Phóng to |
Đại tướng Mai Chí Thọ |
Ông luôn bắt nhịp hơi thở cuộc sống
Những ngày sinh nhật của ông, người dân thường dự rất đông. Có người ở tận miền quê xa xôi còn mang lên tặng vị đại tướng mấy con gà vườn. Thậm chí tết đến, cả những người lính của chế độ cũ Sài Gòn đi cải tạo cũng âm thầm gửi ông những tấm thiệp. Những điều đó xuất phát từ tình cảm gắn bó giữa ông với người dân. Ông đi đến đâu, dân cũng rất quí, tin tưởng. Ai cũng muốn gặp ông để phản ảnh bức xúc. Ông quan tâm và hiểu sâu sắc đời sống của người dân.
Phóng to |
Đồng chí Mai Chí Thọ (cầm tờ báo Tuổi Trẻ) - lúc này là chủ tịch UBND TP.HCM - cùng đồng chí Võ Văn Kiệt (bìa trái) - lúc này là bí thư Thành ủy TP.HCM - đang cổ động cho báo Tuổi Trẻ số kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9 phát hành ngày 31-8-1979 - Ảnh tư liệu |
Tiếp xúc với ông, tôi nhận thấy con người ông có cốt cách của người lãnh đạo lớn. Ông nhìn ra sự sâu sắc của những sự kiện, thẳng thắn và đi đến tận cùng sự thật.
Về già, ông cũng có nhiều nỗi buồn khi nhìn thấy nhiều hiện tượng tiêu cực của xã hội. Nhưng ông không phản ứng theo kiểu gay gắt của người ngoài cuộc.
Ông là người có bản lĩnh, cốt cách, đóng góp ý kiến nhiều và ông là người lắng nghe được nhiều nhất. Làm to nhưng không cô đơn, không cô độc.
Người anh gần gũi
Tôi là bảo vệ cho ông từ năm 1965-1975, gắn bó với ông từ những ngày lăn lộn ở những cánh rừng Tây Ninh, Long Khánh đến chiến trường miền Tây ác liệt. Ngoài cha mẹ ruột của tôi, chú Năm Xuân đã góp một phần rất lớn vào sự trưởng thành của tôi. Ông như một người cha thứ hai, người thầy.
Hồi mới đi kháng chiến, tôi không biết một chữ bẻ đôi. Đã 23 tuổi mà mỗi lần làm hồ sơ, giấy tờ, tôi chỉ biết gạch chữ thập. Chính chú Năm bố trí người và động viên tôi học. Cái gì tôi chưa hiểu, ông đều giải thích cặn kẽ. Học trong rừng. Học dưới tầm đạn pháo. Nhờ sự động viên chỉ bảo của ông mà hòa bình lập lại tôi thi đậu, được học lớp 7 trở lên.
Mấy mươi năm rồi nhưng tôi nhớ mãi những bài học đầu tiên. Đó là bài học về ý chí cách mạng, bài học làm người. Nhớ có lần chú cùng chúng tôi ăn trong rừng, ngủ trong rừng nhiều ngày. Để có bàn ăn, tôi đã lấy cây rừng nhỏ đóng thành một cái bàn xệu xạo. Đến bữa ăn, nhìn cái bàn, chú nói: “Dọn xuống đất ăn đi, chú chỉ cho!”. Rồi chú giải thích: “Cái chân cháu phải làm cẩn thận hơn, bằng cây to hơn thì bàn mới vững, còn cái mặt bàn cháu phải làm nhỏ nữa mới cân bằng. Cũng như người làm cách mạng vậy, đầu tiên phải tạo một cái chân vững chắc trước. Cháu còn trẻ, cháu phải học, phải rèn luyện để sau này có một cái bàn vững chãi hơn”. Thường trong những bữa ăn như vậy, chú nhất định không chịu ăn riêng dù chú có tiêu chuẩn ăn riêng. Chú bảo rằng: “Cùng gian khổ như nhau nhưng ăn riêng thì không hay. Có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít”.
Hòa bình lập lại, người đại tướng, bộ trưởng ấy vẫn luôn hỏi thăm sức khỏe, đời sống, công việc của anh em. Chú còn lo nhà cửa cho anh em; đám cưới con tôi, chú làm chủ hôn. Và cho đến những ngày cuối đời, nghe dân phản ảnh anh chị nào làm cán bộ chưa tốt, chú cũng rầy dạy như ngày xưa.
Có thể nói thời kỳ ông Năm Xuân làm chủ tịch UBND thành phố (1978-1984) là giai đoạn khó khăn nhất của thời kỳ chưa có đổi mới. Tập thể lãnh đạo của thành phố lúc đó người ta nhắc đến đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ - bộ lãnh đạo xuất sắc cùng với cán bộ và nhân dân thành phố tìm tòi những yếu tố mạnh dạn cho phát triển, lúc đó gọi là “xé rào”. Cuộc đấu tranh cho đổi mới ở thành phố này cũng rất phong phú, nhiều mặt. Có thể so sánh nếu ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phú xé rào “khoán chui” thì ở miền Nam có việc đấu tranh cho “hai giá” (một giá nhà nước, một giá kinh doanh), TP.HCM bí quá “nuốt mật gấu”, chủ trương cho phép cả tư nhân thực hiện xuất nhập khẩu. Điều đó là đại cấm kỵ vì xuất nhập khẩu là độc quyền của Nhà nước. “Mấy ông người Hoa rành cái này. Để cho họ xuất khẩu hải sản tôm, cá, lúc đó chưa có gạo đâu mà xuất. Công nghệ lúc ấy cũng không có gì, bị cải tạo hết rồi”. “Không đổi mới là chết luôn” - ông Năm Xuân nhận định. Chính vì thế ban lãnh đạo của Sài Gòn cho “phá rào” xuất nhập khẩu, tổ chức nhà nước và các tổ chức quần chúng làm xuất nhập khẩu. Tổ chức những nhà kinh doanh có cơ sở, cán bộ Hoa vận đứng ra tổ chức tư nhân để xuất nhập khẩu, mua nguyên liệu về. Lúc đó ngành dệt không có nguyên liệu làm, công nhân thất nghiệp. “Bị trù ẻo dữ lắm. Nhưng đó là lối thoát. Viso bột giặt nhập trước, trả sau bằng bán mua tôm xuất khẩu. Quay vòng thế mới chạy ra được. Xuất nhập khẩu chủ yếu phục vụ nguyên liệu cho sản xuất”. Ông đi xuống chợ Thiếc thấy tình hình cải tạo đến từng gian hàng tiểu thương, thú thật là thấy bất nhẫn trong lòng không yên. Nhìn lại giai đoạn đó, ông cho đó là một sai lầm. Sau này khi làm chủ tịch, ông cố gắng trả lại những gì có thể như nhà cửa, vải vóc. “Nhưng mất nhiều lắm. Nhà nước cũng chẳng được lợi gì. Tâm lý xã hội lúc đó bi quan, ảm đạm, không đường ra. Việc một ông chủ tịch thành phố chủ động ra một chỉ thị khôi phục phát triển sản xuất mà còn khó, nếu phục vụ tiêu dùng thì chắc còn chết nữa”. “Ngay khi vừa tiếp quản thành phố, phải lo nhiều việc và cái tết đầu tiên, chúng ta đã lo cho nhiều người nghèo - ông Năm Xuân nói - Tết không của riêng ai, những người đầu đường xó chợ cũng được tổ chức lại có quà tết”. Về nghỉ hưu sau này, sống ở TP.HCM, ông cảm thấy “hạnh phúc, là một may mắn vì được sống với nhiều cán bộ quen biết suốt từ thời kỳ kháng chiến. So với cuộc sống của các đồng chí cũ, thí dụ như những đồng chí hoạt động ở Hà Nội cũ, ở đây tôi có điều kiện tốt hơn nhiều. Tôi tha thiết muốn dựa vào thành phố này để đạt được nguyện vọng của mình là phổ biến, trao đổi những suy nghĩ, việc làm của mình đóng góp cho cái chung”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận