TTCT - Đái tháo đường (ĐTĐ) ở trẻ em type 1 (thể 1) đang tăng. Độ tuổi mắc nhiều nhất là 5-15 tuổi. ĐTĐ type 1 ít nhiều có liên quan đến di truyền. Nếu cha mẹ hoặc anh chị em bị ĐTĐ type 1 thì nguy cơ trẻ mắc bệnh này cũng tăng hơn. Ngoài ra còn các yếu tố môi trường như trẻ tiếp xúc với protein lạ (chẳng hạn uống sữa bò quá sớm) hoặc bị nhiễm virút. Các tác nhân ngoại lai này khởi kích quá trình tự miễn làm cơ thể tạo ra kháng thể chống lại bệnh (chống protein lạ và virút nhưng cũng nhầm lẫn chống lại tế bào chế tiết insulin ở tụy của chính mình). Như vậy bệnh ĐTĐ type 1 là hậu quả của sự phá hủy tế bào beta tụy, khiến tụy không sản xuất được insulin. Làm sao nhận diện? Trẻ lớn có một tỉ lệ nhỏ bị ĐTĐ type 2 như người lớn. Đây thường là những trẻ béo phì, ăn nhiều, ăn nhiều thức ăn nhanh và gần như ít vận động. Cơ chế bệnh ở đây giống với người lớn, nghĩa là do tình trạng đề kháng insulin (tụy không giảm tiết insulin mà do cơ thể không sử dụng được glucose). Triệu chứng của ĐTĐ type 1 hầu như luôn nặng nề. Trẻ đi tiểu nhiều, rất khát nước, hay đói, ăn nhiều mà vẫn sụt cân, mờ mắt. Trẻ thường than mệt mỏi, mệt lả người. Đôi khi trẻ sốt hay bị nhiễm trùng nào đó kèm theo. Nếu phát hiện trễ, không điều trị, trẻ rơi vào biến chứng cấp tính có thể hôn mê do nhiễm toan ceton. Chẩn đoán bằng cách thử đường glucose trong máu, không phải bằng đường trong nước tiểu. Trẻ ĐTĐ type 1 thường tăng khá cao, 300mg/dL trở lên. Kiểm tra nước tiểu nếu có thể ceton là nặng, phải đưa trẻ đi cấp cứu. Thử thách lớn nhất cho trẻ là phải chích insulin và điều trị này là suốt đời. Điều quan trọng mà cha mẹ và trẻ cần biết là nếu điều trị ĐTĐ tốt trẻ sẽ có đời sống khỏe mạnh, kể cả khả năng sinh sản. Theo dõi đường huyết tại nhà là phần quan trọng trong kế hoạch điều trị. Cần có máy thử đường tại nhà. Có thể phải thử máu nhiều lần trong ngày để điều chỉnh liều insulin, tránh đường máu quá cao hay quá thấp. Nên hướng dẫn cho trẻ lớn biết theo dõi đường máu, đồng thời biết đối phó với những mức đường huyết thay đổi. Điều chỉnh liều insulin theo đường huyết thật sự không quá khó nếu được bác sĩ hướng dẫn đầy đủ. Trẻ bị xây xẩm mặt mày Trẻ ĐTĐ type 1 rất dễ bị hạ đường huyết vì nhiều lý do: ăn ít, bỏ bữa ăn mà vẫn chích insulin, chơi đùa tập luyện quá mức, chích quá liều insulin. Nên biết rằng một khi đường huyết đạt mức tối ưu (đây là điều luôn được mong đợi) nhưng lại dễ khiến trẻ hạ đường huyết. Dạy trẻ nhận biết những dấu hiệu hạ đường huyết và phải luôn cảnh giác: yếu mệt, đói bụng, xây xẩm chóng mặt, da tái xanh, đánh trống ngực, vã mồ hôi, lo lắng, run tay, nếu nặng nữa trẻ sẽ lơ mơ lú lẫn, thậm chí hôn mê nếu đường huyết quá thấp. Bất kể khi nào trẻ có một hoặc vài biểu hiện trên là lập tức phải thử đường huyết, nếu mức đường huyết dưới 70mg/dL, trẻ nên ăn gì đó có sẵn quanh mình, kể cả thức ăn/uống ngọt. Trong trường hợp không có sẵn máy thử đường huyết, hãy ăn thức ngọt bất cứ khi nào trẻ có triệu chứng trên, rồi thử đường sau đó càng sớm càng tốt. Trong túi hay cặp của trẻ nên để sẵn viên đường, kẹo, bánh ngọt, hộp sữa có đường để kịp xử trí. Ăn quá nhiều, ăn nhiều thức ăn nhanh, không chích đủ liều insulin hoặc đang mắc thêm một bệnh cấp tính nào đó đều làm đường huyết tăng cao. Dạy cho trẻ biết những biểu hiện của tăng đường huyết như đi tiểu nhiều, khát nước, nhìn mờ, mệt, buồn nôn, khó tập trung. Ăn uống, tập luyện và insulin Không có chế độ ăn riêng biệt nào cả. Không cần tiết chế nhiều cho trẻ vì trẻ cần dưỡng chất và năng lượng để tăng trưởng và hoạt động. Hãy cho trẻ ăn đầy đủ dưỡng chất, hạn chế chất carbohydrate tinh luyện đã qua chế biến, giảm chất béo, ăn thêm chất xơ từ trái cây, rau củ và các loại hạt. Tập luyện giúp cơ thể khỏe mạnh và giảm đường huyết. Để trẻ chủ động chọn môn thể thao yêu thích, duy trì ít nhất 30 phút và thực hiện hầu hết các ngày trong tuần. Nhớ kiểm tra đường máu khi bắt đầu tập luyện để biết mức độ hoạt động ảnh hưởng đến đường máu nhiều cỡ nào. Ngày nay các nước đã có dụng cụ theo dõi glucose liên tục. Đây là dụng cụ nhỏ có bộ phận cảm ứng (sensor) cài đặt dưới da bụng, có thể đo glucose máu mỗi 15 phút mà không cần chích máu ngón tay. Máy cho biết rõ sự biến động của glucose máu để lập kế hoạch chích insulin phù hợp. Bơm insulin là dụng cụ đưa insulin liên tục theo một chương trình đã cài đặt sẵn không cần kim, mà qua một catheter cấy dưới da bụng. Bơm insulin khắc phục được vấn đề hạ đường huyết và xử trí sớm khi mức đường huyết cao hoặc còn dao động rộng. Sống chung với bệnh ĐTĐ type 1 không hề dễ dàng. Để kiểm soát bệnh cần nhiều thời gian và nỗ lực, nhất là ở giai đoạn đầu mới phát hiện bệnh. Trẻ có thể bị “sốc” dù gián tiếp hay trực tiếp, nên luôn động viên trẻ, biểu lộ cho trẻ biết trẻ không có một mình trong cuộc chiến với ĐTĐ. Tags: Trẻ emĐái tháo đườngLá thư bác sĩBS LÊ TUYẾT HOA
Tổng Bí thư Tô Lâm: Báo cáo Trung ương phương án tinh gọn bộ máy trong quý 1-2025 THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu bộ máy mới sau khi sắp xếp tinh gọn phải tốt hơn cũ, đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc.
Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Bulgaria thăm Trường mầm non Việt - Bun DUY LINH 25/11/2024 Chiều 25-11, hai phu nhân đã đến thăm trường mầm non Việt - Bun, một món quà của Bulgaria cách đây hơn 40 năm.
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.