùng sui gia, ông Hai Tường (Phan Văn Tường, 62 tuổi, ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Hanh, H.Châu Thành, An Giang) vẫn hay cười thầm về chuyện duyên nợ.
“Ông bà nói “trời sinh một đôi”. Nhưng ở đây thì trời sinh tới hai cặp”. “Tui cố ý đi tìm, nhưng khi mình không còn tin là sẽ có chuyện đó xảy ra thì nó tới”. Ông nói về chuyện cưới “cặp vợ" cho hai con trai song sinh của mình.
Hai Tường có hai người con trai sinh đôi. Năm nay 30 tuổi. Đặt tên là Út Anh, Út Em. Khi được hỏi về tên trong giấy tờ của hai người con này, Hai Tường phải suy tư một hồi: “Có thằng tên Phan Hoàng Út mà không biết tên thằng lớn hay tên thằng nhỏ. Tui không rành mấy vụ này”.
Hỏi thêm mới biết Phan Hoàng Út là tên người em, còn người anh tên Phan Thanh Út. Chòm xóm nói hai anh em Út Anh, Út Em hiền như cục đất, nói năng từ tốn và đặc điểm là đi đâu cũng có nhau.
Lớn lên, hai anh em cùng xách gói lên miền Đông làm công nhân, gửi tiền về nuôi cha mẹ và ông bà đã già yếu.
Chòm xóm bảo rằng hai anh em có phần hiền lành quá nên dù cả hai đều tốt tánh, có gương mặt sáng sủa nhưng chẳng thấy nhắc đến chuyện vợ con. Mà ông Hai Tường cũng lạ. Thấy con ông tử tế, nhiều nhà có con gái cũng muốn gả con nhưng ông không mấy nhiệt tình lui tới.
Hai Tường nói vì con ông quá hiền lành nên ông sợ ra đời thua thiệt người khác. Ngay cả chuyện cưới vợ, ông cũng phải tìm con nhà hiền lành mới bước tới.
Một điều ông lo lắng là từ nhỏ tới lớn, hai anh em Út Anh, Út Em làm gì cũng ở cạnh nhau. Ông lo đến khi cưới vợ, mỗi nhà mỗi cảnh thì anh em lại tách nhau ra. Bởi vậy từ lâu nay người cha vẫn ao ước tìm được cặp chị em song sinh vừa đôi phải lứa để cưới cho con mình.
Những lúc đi đám tiệc, nghe nói ở đâu có chị em song sinh ông đều lắng tai chú ý. Nhưng ông chỉ kết thúc bằng tiếng thở dài.
“Mình cứ nghĩ là ở đâu đó cũng có gia đình người ta sinh đôi, tới tuổi dựng vợ gả chồng như con tui. Nhưng vì mình là nông dân, điều kiện đi đứng không nhiều... nên dù muốn cho anh em nó cưới vợ một nhà cũng tưởng như tìm không ra”, Hai Tường nhớ lại.
“Đám cưới sinh đôi” là sự kiện gây chú ý của người hiếu kỳ gần xa dạo ấy - Ảnh: tư liệu gia đình |
“Con của hai nhà”
Nhiều năm. Khi người cha không còn nuôi hi vọng tìm “cặp vợ” cho con nữa, thấy con tuổi cũng gần 30, sợ con cái thiệt thòi, ông gọi Hoàng Út về để tìm nơi đi hỏi vợ.
Giữa lúc ý tưởng tìm “cặp vợ" cho con của Hai Tường nguội dần thì duyên nợ lại đến với hai con của ông một cách bất ngờ.
Số là trong lúc lai rai, người sui gia khi biết Hai Tường có ý định đi hỏi vợ cho con đã gợi ý một thông tin quý hơn vàng: “Nhà Ba Công, gần nhà tui bên Mỹ Bình đạo đức lắm. Người ta có hai đứa con gái sanh đôi. Anh qua coi đứa nào chịu thì cưới cho thằng Út Em”.
Như mở cờ trong bụng, Hai Tường nhờ người thông gia dắt mối sang nhà ông Ba Công (Nguyễn Chí Công, xã Mỹ Bình, H.Châu Phú, An Giang). Tận mắt thấy hai cô gái con nhà nề nếp, vừa được người được nết, Hai Tường mới tình thiệt với sui gia về ý định tìm cặp đôi song sinh cho hai đứa con của mình.
Lúc này người thông gia mới nói: “Bên nhà Ba Công người ta cũng muốn gả con về cùng một nhà”. Nghe thế Hai Tường càng tự tin hơn.
Ngày đưa con trai Phan Hoàng Út đi coi mắt cô gái Nguyễn Thị Nhịn, nhà trai cũng ngỏ lời muốn hỏi cưới cô chị Nguyễn Thị Nhẫn cho người anh Phan Thanh Út. Tuy lần đầu mới thấy mặt, biết tên, nhưng khi nghe cha mẹ hỏi chuyện hôn nhân, cả hai cặp đôi đều ưng thuận lấy nhau theo gợi ý của cha mẹ hai bên.
Khi chuyện cưới vợ gả chồng cho con được hai bên “xuống mối”, Hai Tường nói đó cũng là lúc ông thấy lo lắng. Vì cưới cùng lúc đến hai con dâu là chuyện không đơn giản. “Gia đình đâu có dư dả gì, mà cưới vợ một lượt cho hai thằng tiền đâu lo cho nổi” - Hai Tường nhớ lại.
Lúc đó gia đình ông Ba Công cũng hiểu hoàn cảnh nhà trai nên nói trước là đàng gái không đòi hỏi về sính lễ. Gia đình nhà trai tùy điều kiện thế nào thì cho con dâu thế nấy.
Được lời, Hai Tường mừng khôn xiết. Phần vì được nhà gái tạo điều kiện để cùng lúc cưới vợ cho hai con, phần lớn hơn là gia đình thông gia đã sớm cảm thông cho hoàn cảnh gia đình ông.
Hai tháng sau, lễ cưới được tổ chức. Lễ cưới dù không rình rang nhưng cũng đủ các nghi lễ truyền thống như bao đám cưới khác.
Đó là một sự kiện thu hút hiếu kỳ. Không chỉ ở Vĩnh Hanh mà bên nhà gái ở Mỹ Bình, đám cưới, đám gả nhưng người gần xa rần rần kéo đến như đi hội. Họ muốn một lần được tận mắt chứng kiến đám cưới có hai cô dâu chú rể lại là hai cặp song sinh. Nên có người dù không được mời cũng tranh thủ có mặt để không bỏ qua sự kiện hiếm này.
Đám rước dâu, người hiếu kỳ khắp nơi chạy theo coi. Hai Tường nói ông không thấy phiền mà ngược lại thấy vui vì đám cưới con mình được sự chứng kiến, chung vui của nhiều người như thế, nhất định con ông sẽ được hạnh phúc.
“Tới giờ, hai gia đình chúng nó đang rất hạnh phúc”, Hai Tường mãn nguyện.
Một điều có lẽ là băn khoăn của nhiều người khi nhìn vào hai cặp đôi giống nhau như hai giọt nước. Ông Tường chia sẻ nhiều người hỏi ông hai con dâu giống nhau như hai giọt nước như thế, ông có khi nào bị “lộn dâu” không.
Ông tình thiệt lúc vợ sinh ra hai anh em Út Anh, Út Em thì cũng có đôi lần ông bị lẫn lộn vì hai đứa quá giống nhau. Nhưng khi cưới dâu, dù hai chị em nhìn như là một, nhưng ông vẫn phân biệt đâu là cô dâu Nhẫn, đâu là cô dâu Nhịn.
Bên nhà gái cũng thế, hai chàng rể người ngoài khó lòng phân biệt đâu anh, đâu em nhưng nhà gái thì chưa hề lầm lẫn. “Có lẽ chúng sinh ra đã là con của hai nhà rồi” - người cha đắc ý.
Cưới nhau được bảy ngày thì hai cặp đôi lại dắt díu nhau trở lên miền Đông để làm công nhân. Út Anh nói khi thấy hai anh em dẫn ra mắt hai cô vợ cũng là chị em sinh đôi, nhiều người không khỏi trầm trồ.
Có người còn nói thật hai anh em đã giống nhau rồi, lại có hai cô vợ càng giống như đúc như thế, thật là “làm khó” mọi người khi phân biệt quá!
“Trước người ta khó phân biệt đâu là anh, đâu là em. Giờ lại thêm khó phân biệt đâu là gia đình anh, gia đình em”. Út Anh tâm sự cho tới giờ sự nhầm lẫn ấy đã ít đi. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có người vào nhầm nơi vợ chồng anh ở trọ vì tưởng đó là gia đình người em.
“Mình cũng chịu thôi chứ biết sao giờ. Quan trọng là tụi em biết mọi người, biết phân biệt phải quấy, đúng sai, hiền dữ... thì ở đâu cũng sống ổn” - người chồng hiền lành đúc kết.
_______________
Kỳ tới: Đám cưới con “vua bò”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận