11/03/2016 10:30 GMT+7

Đám cưới con “vua bò”

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TT - “Vua đua bò Bảy Núi” bảo rằng cưới vợ gả chồng cho con ông đều phải có “xe hoa” được đưa bằng cặp bò chiến.

“Vua đua bò Bảy Núi” Chau Pi - Nguyễn Thành Tài bên “xe hoa” đưa con gái về nhà chồng. Đôi bò chiến này từng vô địch nhiều lần - Ảnh: tư liệu gia đình
“Vua đua bò Bảy Núi” Chau Pi - Nguyễn Thành Tài bên “xe hoa” đưa con gái về nhà chồng. Đôi bò chiến này từng vô địch nhiều lần - Ảnh: tư liệu gia đình

Ít ra ông đã hai lần đưa con gái, đón con dâu về căn nhà nhỏ bên vách núi cũng trên đôi xe bò đẳng cấp của mình.

Xe hoa “danh giá”

Hôm ấy con đường mòn lên núi Cấm trở nên huyên náo bởi dòng người dài ngoằng nối theo đôi bò chiến chậm rãi tiến về sóc Tà Lọt (xã An Cư, H.Tịnh Biên, An Giang). Cảnh vật yên lặng bị phá vỡ bởi một đám rước và bị phá vỡ vì những người khách không mời. Họ đến dự đám cưới con của một trong những nông dân nổi tiếng nhất vùng.

Điều khiển xe bò len qua những hẻm núi quanh co, qua các đoạn suối đang mùa tích nước..., chàng rể trẻ luôn lời trấn an cô dâu. Cô gái theo chồng không ngờ “món quà” mà người cha chồng tặng ngày cưới của con là chuyến rước dâu lạ lùng ở vùng Bảy Núi.

Cảm giác lẫn lộn vừa thú vị, vừa ngường ngượng trên “xe hoa” khiến cô gái đỏ chín mặt. Đó là cảm giác của riêng cô. Còn lại trên trăm quan khách đều quá phấn khởi bên đôi bò được tôn trọng, của người “cao bồi già” được tôn trọng và của một niềm kiêu hãnh xứ An Cư.

Phía sau, đôi phù dâu, phù rể được ngồi cùng xe hoa cũng lấy làm hãnh diện. Trước đó, nhiều người được nói trước rằng đôi bò rước dâu không phải là đôi bò bình thường mà là đôi bò chiến của “vua bò”. Khi đặt chúng lên đấu trường, chúng đã là đôi bò vô địch. Rằng đó là lần đầu tiên chúng đảm nhận nhiệm vụ kéo xe hoa. Dĩ nhiên, đám cưới vì thế mà thêm vui tươi và long trọng.

Chúng tôi ghé nhà vợ chồng anh thợ rừng Nguyễn Thanh Tùng (24 tuổi) trong chiều muộn. Căn nhà nhỏ nằm bên vạt rừng đã đầy ắp tiếng cười trẻ thơ. Có lẽ ít khi có người lui tới nên thấy khách bọn trẻ háo hức lạ thường. Từ rừng trở về với mớ chiến lợi phẩm đủ cho chuyện gạo mắm mấy ngày, người chồng trẻ, người cha của hai chú nhóc nói rằng những gì quan tâm của anh là đơn giản như thế.

Hơn hai năm sau đám rước dâu về chân núi Cấm gây nhiều chú ý, gia đình trẻ đã dựng một căn nhà nhỏ cạnh nhà cha mẹ. Hằng ngày Tùng vẫn lên rừng kiếm sống. Chiều về quây quần bên vợ con. Anh nói mình học cách sống đơn giản như thế từ người cha “cao bồi” nổi tiếng của mình.

Nhắc lại chuyện đám cưới rước dâu bằng xe bò của mình, Tùng nói đó là anh làm theo ý nguyện của cha anh. Tuy là con một người nổi tiếng trong giới đua bò, nhưng ngày trước anh không nghĩ một ngày mình sẽ đứng trên chiếc bừa thúc bò lao như điên về phía trước.

Cho đến khi rước dâu bằng đôi bò vô địch, sau đó anh mới thấy cha mình đã bắt đầu lẻ loi trên các trường đua. Trong thời gian ngắn, cái tên Tùng con Chau Pi đã được chú ý nhiều khi anh đã bốn lần được cảm giác vinh quang của một người chiến thắng trong các cuộc đua bò.

Và anh nói cũng sẽ tìm kiếm những đôi bò chiến, sẽ noi theo cha để gặt hái những vinh quang trong những trận đua khốc liệt.

Đám rước dâu của Nguyễn Thanh Tùng, con trai duy nhất của “vua đua bò”, về xóm Tà Lọt dưới chân núi Cấm  
- Ảnh: tư liệu gia đình
Đám rước dâu của Nguyễn Thanh Tùng, con trai duy nhất của “vua đua bò”, về xóm Tà Lọt dưới chân núi Cấm - Ảnh: tư liệu gia đình

Người cha “cao bồi”

Dưới chân núi Cấm, tại sóc Tà Lọt có một người đàn ông hiền lành, từ lâu đã được nhiều người suy tôn là huyền thoại sống trong giới đua bò.

Hơn chục năm thống lĩnh gần như tuyệt đối đường đua bò, cái tên Chau Pi - Nguyễn Thành Tài đã mặc định trong lòng những tín đồ của các trường đua máu lửa vùng Bảy Núi.

Tuy sống trong vùng thâm sơn cùng cốc nhưng nhà Chau Pi lại thường xuyên có người tìm đến để nói chuyện về những trận đua. Trong đó có những người là anh em, bạn bè, có người là đệ tử được ông đưa vào con đường “chơi dại” này.

Chau Pi nổi tiếng khắp vùng. Cho nên đám cưới của con cái ông mặc nhiên sẽ có nhiều người tìm đến chúc mừng. Ngoài ra, còn không ít người hiếu kỳ khi “vua đua bò” tuyên bố đám cưới, đám gả con cái ông đều chỉ đưa, đón dâu bằng... xe bò.

Nói thì làm. Hơn năm năm trước, con gái lớn của ông tên Nguyễn Thị Mỹ Duyên theo chồng về Châu Lăng. Ông kêu con gái để nói chuyện về... bò đua. Những giống bò oai vệ đã gắn bó với gia đình từ ngày ông còn nhỏ. Ba ông vì mê bò đua mà bị mất đi một con mắt trong lần đấu tập. Cứ tưởng sau tai nạn ông bỏ thú chơi bò chiến.

Không ngờ ông lại càng hăng say hơn. Hơn 50 năm với những trận đua nhớ đời, ông Nguyễn Văn Tấn nói ông chưa bao giờ đạt tới đẳng cấp của con trai ông, Chau Pi - Nguyễn Thành Tài.

Từ những trận đấu ở chùa, đấu xã, huyện hay những đấu trường lớn, thi đấu đúng phong độ thì Chau Pi thật không có đấu thủ. Tuổi trẻ kiêu căng với kiểu tóc bờm ngựa, mỗi giải đấu bò với Chau Pi mà nói nếu không vô địch thì đó là thất bại. Những trận đua đã đưa gia đình ông, một hộ nông bình thường như bao hộ nông khác ở vùng hẻo lánh, được gần xa biết đến như một ngôi sao trong giới. Vì thế trong những sự kiện quan trọng của gia đình, ông muốn lúc nào cũng phải có hình ảnh đôi bò chiến.

Khi nghe cha nói sẽ đưa dâu bằng đôi bò trắng vừa vô địch giải đấu ở Lương Phi, cô gái mừng ra mặt. Cô đem chuyện nói với chồng. Chàng rể vốn rất mến mộ cha vợ trong những trận đua tài cũng hớn hở không kém.

Sáng hôm đó, đôi bò vô địch đường đua lần đầu tiên biết đến thế nào là công việc kéo xe. Bởi bò chiến được nuôi theo chế độ đặc biệt. Bò được cho uống xôđa, sữa hột gà; hết xôđa thì cho uống nước dừa pha hột gà; hết dừa thì cho uống nước tăng lực... “Nó ăn sang còn hơn người” - Chau Pi nhún vai. Và dĩ nhiên chúng không phải kéo cộ, kéo xe vất vả như bao bò khác.

Chỉ lần duy nhất đôi bò trắng nhà Chau Pi làm công việc của... bò là kéo xe chở cô dâu chú rể. Người ta nói việc đưa dâu bằng bò vô địch cũng là cách “khuếch trương thân thế”.

Còn Chau Pi nói rằng nếu không như thế ông sẽ thấy thiếu sót với con, với đôi bò và với bản thân. Đến đám cưới của người con kế Nguyễn Thanh Tùng, “vua bò” Chau Pi cũng làm điều tương tự. Lần này là cặp bò phèn vừa cùng chinh chiến trở về.

Hôm gặp chúng tôi, Tùng khoe vừa bổ sung vào bộ sưu tập huy chương là giải nhì giải đua bò vòng huyện. Như vậy là anh đã có được chiếc huy chương thứ tư trong bốn lần tranh tài ở các hội đua bò. Tất cả những giải đó có được từ sau ngày anh đón dâu trên đôi bò chiến.

Khi con lập gia đình, Chau Pi đã dạy con trai những tuyệt kỹ khiển bò trên đường đua. Người con nhanh chóng có thành tích.

Tùng nói chiến thắng trước hàng trăm ngàn người cổ vũ là một cảm giác ngọt ngào mà ai cũng muốn có. Dù rằng ngay hôm sau thôi, anh phải lột vòng hào quang để trở về với những cánh rừng mưu sinh của mình.

Ở một vùng quê hẻo lánh dưới chân núi Cấm, có gia đình coi bò đua là báu vật. Từ sau lễ cưới sôi nổi của người con trai “vua đua bò”, ngọn lửa kiêu hãnh đã truyền tới thế hệ thứ ba.

_________

Kỳ tới: Cưới theo... cổ tích

TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên