Phóng to |
Đồng chí Mai Chí Thọ năm 1974, trên đường Trường Sơn trong chuyến đi báo cáo và nhận chỉ thị chuẩn bị tổng tiến công mùa xuân 1975 - Ảnh tư liệu |
Những tính cách đó tôi nghiệm ra sau thời gian dài được chú trực tiếp lãnh đạo trong thời kỳ chiến tranh cũng như khi đất nước hòa bình.
Gặp lại chú Năm trong thời gian ở tù ra và “lưu lạc”, tôi vô cùng cảm kích tấm lòng ưu ái của chú. Chú gửi tôi mật ong, mật gấu là những vị thuốc quí trong tiêu chuẩn của chú để bồi dưỡng cho tôi. Chú làm việc với Ban thường vụ Thành đoàn và gọi tôi vào họp chung, mặc dù tôi chưa kịp kiểm điểm ở tù ra. Tôi biết chú đã theo dõi đầy đủ thông tin về tôi ngay trong khi tôi trải qua các trại giam, rồi thời gian “lưu lạc” ở miền Đông và miền Tây Nam bộ, sống cùng các cấp ủy địa phương. Tính cách của chú thể hiện rõ qua một việc như vậy: dám tin cấp dưới của mình và quan tâm chăm sóc cán bộ.
Một hôm, tôi cùng Đảng ủy các đại học và trung học trọng điểm (Đảng ủy sinh viên học sinh) đến làm việc với chú Năm. Gặp mùa nước nổi trên biên giới VN - Campuchia, xuồng của giao liên đưa chúng tôi đến gặp chú Năm trong hoàn cảnh thật đặc biệt: chú nằm trên võng treo giữa cành cây cao, bên dưới là nước sâu mênh mông. Chú cười rạng rỡ, bắt tay chúng tôi và chỉ ba chiếc võng giăng sẵn xung quanh, đối diện nhau.
Ba chúng tôi gồm chị Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm), anh Dương Văn Đồng (Ba Đầy) và tôi thích thú lên võng, vừa báo cáo nhanh với chú về tình hình Đoàn và phong trào thanh niên thành phố. Chú chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng hỏi, gợi ý, chất vấn... Anh Ba Đầy thao thao bất tuyệt thật sôi nổi, đầy khí thế phong trào. Chị Tư Liêm lưu ý từng cán bộ, cơ sở, nhất là các anh chị hoạt động công khai, để nhắc nhở anh Ba Đầy phương châm công tác. Tôi thỉnh thoảng chen vào để làm rõ những điểm cần báo cáo đồng chí bí thư Thành ủy.
Đang hào hứng phát biểu và tranh luận với nhau, tôi bỗng thấy chú Năm đưa máy ảnh lên ngắm nghía Ba Đầy, mắt nheo nheo, miệng cười chúm chím... Tôi bỗng nghe lòng mình thanh thản lạ thường, như không phải đang giữa lúc chiến tranh ác liệt, mà giống như mấy chú cháu đang thảnh thơi trong một khung cảnh lạ lùng: vừa như thời tuổi thơ leo cây bầu hái trái ở dòng sông quê nhà, vừa như lạc bước nơi bạt ngàn rừng già biên giới phải ngủ trên cây mà bên dưới là một biển nước bao la bình yên. Một nhà lãnh đạo hết sức lạc quan cách mạng.
Sau ngày giải phóng, cán bộ Thành đoàn thường xuyên gặp chú Năm, khi thì cùng cấp ủy làm việc với Thành đoàn, khi thì trực tiếp đến các bộ phận của Thành đoàn để xem xét và góp ý kiến chỉ đạo. Chú quan tâm đào tạo cán bộ trẻ và biết rằng Thành đoàn có nhiều tiềm lực. Báo Tuổi Trẻ, Khăn Quàng Đỏ, Nhà xuất bản Trẻ, Nhà văn hóa Thiếu nhi, Nhà văn hóa Thanh niên, rồi Lực lượng Thanh niên xung phong, các Đoàn ủy, các đơn vị thanh niên xí nghiệp, công ty, các trường đại học, trung học... đã gặp chú. Và tôi nghĩ rằng đội ngũ cán bộ trẻ mà hôm nay rất nhiều anh chị đã trưởng thành, có vị trí trong xã hội đã không phụ lòng chú Năm.
Tôi rất tâm đắc tính cách cởi mở của chú Năm. Có người nói chú Năm quá “tự do”. Thời bấy giờ mà không có những đầu óc dám vượt ra ngoài tư duy hành chính bao cấp thì chắc không có đổi mới được. Tất nhiên “đổi mới” là từ cuộc sống, từ nhân dân. Nhưng phải có những con người sáng suốt và dũng cảm nhìn nhận cái mới từ trong thực tiễn, hơn nữa dám đưa ra để so sánh, để đối chứng với cái cũ và cuối cùng để xem xét đánh giá cái nào là yếu tố tích cực, tiến bộ hơn.
Những con người ấy nếu có cương vị lãnh đạo thì càng vô cùng cần thiết. Chú Kiệt, chú Linh, chú Bạch Đằng, chú Mai Chí Thọ... chính là những vị lãnh đạo đột phá vào cơ chế hành chính quan liêu bao cấp để cho cái mới bộc lộ. Cho nên ở TP.HCM đã sớm xuất hiện các khái niệm “bung ra”, “xé rào”..., đã sớm cảm thấy cơ chế cũ là ngột ngạt, “ngăn sông cấm chợ” và kêu đích danh cơ chế đương thời là “cơ chế hành chính, quan liêu bao cấp”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận