Đại biểu Phan Xuân Lĩnh, giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Đắk Lắk, nêu vấn đề: quy hoạch, phát triển cây cao su của tỉnh đến năm 2020 có diện tích 66.800ha, vượt 6.600ha so với quy hoạch được Chính phủ phê duyệt và tăng 18.660ha so với quyết định của UBND tỉnh ngày 3-11-2009.
Ngoài ra, trong giai đoạn này tỉnh chỉ mới cho một số doanh nghiệp trồng thí điểm cao su (100 ha/dự án) nhưng đến nay số diện tích tự phát của người dân đã lên đến hàng ngàn hecta. Trong khi đó, ngành nông nghiệp lại chưa có khảo sát, đánh giá hiệu quả sự phát triển, sinh trưởng của diện tích cao su đã trồng (thí điểm và tự phát) trước khi lập quy hoạch mở rộng diện tích. Ngoài ra trong quy hoạch của dự án, các chỉ tiêu về sản lượng, giá thành cao su đến năm 2020 chưa được tính toán khoa học, chưa thể hiện tính khả thi.
Ông Trang Quang Thành, giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết phần lớn diện tích cao su đã trồng hiện nay do người dân trồng tự phát, đến nay ngành cũng chưa thể tổ chức, đánh giá được hiệu quả kinh tế. Đối với quy hoạch phát triển cây cao su, Tập đoàn Cao su VN sẽ thực hiện việc trồng cao su trong thời gian tới. Đây là đơn vị có nhiều kinh nghiệm, có chuyên môn về cây cao su nên sẽ đảm bảo được tính khả thi của dự án.
Tại kỳ họp này, ông Nguyễn Anh Dũng - chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột - cũng đưa ra phương án thu phí chợ tại chợ Buôn Ma Thuột (chợ mới) từ 30.000-150.000 đồng/m²/tháng, mức giá này phù hợp với tiểu thương và chủ đầu tư (Ban kinh tế - ngân sách HĐND đề xuất từ 30.000-180.000 đồng/m²/tháng). Ông Dũng cho biết thêm hiện các tiểu thương đang rất bức xúc, chưa đồng tình với cách thu phí tại khu chợ C vừa mới hoàn thành nên thường xuyên kéo đến UBND TP, tỉnh khiếu kiện gây mất an ninh, trật tự. HĐND phải có nghị quyết về mức thu để áp dụng, sớm đưa chợ vào ổn định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận