09/12/2015 11:30 GMT+7

Đại sứ "Tây" ở Ta - Kỳ 3: ​Cùng Saadi ở Palestine

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TT - Chuyến thăm Palestine của đoàn nhà báo Việt Nam năm 2011 là sản phẩm thật sự của ý tưởng và nỗ lực cá nhân đại sứ Saadi Salama Tomeizy.

Tác giả Nguyễn Ngọc Hùng và Saadi khi anh là sinh viên học tiếng Việt ở Hà Nội năm 1982 - Ảnh tư liệu của NNH

Chúng tôi gọi đại sứ là “anh”, thậm chí là “Saadi” bởi sự gần gũi mà ngài đại sứ chủ động dành cho chúng tôi ngay từ những mối quan hệ đầu tiên khi mới quen biết nhau tại Việt Nam.

Tình cảm và phong cách ứng xử ấy còn thể hiện trong suốt quá trình tổ chức chuyến đi cũng như việc đại sứ tháp tùng đoàn chúng tôi không thiếu một hoạt động nào trong thời gian có mặt tại Palestine...

... Saadi là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, làm việc tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Palestine ở nước ngoài suốt từ thập niên 1980 đến nay với những cương vị khác nhau, cho đến vai trò đại sứ tại Ghana trước khi sang Việt Nam vào cuối năm 2009.

Vị đại sứ này xuất thân từ dòng họ Tomeizy nổi tiếng ở Hebron bởi truyền thống đấu tranh chống ách chiếm đóng của Israel và chính anh từng là một chiến sĩ “fidain” khi chưa đầy 20 tuổi.

Với thân thế như vậy cộng với hoàn cảnh quê hương vẫn còn bị chiếm đóng đã tạo cho nhà ngoại giao đủ phẩm chất chuyên nghiệp này luôn có tác phong của một nhà hoạt động yêu nước.

Anh không nề hà những việc đòi hỏi những nỗ lực đổ mồ hôi và sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi, thậm chí làm phiên dịch cho cả đoàn.

Ý tưởng đưa một đoàn nhà báo Việt Nam đến Palestine là sản phẩm của cá nhân đại sứ Saadi Salama. Anh muốn các cơ quan truyền thông Việt Nam chứng kiến tận mắt hoàn cảnh của một dân tộc bị chiếm đóng suốt 63 năm qua.

Chẳng những kiên trì theo đuổi ý tưởng ấy suốt từ năm 2010 đến nay, Saadi còn muốn đây là một chuyến tác nghiệp thực địa của các phóng viên đậm chất “chiến trường”.

Chuyến đi của chúng tôi không tuần tự với những cuộc tiếp xúc cùng các chính khách nghiêm trang, hay những hoạt động chính trị - quần chúng được sắp đặt; mà hoàn toàn là những cuộc tiếp xúc với những quan chức từng là chiến sĩ và người dân bình thường nhất.

Đó là một vị cố vấn cao cấp của cố chủ tịch Yasser Arafat mà thương tích của tù đày và chiến trận còn hiển hiện khi ông tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở thành phố Areeha, mà quốc tế biết đến với địa danh Jareco, như tiếp những người bạn chiến đấu lâu ngày mới gặp lại.

Đó là những nhân chứng sống về nhiều năm bị giam cầm trong nhà tù của Israel mà cuộc sống của họ hiện tại hết sức bình thường nhưng thật thân tình khi họ tổ chức đón chúng tôi tại nhà riêng, ở những vùng quê thanh bình chỉ sau vài cú điện thoại tức thời trên đường chạy xe mà Saadi “đặt hàng đột xuất” với họ.

Đó là một vài trại tị nạn của người Palestine bị đẩy khỏi quê hương của họ từ năm 1948 hoặc trong chiến tranh 1967.

Ở đó, chúng tôi gặp những người cha có con bị lính Israel bắn chết trong một tình huống lãng xẹt khi chưa đến tuổi thành niên, những bà mẹ có con còn đang trong nhà tù của lực lượng chiếm đóng chỉ vì tham gia biểu tình ném đá vào lính Israel...

Ngay việc di chuyển trên đường cũng được Saadi lập trình sao cho chúng tôi có điều kiện chứng kiến nhiều nhất hoàn cảnh trớ trêu của một dân tộc bị chiếm đóng.

Đó là những khu định cư của người Do Thái chiếm đất của người Palestine, ngạo nghễ trên những ngọn đồi, được bao quanh bởi hàng rào kẽm gai và đường dành riêng cho lính tuần tra bảo vệ.

Đó là những xa lộ chỉ dành riêng cho người Do Thái mà người Ả Rập không được chạy xe vào đó, khiến nhiều khi người bản địa phải chịu cảnh gần nhà xa ngõ vì bị “cấm chợ ngăn sông”.

Rồi có những đoạn xa lộ dùng chung cho cả người chiếm đóng và dân bản địa, nhưng quyền ưu tiên tại các giao lộ trước hết thuộc về xe người Israel.

Nhà ngoại giao đậm chất quần chúng này còn rất tế nhị và kín đáo quảng bá cho những bản sắc dân tộc của anh bằng cách giúp chúng tôi thoát khỏi những bàn buffet sang trọng nhàm chán của khách sạn Movenpick bằng những bữa ăn dã ngoại vừa nhẹ nhàng, vui vẻ, vừa có dịp được thưởng thức tận mắt sinh hoạt của người Palestine khoáng đạt và dân dã.

Đó là những món nướng đặc trưng từ thịt cừu, bò hoặc gà. Là các loại ôliu muối chua vừa thơm ngon, vừa bổ dưỡng.

Và đủ loại phó mát, sữa chua được chế biến tại nhà. Tất cả thực phẩm đều là “cây nhà lá vườn” đúng nghĩa, được chế biến bởi những bàn tay nội trợ thiện nghệ của gia chủ cả đàn ông và đàn bà.

Saadi Salama tham gia lao động trong thời gian theo học đại học ở Hà Nội - Ảnh tư liệu

Tại những bữa ăn gia đình thôn quê này, cả chủ và khách đều chẳng cần một sự dè dặt, xã giao nào. Mọi người đều có thể ăn theo cách truyền thống của người Palestine.

Thức ăn cứ việc bốc và nước uống có thể ngửa cổ nốc cả chai! Nhờ tài tổ chức thoải mái của Saadi, chúng tôi đã được tiếp xúc với những bà mẹ Palestine đôn hậu, mến khách; rất tự hào và tế nhị khi được chưng diện những bộ váy áo sặc sỡ hoa văn thêu tay của mình.

Chúng tôi được ôm hôn những người đàn ông Palestine luôn coi Việt Nam là một biểu tượng đấu tranh vừa trân trọng vừa thân tình.

Chúng tôi được chuyện trò và chụp hình với các cháu nhỏ Palestine luôn mở to đôi mắt ngây thơ cực kỳ trong sáng và các thiếu nữ của miền đất huyền thoại với những khuôn mặt thiên thần tựa như trong tranh thánh.

Chuyến đi của chúng tôi không thể nào thành công mãn nguyện như thế nếu không nhờ vai trò rất đa năng của đại sứ Saadi Salama.

Anh là người tổ chức, người hướng dẫn, người thuyết trình và giải thích, kiêm luôn phiên dịch rất tự nhiên trong hầu hết các cuộc tiếp xúc từ quan chức đến người dân.

Nhưng không chỉ có thế. Saadi còn là một chàng trai rất vui tính, hóm hỉnh nhờ vốn tiếng Việt khó chê được của anh. Nhà ngoại giao cao cấp này thường tham gia những chuyện gẫu giữa chúng tôi khi xe chạy đường dài.

Anh có thể kể chuyện tiếu lâm bằng tiếng Việt với cách nói tránh né những từ tục một cách rất tinh tế. Anh bận rộn với đoàn chúng tôi đến mức khi xe đang chạy thì có chuông điện thoại của anh reo:

- Alô, em hả? Anh biết em gọi từ sáng mà chưa trả lời được. Anh đang đi với đoàn Việt Nam đấy.

- ...

- À, bây giờ không tiện nói chuyện vợ chồng với em nhé. Người ta nghe thấy đấy. Về khách sạn rồi anh gọi cho em nhé.

Rồi anh cười hóm hỉnh nói với chúng tôi: “Bà xã gọi từ Pháp đấy”.

Sau một ngày làm việc ngoài “hiện trường” và nếm trải cả hơi cay với nước thối, đã quá 8 giờ tối rồi mà mọi người đều thấy phấn chấn, nhẹ nhàng bởi đoạn đối thoại ngắn ngủi giữa Saadi với bà xã người Hoàng Mai, Hà Nội của anh.

Ruammallah, 21-5-2011.

Đỉnh điểm của ý tưởng “phóng viên chiến trường” là việc Saadi đáp ứng yêu cầu của đoàn nhà báo Việt Nam đưa chúng tôi đến chứng kiến một cuộc biểu tình phản đối chiếm đóng tại một vùng quê ngoại vi thành phố Rammallah.

Tại đây, các nhà báo Việt Nam đã chẳng những chứng kiến mà còn “được” hứng chịu đạn hơi cay muốn nhòa mắt, ngạt thở cùng nước thối vòi rồng của lực lượng chiếm đóng đàn áp.

Trong dịp ấy, Saadi trở về với chất chiến sĩ của mình khi anh cầm cờ Palestine đi trong hàng đầu đoàn biểu tình và cũng chịu nôn thốc nôn tháo bởi khói đạn hơi cay.

_______

Kỳ trước:

>> Kỳ 1: 

>> Kỳ 2: 

__________

Chàng trai trẻ Ted Osius quyết định đạp xe 1.930km từ Bắc vào Nam để tìm hiểu VN.

19 năm sau, ông quay lại đây với tư cách đại sứ Mỹ tại VN.

Kỳ tới: Ted Osius đạp xe xuyên Việt

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên