28/12/2018 15:48 GMT+7

Đại tướng Phạm Văn Trà: Pol-Pot định đánh biên giới Tây Nam từ năm 1972

CHÍ HẠNH
CHÍ HẠNH

TTO - Là một nhân chứng lịch sử của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Ủy viên Bộ Chính Trị, nguyên bộ trưởng Bộ Quốc phòng - chia sẻ chi tiết này.

Đại tướng Phạm Văn Trà: Pol-Pot định đánh biên giới Tây Nam từ năm 1972 - Ảnh 1.

Đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Ủy viên Bộ Chính Trị, nguyên bộ trưởng Bộ Quốc phòng - một nhân chứng của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam - Ảnh: CHÍ HẠNH

Ngày 28-12, tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, thực hiện kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy An Giang tổ chức buổi Hội thảo cấp quốc gia với chuyên đề "40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, và cùng nhân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng" (7-1-1979 - 7-1-2018).

Các lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội qua các thời kỳ đến dự và góp ý tham luận về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam 40 năm về trước.

Đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bộ trưởng Bộ Quốc phòng, một nhân chứng của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam - hỏi các đại biểu có nhớ vì sao đất nước hòa bình rồi mà chúng ta vẫn thành lập Sư đòan 330, lấy lực lượng từ nhiều sư đoàn khác. Đó cũng là thắc mắc của nhiều người ở thời điểm đó.

"Không ngẫu nhiên mà Pol-Pot Ieng-Sary đứng ra đánh chúng ta, đằng sau chúng có thế lực. Năm 1972, tập đoàn này đã có hành động giết hại người dân Campuchia, và thậm chí chúng có ý định sẽ đánh biên giới Tây Nam từ trước năm 1972. Sau ngày hòa bình, Pol-Pot Ieng-Sary đã ra Thổ Chu (Kiên Giang) và nói đưa gần 500 người dân vào đất liền. Nhưng chúng đã giết chết hết rồi sau đó đánh đảo Phú Quốc (Kiên Giang)", tướng Trà kể.

"Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, Tịnh Biên và Khánh Bình (An Giang) là vị trí khốc liệt nhất, vì liên tục bị địch tấn công. Chúng tập trung nhiều sư đoàn với 2 sở chỉ huy phía bên kia biên giới chia ra nhiều mũi đánh chiếm biên giới nước ta. Khi đó, chúng ta phản công giải phóng được chỗ này thì chúng đánh chỗ khác, lấy lại Ba Chúc thì chúng đánh Tịnh Biên. 

Quân ta buộc phải sử dụng chiến thuật đánh chặn, đánh chia cắt không cho địch rút lui nhằm làm tan quân lực của chúng. Chúng ta đã rất kiên cường chặn đứng đường tiến công của địch. Trước sự tàn bạo của Pol-Pot Ieng-Sary, Quân ủy Trung ương sau đó đã ra lệnh tổng tiến công đẩy lùi tập đoàn diệt chủng qua biên giới, giải phóng thủ đô Phnom Penh và đánh đổ hoàn toàn chế độ diệt chủng".

Đại tướng Phạm Văn Trà: Pol-Pot định đánh biên giới Tây Nam từ năm 1972 - Ảnh 2.

Thượng tướng Lê Chiêm - thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại hội thảo - Ảnh: CHÍ HẠNH

Còn theo thượng tướng Lê Chiêm - thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trong khi đất nước đang tập trung mọi sức lực để khắc phục hậu quả 21 năm chiến tranh thì tập đoàn Pol-Pot Ieng-Sary được các thế lực bên ngoài giúp sức đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới nước ta. 

Pol-Pot Ieng-Sary còn thực hiện chính sách diệt chủng tàn bạo, giết hại gần 3 triệu người dân Campuchia và đẩy dân tộc Khmer đến trước thảm họa bị diệt vong.

"Trước hành động xâm lược, Việt Nam chúng ta buộc phải đứng lên thực hiện quyền tự vệ chính đáng, phối hợp cùng mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia tiến hành các cuộc phản công đánh đổ chế độ diệt chủng", thượng tướng Lê Chiêm nhấn mạnh.

"Trải qua cuộc chiến đầy ác liệt, đã có biết bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ Việt Nam hi sinh, bỏ lại một phần máu thịt trên chiến trường. Sự giúp đỡ bằng xương máu của quân tình nguyện Việt Nam đối với cuộc cách mạng Campuchia là chí tình, vô tư và trong sáng".

Hội thảo lần này còn là dịp để tri ân những con người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của hai dân tộc Việt Nam - Campuchia, góp phần giáo dục cán bộ, chiến sĩ, nhất là thế hệ trẻ phát huy tinh thần yêu nước, khát vọng ý chí độc lập tự chủ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Biên giới Tây Nam - đau thương và hữu nghị: Giữ gìn tấc đất biên cương

TTO - Để có từng cột mốc biên cương vững bền như ngày nay, nhiều cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã vĩnh viễn nằm lại vùng biên giới Tây Ninh...

CHÍ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên