Kính thiên văn quang học tại Đài Thiên văn Hà Nội - Ảnh: T. HÀ
Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), được đặt tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, trong quần thể các công trình của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Đây là đài thiên văn thứ hai ở Việt Nam, sau Đài Thiên văn tại Nha Trang đã đi vào hoạt động năm 2017.
Tại đây, khách tham quan sẽ có cơ hội ngắm bầu trời bao la qua kính thiên văn rộng 0,5m, được trải nghiệm cảm giác như bay vào vũ trụ, tìm hiểu lịch sử ngành thiên văn thế giới qua những thước phim 3D tại nhà mái vòm vũ trụ. Đặc biệt, các bạn nhỏ sẽ được tham gia vào các lớp học STEM do Trung tâm Vũ trụ Quốc gia thực hiện.
Đài Thiên văn Hà Nội được đầu tư khoảng 60 tỉ đồng với một kính thiên văn quang học có đường kính 0,5 m do Công ty Marcon (một công ty nổi tiếng của Ý về cơ khí chính xác) thiết kế và chế tạo.
Hệ kính này có thể giúp tìm kiếm thiên thể gần Trái đất, nghiên cứu khí quyển (bề dày, mây, mù), đo phổ vạch của các sao để thu thông tin về loại sao, tốc độ quay và độ lớn từ trường trên bề mặt sao, đo vận tốc xuyên tâm của sao chủ để tìm kiếm ngoại hành tinh.
Đài thiên văn Hà Nội cũng gồm một nhà chiếu hình vũ trụ được thiết kế giống như một rạp chiếu phim nhưng với màn hình dạng mái vòm. So với nhà chiếu hình vũ trụ 60 chỗ ngồi ở Nha Trang, nhà chiếu hình vũ trụ ở Hòa Lạc có quy mô lớn hơn với khoảng 100 ghế ngồi.
Đài Thiên văn Hà Nội - Ảnh: VNSC
Những hình ảnh cũng như những thước phim sẽ được trình chiếu lên mái vòm bởi hệ thống 6 máy chiếu độ phân giải cao mang lại hiệu ứng 3D chân thực về bầu trời và các vì sao, đem lại cho người xem trải nghiệm đặc biệt về vũ trụ.
PGS.TS Phạm Anh Tuấn cho biết việc xây dựng Đài thiên văn Hà Nội nhằm hướng đến việc phổ biến kiến thức khoa học vũ trụ cho cộng đồng, khơi dậy niềm đam mê yêu thích khoa học nói chung, niềm đam mê vũ trụ nói riêng cho các bạn trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận