21/05/2019 17:13 GMT+7

Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc phát lại các bộ phim chống Mỹ xa xưa

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Kể từ ngày 20-5, theo chỉ thị từ trung ương, các đài truyền hình và phát thanh Trung Quốc phải phát quốc ca lúc 7h sáng. Trên sóng truyền hình quốc gia, các bộ phim chống Mỹ xa xưa bỗng dưng xuất hiện.

Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc phát lại các bộ phim chống Mỹ xa xưa - Ảnh 1.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang có dấu hiệu lan rộng - Ảnh: REUTERS

Bầu không khí chống Mỹ đang được hâm nóng lên từng ngày trên các mạng xã hội và truyền thông nhà nước Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington vẫn chưa biết đến lúc nào sẽ nguội.

Kể từ tuần trước, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngừng chương trình thường lệ để phát sóng 4 bộ phim về những người lính Trung Quốc trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Các bộ phim được phát sóng vào giờ vàng của CCTV6 trong 4 đêm liên tiếp chỉ có cùng một chủ đề, đó là ca ngợi những người lính Trung Quốc đã dũng cảm đương đầu "đế quốc Mỹ". 

Chúng khắc họa hình ảnh người lính và nhân dân Trung Quốc như những người kiên cường, đã chiến đấu với một đội quân được vũ trang tốt hơn nhiều lần trong thời tiết khắc nghiệt và hầu như không có sự hỗ trợ.

Ngày 20-5, khi bộ phim cuối cùng chuẩn bị chiếu, đến lượt ông Hồ Tích Tiến - tổng biên tập tờ Thời Báo Hoàn Cầu, tờ báo chính thức của chính quyền Bắc Kinh - tuyên bố đã bỏ điện thoại iPhone và chuyển sang dùng hàng Huawei để phản đối "sự đàn áp của Mỹ" với tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc.

Một bài xã luận trên Tân Hoa xã ngày 21-5 tuyên bố sẽ cho Mỹ thấy "thanh gươm của Trung Quốc" nếu Washington "muốn đi ngược lại xu hướng của thời đại".

Một bài bình luận khác cùng ngày trên Nhân Dân Nhật Báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhấn mạnh những nỗ lực cản trở quyền được phát triển của 1,4 tỉ người Trung Quốc sẽ giống như "châu chấu đá xe".

Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc phát lại các bộ phim chống Mỹ xa xưa - Ảnh 2.

Áp phích bộ phim "Trận chiến đồi Tam giác" được chiếu trên CCTV6 của Trung Quốc - Ảnh: Weibo

Các mạng xã hội vốn bị kiểm duyệt gắt gao ở Trung Quốc giờ đầy rẫy những bài hát chỉ trích Mỹ.

Trên WeChat, một mạng xã hội hàng trăm triệu người dùng của Trung Quốc, Tỉnh đoàn Quảng Đông kêu gọi người dân hãy ăn nhiều hơn cá rô phi - loại cá đang chịu mức thuế nhập khẩu cao từ Mỹ.

"Chiến tranh thương mại! Chiến tranh thương mại! Không sợ thử thách gian nan! Không sợ thử thách ác liệt! Một cuộc chiến thương mại đang diễn ra trên Thái Bình Dương!" - đó là những lời của một bài hát có tên "Chiến tranh thương mại", do một cán bộ nghỉ hưu tên Zhao Liangtian đặt lời.

Bài hát được đưa lên mạng từ năm ngoái bỗng chốc trở thành ca khúc hot trên mạng xã hội trong những ngày gần đây, thu hút hàng trăm ngàn lượt xem và chia sẻ trên WeChat.

Giai điệu của bài hát dựa trên ca khúc trong một bộ phim chống Nhật thập niên 1960 do Trung Quốc sản xuất với nội dung ca ngợi người dân của một thị trấn đã dũng cảm chiến đấu, ngăn cản phát xít Nhật.

"Tôi đã chọn ca khúc trong phim ‘Đường hầm chiến tranh' vì nó gợi nhớ đến tình huống tương tự mà Trung Quốc đang phải đối mặt ngày hôm nay", ông Zhao nói với Hãng thông tấn Bloomberg ngày 20-5. "Kể từ khi chiến tranh thương mại nổ ra, tôi luôn cảm thấy thôi thúc phải làm gì đó!".

Theo chỉ thị chính thức từ Bắc Kinh, kể từ ngày 20-5 đến hết năm nay, các đài truyền hình và phát thanh Trung Quốc phải phát quốc ca vào mỗi buổi sáng. Lý do được đưa ra là để chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Một học giả Trung Quốc nhận định Bắc Kinh đang muốn nung nóng tinh thần yêu nước để tạo thế vững chắc cho các cuộc đàm phán trong tương lai với Washington. 

Những phản ứng gay gắt của Trung Quốc không chỉ thể hiện sự bực tức trước các động thái của Mỹ trong thương mại mà còn trong các vấn đề khác như Biển Đông.

"Nếu Mỹ đuổi ép Trung Quốc trên tất cả mặt trận, khi không còn đường lùi, Trung Quốc sẽ chấp nhận đối đầu trực diện", vị này tiếp tục nêu quan điểm nhưng giấu tên vì sợ ảnh hưởng đến một công trình nghiên cứu khoa học được nhà nước tài trợ.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên