Đại sứ Phạm Sanh Châu tự tin trả lời câu hỏi của cử tọa tại cuộc thi chọn tổng giám đốc UNESCO ngày 27-4 - Ảnh chụp màn hình |
Ông Phạm Sanh Châu là người thứ 6 trả lời phỏng vấn, kéo dài 90 phút. Phần thi của đại sứ Phạm Sanh Châu bắt đầu từ 9h30 ngày 27-4 theo giờ Paris, tức 14h30 cùng ngày giờ Hà Nội.
Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, ông Phạm Sanh Châu cho biết rất thoải mái và khá tự tin sau phần dự thi của mình. Theo đại sứ Châu, ông cảm thấy càng tự tin hơn khi thấy rất nhiều người tham dự vỗ tay, có nhiều người đến gặp ông và động viên cho biết “đây là phần trình bày và trả lời tốt nhất trong những người tốt nhất đến giờ phút này”. Đại sứ Châu cho biết phần thi của ông, cũng như các ứng viên khác, gồm 2 phần: thuyết trình và trả lời các câu hỏi. Sau 10 phút thuyết trình, đại sứ Phạm Sanh Châu đã nhận được 18 câu hỏi từ cử tọa và là người nhận được nhiều câu hỏi nhất trong số những người đã dự thi.
Đại sứ Châu nói ông cảm thấy thú vị với câu hỏi đến từ đại diện châu Phi khi họ đặt vấn đề rằng Unesco nói là ưu tiên cho châu Phi, nhưng châu Phi không có nhiều di sản nên dường như khi triển khai thực tế lại không ưu tiên khu vực này. Ông cho biết trong thực tế khi tiếp cận nhiều tài liệu về châu Phi, ông cũng cảm thấy đó là điều cần phải thay đổi.
Ông Châu cho hay nhiều câu hỏi ông phải mất gần 5 phút để trả lời và chưa có câu hỏi nào bị lố hay hết giờ mà trả lời thiếu ý. “Tôi muốn nhấn mạnh rằng trí tuệ Việt Nam hoàn toàn có thể đảm nhiệm chức vụ này, hoặc tham gia các cuộc thi tầm cỡ quốc tế như thế này. Hãy cho trí tuệ Việt Nam cơ hội để thể hiện với bạn bè thế giới” - ông Châu chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Trả lời câu hỏi vì sao có chai nước của một doanh nghiệp Việt Nam để trên bàn khi ông thực hiện phần dự thi của mình, ông Châu cho biết trước khi thi ông cần uống nước ngọt, nhưng lại không uống được nước ngọt có gas nên phải dùng loại này. Ông cũng muốn giới thiệu cái gì đó của Việt Nam trong phần dự thi nhưng khó chọn quá. Ban đầu ông định mặc áo dài truyền thống, nhưng ban tổ chức không cho phép vì điều này quá nổi bật. “Tôi quyết chọn chai nước mang từ Việt Nam sang để giới thiệu” - ông Châu nói.
Sau vòng phỏng vấn này, Hội đồng chấp hành sẽ bỏ phiếu kín chọn ứng cử viên duy nhất vào tháng 10-2017. Tháng 11-2017, chủ tịch Hội đồng chấp hành sẽ thông báo cho Đại hội đồng tên ứng viên mà Hội đồng chấp hành đã chọn. Đại hội đồng sẽ xem xét đề cử này và bỏ phiếu kín để bầu ra tổng giám đốc UNESCO.
Theo hiến chương của UNESCO, tổng giám đốc do Hội đồng chấp hành đề cử và được Đại hội đồng bổ nhiệm với nhiệm kỳ 4 năm. Tổng giám đốc UNESCO sẽ quản lý ngân sách 676 triệu USD, 2.500 nhân sự thuộc 200 quốc tịch và gần 70 văn phòng, trung tâm thuộc UNESCO.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận