Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu 11 tháng đầu năm 2023, Việt Nam có trên 146.000 lao động đi nước ngoài, ước đạt cả năm khoảng 155.000 người, tăng 8,55% so với năm 2022. Mức này cao nhất từ trước đến nay. Nhật Bản dẫn đầu với trên 74.000 lao động.
Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ Online trước khi sang năm 2024, ông Ishii Chikahisa - bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam - nhấn mạnh việc nước này tăng tuyển lao động Việt Nam và lời khuyên cho người Việt trẻ muốn sang Nhật thời gian tới.
* Thưa ông, Nhật Bản đang có nhu cầu với lao động Việt Nam ở các lĩnh vực nào?
- Nhật Bản đang tiếp nhận người nước ngoài theo chế độ kỹ năng đặc định để ứng phó tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng.
Người lao động nước ngoài, bao gồm Việt Nam, được kỳ vọng là lực lượng chủ chốt trong 12 lĩnh vực gồm chăm sóc điều dưỡng, vệ sinh tòa nhà, công nghiệp chế tạo, xây dựng, đóng tàu/công nghiệp hàng hải, bảo dưỡng ô tô, hàng không, dịch vụ lưu trú, nông nghiệp, ngư nghiệp, sản xuất thực phẩm/đồ uống và phục vụ ăn uống.
Bên cạnh đó lao động kỹ năng đặc định làm việc tại Nhật Bản phải thi đỗ kỳ thi kỹ năng đặc định. Tương lai, các kỳ thi kỹ năng đặc định sẽ lần lượt được tổ chức tại Việt Nam.
Vì vậy người lao động phải sớm suy nghĩ về tương lai, chọn 1 lĩnh vực để nâng cao kỹ năng trong 12 lĩnh vực nêu trên. Thông tin về các kỳ thi kỹ năng đặc định sẽ được công bố trên trang web của Đại sứ quán thời gian tới.
* Thực tập sinh kỹ năng cũng là chương trình nhiều bạn trẻ Việt Nam quan tâm nhưng có thông tin Hội đồng chuyên gia Nhật Bản đã báo cáo sửa đổi chương trình này, điều đó có đúng?
- Cơ quan chức năng phía Nhật Bản đã xem xét việc sửa đổi chế độ thực tập kỹ năng từ tháng 12 năm ngoái. Ngày 30-11 vừa qua, Hội đồng chuyên gia đã đệ trình Chính phủ Nhật Bản báo cáo cuối cùng về sửa đổi chế độ thực tập kỹ năng.
Báo cáo nêu rõ việc sửa đổi tập trung ba mục tiêu gồm bảo vệ nhân quyền, nâng cao tay nghề và hiện thực hóa một xã hội an toàn, an ninh và hòa đồng. Chính phủ và Quốc hội Nhật Bản sẽ thảo luận chi tiết nội dung sửa đổi. Nhật Bản luôn đảm bảo đây là thị trường hấp dẫn với lao động Việt Nam.
* Để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp Nhật, tránh vi phạm pháp luật, ông có lời khuyên gì?
- Tuy hai nước có nhiều điểm chung, hoạt động giao lưu diễn ra sôi nổi nhưng vẫn có những khác biệt về luật pháp, phong tục… Vì thế, người lao động cần tìm hiểu kỹ luật pháp Nhật Bản.
Website của Đại sứ quán Nhật Bản có đăng các tài liệu và đường link tới các trang web với thông tin cần thiết cho cuộc sống hằng ngày tại Nhật Bản. Nếu gặp khó khăn về phong tục, luật lệ, người lao động có thể chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ từ cơ quan tiếp nhận, đoàn thể quản lý, cơ quan phái cử hoặc người thân trong gia đình thay vì lo lắng một mình.
Người lao động cần thận trọng vì thông tin trên Internet và mạng xã hội có thể không chính xác.
* Một số công ty xuất khẩu lao động thu phí dịch vụ gấp 2-3 lần tiền dịch vụ theo quy định, gây khó khăn cho người lao động. Phía Nhật Bản sẽ có giải pháp gì để hạn chế vấn đề này?
- Các chuyên gia lao động đánh giá mức phí mà thực tập sinh kỹ năng phải trả trước khi đến Nhật Bản càng cao thì khả năng thực tập sinh bỏ trốn, làm việc và cư trú bất hợp pháp càng cao.
Do đó Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai dự án “Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.
Dự án nhằm loại bỏ trung gian, môi giới thiếu đạo đức, những người đẩy phí dịch vụ lên cao khi đưa thực tập sinh kỹ năng sang Nhật Bản. Về lâu dài, dự án được kỳ vọng giảm phí dịch vụ cũng như số lượng người bỏ trốn sau khi nhập cảnh Nhật Bản.
Trong những thảo luận về sửa đổi chế độ thực tập kỹ năng tại Nhật Bản, đã có các ý kiến đề xuất tăng cường quản lý các cơ quan phái cử. Tới đây, Chính phủ hai nước sẽ tiếp tục hợp tác để loại bỏ các cơ quan phái cử kém chất lượng.
Chúng tôi khẳng định lại Nhật Bản cam kết tiếp tục cải thiện môi trường làm việc và sinh hoạt của lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản đã được đưa vào trong Tuyên bố chung Nhật Bản - Việt Nam sau hội đàm giữa Thủ tướng Kishida và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ngày 27-11.
Người Việt chiếm khoảng 1/4 tổng số lao động nước ngoài và đã trở thành một phần thiết yếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận