Giám đốc tài chính toàn cầu của Tập đoàn Huawei, bà Mạnh Vãn Châu đang bị Canada quản thúc - Ảnh: REUTERS
Quan hệ song phương giữa và Canada tiếp tục căng thẳng sau những vụ bắt bớ công dân lẫn nhau.
Canada cho rằng Trung Quốc đã bắt các công dân của nước này, nhằm trả đũa việc cảnh sát Canada bắt bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của Tập đoàn Huawei (Hoa Vi).
Trong khi bà Mạnh vẫn đang chờ xét xử xem có bị dẫn độ sang Mỹ hay không, phía Canada lại yêu cầu Trung Quốc thả người, và việc này khiến các quan chức ngoại giao Bắc Kinh không hài lòng.
Ông Lu Shaye, đại sứ Trung Quốc tại Canada, hôm 9-1 viết một bài xã luận trên báo Hill Times của Canada.
Nhà ngoại giao này khẳng định các nước phương Tây đã áp tiêu chuẩn kép lên Trung Quốc thông qua yêu cầu thả người mà Canada đưa ra.
"Việc một số người quen kiểu áp dụng các tiêu chuẩn kép đầy ngạo nghễ do ở chủ nghĩa tự tôn và dân tộc thượng đẳng. Điều họ đang làm không hề tôn trọng pháp luật gì cả, mà thay vào đó là chế giễu và chà đạp lên luật pháp", ông Lu viết.
Ông Lu nói thêm rằng tầng lớp "ưu tú" ở Canada đang hoàn toàn phủ nhận pháp luật Trung Quốc thông qua việc yêu cầu thả ngay lập tức các công dân Canada đang bị bắt.
Bài viết của đại diện ngoại giao Trung Quốc có thêm đoạn: "Có vẻ như, đối với những người này, pháp luật Canada hay các nước phương Tây mới là luật và phải được tuân theo, trong khi luật Trung Quốc thì không phải là luật và không cần thiết phải tôn trọng".
Theo lập luận của đại sứ Lu, bà Mạnh đã bị bắt dù không vi phạm bất kỳ điều gì trong luật pháp Canada.
Thực tế là phía Canada đã bắt bà Mạnh theo yêu cầu từ Mỹ. Cơ quan chức năng Mỹ cho rằng bà Mạnh đã vi phạm lệnh trừng phạt Iran trong khâu điều hành Huawei. Theo ông Lu, Canada "đừng bao giờ bắt ai đó chỉ để dẫn độ".
Bài viết của ông Lu nhanh chóng tạo ra tranh cãi. Ông Roland Paris, cựu cố vấn chính sách đối ngoại cho Thủ tướng Canada Justin Trudeau, cho là "nhảm nhí", nhất là việc đề ra "chủ nghĩa da trắng thượng đẳng".
Theo ông Paris, ông Lu đã không tập trung vào sự khác biệt cốt lõi: Canada là "nhà nước pháp quyền", còn Trung Quốc là "pháp trị". Vì vậy, đem luật pháp mỗi nước ra so sánh là điều không hợp lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận