TTCT - Không biết vì sao càng lớn tuổi tôi càng trở thành một con người của hoài niệm. Tôi càng ngày càng ý thức, càng nhận diện rõ ràng hơn những vẻ đẹp lung linh của những gì thuộc về xưa cũ. Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần Cho nên khi tổ chức đám gả cho đứa con gái đầu lòng, tôi đưa ra một quyết định gây không ít tranh cãi cho thế hệ trẻ trong gia đình. Quyết định của tôi là tổ chức đám cưới trong quê, theo kiểu quê của ngày xưa. Tôi muốn việc “hỷ” đầu tiên của gia đình tôi là dành trọn vẹn cho dòng tộc, láng giềng, bạn hữu... Trong suy nghĩ của tôi, đó phải là một đám cưới nhà quê thật sự. Địa điểm được tổ chức là ngôi nhà thờ của dòng họ, cha mẹ tôi. Ngôi nhà thờ nằm giữa một làng quê mà phía trước mặt là cánh đồng xanh bát ngát cánh cò, sau lưng là những làng xóm mộc mạc, có rất đông người của dòng tộc tôi cư ngụ. Chương trình đám cưới do tôi thiết kế là: có tát đìa, có mượn bàn ghế, có lạy xuất giá, lạy tổ tiên để từ giã gia đình mà về một gia đình mới. Cỗ bàn do những người quê nấu, nấu đúng kiểu xưa, đãi đằng kiểu xưa... Đó là một chương trình “cây nhà lá vườn”, loại bỏ hầu hết các công việc của dịch vụ đám cưới thuê bây giờ. Và cũng chính từ đó nó làm tôi khốn đốn bởi quá nhiều công việc dồn dập đổ lên đầu gia chủ. Vợ tôi chạy sấp chạy ngửa, qua đám cô ốm như con mắm. Còn tôi thì nằm “thở thác lác” với bao câu hỏi chưa có lời giải, ai tát đìa bắt cá, ai mượn bàn, che rạp, bưng mâm, ai nướng bánh, ai nấu cỗ, ai chỉ huy sắp đặt hành lễ với nhiều cổ tục quê phức tạp mà nếu không có nó thì không thể thành một đám cưới nghiêm túc của một gia đình đàng hoàng?... Những việc này ngày xưa ở quê tôi dòng họ, bạn bè, láng giềng xúm xít phụ giúp gọn gẽ, có lớp lang trật tự hẳn hoi. Nhưng đó là việc của ngày xưa, còn ngày nay là thời hiện đại, cơ chế thị trường đã diễn ra hơn 20 năm, làng quê tôi nuôi tôm cũng đã hơn 20 năm, bây giờ ai cũng khá giả, thế nên đời sống đã khác, người ta đi nhà hàng ăn cưới, hay rước dịch vụ phục vụ đám về lo tuốt tuột, gia chủ, láng giềng, bạn bè chỉ ngồi không dự đám. Công việc cũ phôi pha, người lớn tuổi ít khi làm, người trẻ tuổi thì không biết... ngẫm ra tôi đã tự rước họa cho mình rồi. Thế rồi một điều bất ngờ xảy ra, đó là cái hôm tôi rủ mấy thằng cháu thân thiết đến nhà nhậu để bày tỏ niềm lo lắng. Đó là những thằng cháu gọi tôi bằng cậu, bằng chú nhưng cùng trang lứa, chơi với nhau từ thời chăn trâu, nay đã 50-60 tuổi hết rồi. Nghe chuyện của tôi, chúng nó cười ồ lên rồi bảo ông để bọn tôi lo cho. Sau đó chúng nó tự phân công, mỗi thằng đến tự “gom quân” là vợ, con đến giúp. Thằng Bình thì phụ trách khâu tát đìa, bắt cá; thằng Ngân thì che rạp, mượn bàn ghế, cắt đặt việc bưng mâm, dọn cỗ; con Diệu em gái tôi và vợ anh Hữu, anh Sáng (hai ông anh ruột của tôi) thì lo việc nấu nướng... Trước đám cưới hai ngày, khu nhà thờ dòng họ tôi như mở hội, 20-30 con người già, sồn sồn, choai choai đều có. Họ là dòng họ, láng giềng đến để phụ đám. Thằng Bình chỉ huy tát đìa không chỉ sít sao chặt chẽ mà không kém phần điệu nghệ. Quân của nó là con thằng Ngân, thằng Cảnh, thằng Đấu... đứa khiêng máy bơm nước, đứa bắt cá, rộng cá... Còn vợ thằng Bình, vợ thằng Ngân... thì lựa cá, làm cá để nấu bún mắm cho những người phụ giúp ăn buổi sáng, nấu canh chua, kho ăn buổi chiều và chọn ra những con cá lóc to để nấu cháo dừa đãi khách đêm nhóm họ. Lại có mấy thằng nướng trui cá lóc vừa làm vừa nhậu lai rai. Thằng Ngân thì sắp xếp cất đặt việc mượn bàn ghế, che rạp. Nó không chỉ sắp xếp không gian đãi cỗ mà còn lo mượn mấy bộ ngựa gõ để lót cho các cụ già ngủ đêm nhóm họ, lót cho mấy bà nấu cỗ ngồi nấu nướng, bắt mâm và rảnh thì đánh bài tứ sắc hay nằm nói chuyện thời con gái. Khu nhà bếp còn được che rạp mát mẻ, lại dựng thêm cái ván để úp chén, phơi chén. Không chỉ có thế, đội quân này còn lao vào dọn dẹp rác rến cho toàn khu nhà, khu vườn, ngay cả những tàu cau, tàu dừa khô cũng được móc xuống... Thoáng chốc, khu nhà đã sáng rực, rất tiện nghi, sẵn sàng cho việc tiến hành một đại lễ. Cũng trước đám cưới hai ngày, cánh bên vợ tôi từ Cà Mau lên tới. Họ là chị vợ, anh vợ và các cháu vợ của tôi. Sau phút mừng rỡ, chẳng có sắp đặt, sai bảo gì nhưng người nào việc ấy, giống như chuyện từ khai thiên lập địa đến giờ phải thế. Ông anh vợ tôi thì lo chạy bận, công việc chạy bận thì không có gì cụ thể nhưng dường như việc gì cũng dính líu tới anh. Chỗ này thiếu thì anh lấp cho đầy, chỗ kia thừa thì anh làm cho vơi, cần tiêu hành tỏi ớt gì người ta cũng gọi tên anh. Suốt mấy ngày đám cưới “bộ vó” anh trông rất buồn cười, quần vo áo vận, chạy sấp chạy ngửa giống như một người đàn ông nhà nghèo, con đông trong lúc vợ sanh. Còn mấy bà chị vợ tôi thì kẻ tham gia phụ bếp, người sắp đặt bánh trái. Trong nhóm bên vợ tôi, tôi thấy thương con Liên nhất vì nó cực quá. Liên năm nay 42 tuổi, nó lên chị đám em bạn dì ruột cùng hai đứa con. Hai đứa con nó thì xung vào đội quân bưng mâm, chạy bàn, còn nó thì lãnh nguyên cái “hụ” làm bánh phục vụ đám cưới. Liên tập hợp 3-4 cháu gái rồi dì cháu xúm xít đánh bột nướng bánh bông lan và làm rau câu. Đội quân này làm trong vòng một ngày một đêm là đã đủ đãi 500 thực khách mà vợ tôi tính rằng nếu đi mua ở chợ về sẽ tốn phí gấp ba lần. Dân Cà Mau có kỹ thuật nướng bánh rất khéo tay, chiếc bánh vàng óng, giòn tan, ăn vào là ngọt, béo thanh thao đầu lưỡi. Hai cô con gái tôi lè lưỡi bái phục chế Liên của nó, rồi hỏi: “Hồi xưa chế học trường nữ công gia chánh nào vậy?”, chế Liên nó phì cười: “Chế học bà ngoại, học má chế chứ có học trường nào hở em”. Xong việc làm bánh là đến ngày nhóm họ, Liên lại nhảy vào công việc khác. Nếu cô em gái và hai bà chị dâu tôi phụ trách nấu cỗ thì con Liên ở vai trò chỉ huy nhóm con gái trẻ phục vụ cho họ. Nấu bao nhiêu cỗ thì cần bao nhiêu thịt, cá, rau, bao nhiêu gia vị, cần phải làm gì để hỗ trợ tích cực cho các bà “tổng khậu”? Con Liên tính được hết, nó làm việc xông xáo nhanh lẹ, miệng lưỡi ngọt ngào sai bảo em, cháu. Nhìn nó, tôi nhận ra đó là một con người làm và hiểu đầy đủ công việc, làm bằng trách nhiệm của một người chị trong đám gả đứa em bạn dì ruột của mình. Điều tôi lo nhất là mâm cỗ đãi khách, nói gì thì nói chứ mâm cỗ không ngon rất dễ để lại lời ong tiếng ve. Nghe nói từ lâu con Diệu và hai bà chị dâu tôi đã hình thành bộ tam đi nấu giùm đám cưới, đám giỗ cho vài gia đình trong dòng họ. Nấu cỗ là cả một nghệ thuật. Ba người đàn bà quê, chữ không đầy lá mít, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời làm bụng dạ tôi như có lửa đốt. Thế rồi, thật lạ, mọi việc vẫn đâu vào đó. Buổi sáng nhóm họ, dòng họ, bạn bè thân thiết đến dự đám trước được ba bà “tổng khậu” đãi cho món bún nước lèo. Món bún làm từ cá lóc mới tát đìa lên, gỏi trộn là bắp chuối hái từ ngoài vườn vào. Những nguyên liệu tươi ngon, cộng với cái ngon của món mắm truyền thống qua bàn tay chế biến thường xuyên, thành thục của ba người đàn bà quê đã làm cho thực khách ăn lả mồ hôi trán. Tối nhóm họ là vào đám, người quê gọi là đãi cháo khuya, gồm các món: cá lóc to nấu cháo dừa, thịt cá lóc thì thái ra cho vào cháo, đầu cá thì cho ra dĩa. Lại thêm hai dĩa thịt vịt luộc trộn gỏi chuối cây cho mỗi mâm, cũng trong mỗi mâm có thêm hai dĩa tôm chao, hai dĩa cá trê nướng ăn kèm gừng non và chuối chát, húng quế. Cỗ nhóm họ toàn là những món quê, đa số thực khách cả chợ lẫn quê đều bảo lâu lắm họ mới lại được ăn một đám cưới như thế, họ cảm thấy lạ miệng nên rất ngon và gợi nhiều ký ức xưa cũ. Đêm đó bạn bè dòng họ tôi ở chơi rất đông, rất khuya. Họ vui say rồi hát hò cùng với nhóm đờn ca quê tự giác đến chơi, không phải trả tiền. Ngày đãi cỗ, tôi mời giới hạn dòng tộc, bạn thân, láng giềng mà cũng đã 50 bàn. Thực đơn được đưa ra cũng là những món thuần túy quen thuộc của một đám cưới nhà quê bây giờ. Thế nhưng ba bà “tổng khậu” đã sáng kiến thêm ba món nữa mà họ gọi là món ngoài danh mục để nhậu thêm. Sau đó họ bưng bê những món phụ đến từng bàn và nói bô lô ba la rằng: “Đây là món phụ không nằm trong cỗ”. Tôi biết đó là ý tránh tiếng cho gia đình tôi, không khéo quan khách sẽ bảo nhà ông Nghĩa đãi cỗ chuột. Vâng, đó là hai món chuột đồng mùa mưa mập ú được khìa nước dừa và bằm nhuyễn xào củ hành. Món thứ ba là mắm đồng chưng thịt với hột vịt ăn kèm rau rừng, do dì tám tôi, một bà già làm mắm có tiếng, phụ trách. Sau đám, tôi không nghe ai chê bai gì, chỉ thấy mấy anh khách chợ lẫn khách quê, đặc biệt là anh em ở Hội Nhà báo, báo Bạc Liêu... cứ xoắn lấy ba món phụ mà ăn, không thiết gì đến những món chính cỗ. Tôi rút ra một điều, những cao lương mỹ vị đắt tiền chưa chắc đã ngon hơn những món đồng quê truyền thống, rẻ tiền. Những món quê ấy có khả năng đánh bại một thực đơn rất đắt tiền mà cũng rất quen thuộc đến ngán ngẩm ở các đám cưới ngày nay. Đến 11 giờ tối khách đã no say về gần hết, chỉ còn lại dòng họ quây quần, anh Hữu thông báo đã đến giờ lạy xuất giá. Trong đám cưới này, anh Hữu lãnh phần chỉ huy sắp xếp hành lễ cho đúng với cổ tục. Dĩ nhiên là anh không chuyên nghiệp nhưng anh rành rẽ bởi vì anh đã dựng vợ gả chồng cho ba đứa con. Điều hài lòng đầu tiên của tôi là anh tham gia trang hoàng, cúng kiến cho bàn thờ gia tiên và ba má tôi rất đẹp. Có đầy đủ hoa quả bánh trái trà rượu nhang đèn. Anh sắp đặt vợ chồng tôi và những người già ngồi ở bàn giữa, tốp trẻ hơn thì ngồi ở gian hai bên của khu từ đường. Sau đó anh thắp nhang ông bà cha mẹ rồi rót rượu châm trà và gọi con gái tôi ra. Con gái tôi đẹp lộng lẫy và mắt long lanh đầy xúc động. Anh Hữu bảo nó đến bàn thờ lạy ông bà quá cố bốn lạy. Con gái tôi chấp tay khấn vái điều gì thì tôi không rõ, nhưng tôi biết đó là những lời tự sự thầm kín của một con chim mới ra ràng chuẩn bị tung cánh vào đời từ giã tổ ấm của mình. Trên bàn thờ, mắt ông bà nội nó trong di ảnh như đang cười. Má tôi chết sớm khi con gái tôi chưa sinh, còn ba tôi thì ẵm bồng nó hồi mới lọt lòng mẹ. Gia cảnh ba tôi ngày xưa rất túng bấn, nhưng khi ông đi chợ mua gạo, dầu lửa, nước mắm là dứt khoát phải có mấy cái bánh, kẹo cho con Linh (tên con gái tôi). Bốn lạy này là bốn lạy con Linh trả nghĩa cho ông để mà đi theo chồng. Sau đó, theo sự điều khiển của anh Hữu, nó bưng hai ly rượu đến mời vợ chồng tôi mà đầm đìa nước mắt. Nó tức tưởi: “Con có lỗi với cha, mẹ nhiều lắm. Cha nuôi con lớn lên, mỗi khi có tiền con không sắm cho cha được cái áo...”. Nước mắt chân thành của con gái đã rửa sạch những phiền muộn trong tôi, giờ chỉ còn lại trong veo một tình phụ tử. Tôi thầm nói với con gái của mình. Con không có lỗi gì hết, có chăng là lỗi ở cha mẹ đã không lo cho con đủ đầy bằng chị bằng em (có lúc gia đình tôi rất khó khăn). Giờ thì con sẽ đi xa, về với một gia đình khác, cực khổ bệnh đau thiếu vòng tay của cha mẹ. Nghĩ điều đó, tôi ứa nước mắt cùng con gái. Tiễn con gái đi rồi, tôi nằm ở nhà vui buồn đều có, về cả những triết lý nhân sinh. Buồn là vì xa con gái, nhưng đó là luật đời, không cãi được. Bù lại, con mình được thành gia thất, lo cho ngày vui lớn nhất đời nó được đủ đầy, trọn vẹn, nở mày nở mặt với người ta. Qua đám cưới này tôi càng thấm thía hơn nhiều điều về nông thôn. Việc xếp đặt phép cưới của anh Hữu không rườm rà, câu nệ, hình thức mà nó mộc mạc chân thành với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Anh Hữu là người ít học, việc anh làm là thừa hưởng những gì xóm làng đúc rút từ xưa. Cũng qua đám cưới này tôi nhận ra chất kết dính gắn bó như một thực thể máu thịt của dòng họ, cộng đồng, dệt nên cuộc sống nông thôn mà nếu thiếu nó sẽ thiếu đi ý nghĩa tốt đẹp của cuộc đời. Anh em, dòng họ, láng giềng đến nhà tôi tiếng là chung vui nhưng thực chất là đến để gánh vác cực khổ với gia đình tôi. Tôi cảm động và tự hỏi tại sao họ tình nghĩa và giỏi giang đến thế? Vợ tôi kể cha con Liên chết hồi nó mới hai tuổi, mẹ đi Sài Gòn làm mướn rồi lấy chồng khác, con Liên phải ở với ông bà ngoại (ông bà già vợ của tôi). Đời bà ngoại nghèo, sớm hôm lam lũ ruộng đồng, phải tự làm bánh trái mà cúng kiến, tự sắp xếp mà sống cho ra một kiếp người. Con Liên lớn lên trong một môi trường như thế. Nó tính toán việc gì cũng chủ động, sít sao nên việc chỉ huy làm bánh, phụ bếp của nó hôm đám cưới nhà tôi không ai chê vào đâu được. Có một chuyện làm tôi giật mình, cha thằng Bình và cha thằng Ngân đều hi sinh trong chiến tranh khi hai thằng còn nhỏ xíu. Cả thời niên thiếu của thằng Ngân thì ở đợ giữ trâu, còn thằng Bình thì làm mướn và bán cà rem dạo để phụ giúp mẹ nuôi đàn em dại. Lớn lên cả hai thằng có vợ rồi con đùm con đề ngay thời bao cấp. Gia cảnh chúng nó nghèo rớt mùng tơi, phải vất vả đi Cà Mau đào đất mướn. Có lần không tìm được việc làm, hai thằng ghé nhà tôi ở Cà Mau ăn cơm và xin tiền về xe. Cuộc sống quá vất vả buộc chúng nó phải làm giỏi mới sống được. Và như thế cũng chưa đủ, ở nông thôn thiếu thốn mọi điều, sống phải dựa dẫm, đỡ đần lẫn nhau thì mới sống được. Từ đó nhân cách của một con người hình thành, đó là biết làm, làm giỏi và có trách nhiệm với người khác. Đó là một nhân cách lớn của một kiếp người mà nếu thiếu nó đi thì giáo sư, tiến sĩ cũng không ra hồn. Nghĩ đến đây, tôi ứa nước mắt trước cái sâu thẳm của đồng quê. Người quê ăn nói mộc mạc, bỗ bã, nhưng việc làm của họ chứa đựng những luân lý của cuộc đời mà chúng ta đang đi tìm kiếm. Cái sâu thẳm chốn thôn quê ấy cần được nâng niu, xem trọng, nơi đó là cội rễ của nhiều người. Hãy về lại quê mình mà xem, trời vẫn xanh ngăn ngắt, đồng vẫn trải rộng mênh mông cánh cò, dòng tộc, bạn bè xưa cũ vẫn mộc mạc chân quê. Về để mà yêu thương, mà tiếp nhận nhiều điều đẹp đẽ, về để thấy cuộc đời còn rất nhiều điều đáng quý trọng, về để ta yêu đời thêm, thiết tha thêm với cuộc sống. Tags: Bút ký
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.