Đại tướng Phan Văn Giang - Ảnh: PHẠM THẮNG
Chiều 26-10, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã trình Quốc hội dự án Luật phòng thủ dân sự.
Theo Bộ trưởng Giang, thực tiễn công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố thời gian qua cho thấy cần phải có các biện pháp, hoạt động khi xã hội chuyển sang tình trạng khẩn cấp.
Các biện pháp này cần được luật hóa để có cơ sở pháp lý và được thực hiện thống nhất, đồng bộ.
Đại tướng Phan Văn Giang cho hay tham khảo kinh nghiệm các nước đều rất coi trọng công tác phòng thủ dân sự và đã ban hành thành đạo luật riêng.
Từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, việc xây dựng luật là "rất cần thiết".
Theo dự thảo luật, cấp độ phòng thủ dân sự được quy định thành 4 cấp.
Cấp độ 1 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trên một khu vực nhất định trong phạm vi địa bàn cấp huyện, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, không có khả năng lan sang địa phương khác.
Cấp độ 2 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trên một khu vực nhất định trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh, không có khả năng lan sang địa phương khác.
Cấp độ 3 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trên địa bàn một hoặc một số tỉnh, thành có khả năng lan rộng.
Cấp độ 4 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trong tình trạng khẩn cấp.
Về thẩm quyền, chủ tịch UBND cấp huyện được ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 1; chủ tịch UBND cấp tỉnh được ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 2; Thủ tướng ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 3.
Căn cứ nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh của Chủ tịch nước về tình trạng khẩn cấp, các địa phương được đặt trong tình trạng khẩn cấp thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 4.
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết một số ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định phòng thủ dân sự cấp độ 4. Bởi các biện pháp ứng phó đã được pháp luật về tình trạng khẩn cấp điều chỉnh hoặc sẽ phải sửa nội dung này khi xây dựng Luật về tình trạng khẩn cấp.
Một số ý kiến cho rằng việc giao thẩm quyền cho chủ tịch UBND cấp huyện, tỉnh công bố, ban bố, bãi bỏ các cấp độ như trên cần cân nhắc. Bởi khó thực hiện trong khi các luật chuyên ngành như Luật quốc phòng, Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật tổ chức Chính phủ… đã quy định khá cụ thể thẩm quyền trong từng lĩnh vực.
Mặt khác, quy định này cũng chưa thống nhất về thẩm quyền xác định cấp độ, mức độ sự cố tại một số luật chuyên ngành như Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Ông Tới cho biết có ý kiến đề nghị chỉ nên giao chủ tịch UBND cấp tỉnh thẩm quyền công bố, ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 1, cấp độ 2 để dễ chỉ đạo, chỉ huy và huy động lực lượng.
Ý kiến khác đề nghị giao chủ tịch UBND cấp tỉnh thẩm quyền công bố, ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 1, còn từ cấp độ 2 sẽ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Tới nêu rõ quy định thẩm quyền công bố, ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự là cần thiết nhằm xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể, tạo sự chủ động, linh hoạt và sát với tình hình thực tiễn khi xử lý thảm họa, sự cố, nhưng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định cho phù hợp để đảm bảo tính thống nhất và tính khả thi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận