Với tỉ lệ bỏ phiếu 192/193, Việt Nam đã đắc cử ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Báo Tuổi Trẻ có cuộc phỏng vấn cùng đại sứ Phạm Quang Vinh - nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, người từng là đại sứ đặc mệnh toàn quyền thứ năm của Việt Nam tại Mỹ - về sự kiện này.
Sự chuẩn bị chủ động
* Vì sao năm nay Việt Nam là ứng viên duy nhất tranh cử tại khu vực châu Á?
- Có nhiều yếu tố dẫn tới thực tế này. Trước tiên, Việt Nam đã có sự chuẩn bị tận 10 năm qua. Đó là giai đoạn Việt Nam nỗ lực đảm nhiệm nhiều vai trò của LHQ sau một nhiệm kỳ (2008 - 2009) được LHQ và các nước đánh giá cao.
Thứ hai, Việt Nam tích cực thúc đẩy quan hệ song phương cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Nhìn lại, chúng ta có hệ thống trong quan hệ với các nước để tạo khuôn khổ hợp tác lâu dài. Đó là nỗ lực vượt trội, vì ví dụ, hiếm có nước nào đang có thu nhập trung bình như Việt Nam lại tổ chức những hội nghị về hợp tác quốc tế như chia sẻ kinh nghiệm phát triển với châu Phi chẳng hạn.
Từ đó, các nước cùng các khu vực nhìn vào và thấy được uy tín của Việt Nam. Dù không rõ có bao nhiêu nước đăng ký tranh cử vị trí ủy viên không thường trực này, nhiều khả năng họ có thể lựa chọn và tránh Việt Nam. Thêm vào đó là thông qua các cuộc vận động, các nước hiểu rõ cam kết của Việt Nam và dành lá phiếu cho Việt Nam.
* Chúng ta hay nói về nỗ lực vận động để giành sự ủng hộ từ các nước cho vị trí này, vậy "vận động" ở đây cụ thể là gì?
- Đó là sự chia sẻ về quan điểm cũng như các cam kết của Việt Nam khi ngồi vào vị trí này. Một khi các nước đồng tình với cách nhìn nhận của Việt Nam, tin rằng Việt Nam thực hiện được cam kết, họ sẽ đồng ý ủng hộ. Khi chúng ta đến sớm và họ trân trọng, chia sẻ được những đánh giá về nguyên tắc, vị thế... họ sẽ ủng hộ, và rồi họ không ủng hộ người khác nữa. Như "giữ chỗ" vậy.
* Chúng ta giành 192 phiếu trên 193. Phiếu còn lại không bầu là ai, thưa đại sứ?
- Đây là cuộc bỏ phiếu kín, phát cho những thành viên LHQ có mặt. Chúng ta sẽ không biết ai bầu, ai không. Nhưng có thể là lỗi kỹ thuật khi ai đó vắng mặt chẳng hạn, hoặc một sai sót nào đó. Cũng có khả năng quốc gia còn lại ấy không bỏ phiếu vì đã trót cam kết với một ai khác.
Đại sứ Phạm Quang Vinh
Hiểu rõ hơn về "lợi ích"
* Vì đâu Việt Nam quyết tâm với vai trò tại LHQ và Đảng lần đầu ra chỉ thị nâng tầm hội nhập đa phương?
- Chúng ta đã nỗ lực trong 10 năm và sự kiện năm nay là sự đúc kết của một quá trình, một loạt chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế và đa phương. Chỉ thị 25 về nâng tầm hội nhập đa phương song hành cùng quá trình thúc đẩy hội nhập từ hội nhập kinh tế, hội nhập kinh tế - chính trị và hội nhập toàn diện.
Từ những năm 1990, chúng ta đã bắt đầu quá trình này. Nó diễn ra từng bước, nhưng dần là một loạt tổ chức quốc tế như ECOSOC, UNICEF, Hội đồng Nhân quyền... Vì vậy, chỉ thị 25 là thừa kế từ những gì đã có và xuất hiện khi chúng ta có tầm cùng với lực hơn trước, đủ sức gánh vác trách nhiệm lớn hơn.
Chúng ta tham gia việc hoạch định cuộc chơi, tham gia cùng các nước trong chương trình nghị sự, những ưu tiên về hợp tác sắp tới cũng như xây dựng chuẩn mực ứng xử của khu vực và thế giới.
* Khi nói về lợi ích của việc trở thành ủy viên không thường trực, chúng ta cụ thể sẽ có gì?
- Lợi ích có cái đếm được, có cái không đếm được. Khi chúng ta ra sân chơi lớn, vị thế của chúng ta đủ để nước khác tin tưởng và hợp tác, đó là cái vô hình, giá trị, sức mạnh mềm của dân tộc. Thứ hai, họ biết đến một Việt Nam đổi mới và tiến tới hợp tác.
Nhưng thứ ba, họ biết đến một Việt Nam hội nhập sâu rộng, họ có thể dựa vào đó để cùng bảo vệ những nguyên tắc hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương... Chính vì vậy, đó là sự đan xen giữa song phương và đa phương. Đừng vội nghĩ rằng việc tổ chức một Thượng đỉnh Mỹ - Triều thì chỉ nhằm thu hút du lịch.
* HĐBA xử lý những vấn đề khu vực như thế nào, ví dụ Biển Đông?
- Khi HĐBA có nghị quyết ràng buộc, các nước phải tuân theo. Nếu có xung đột mới đưa ra bàn nghị sự LHQ. Tuy nhiên, nếu xung đột khu vực quản lý được, LHQ sẽ tôn trọng ý kiến của khu vực.
Xét tới tương tác giữa các thành viên HĐBA, đặc biệt giữa các nước lớn, việc đưa một vấn đề vào chương trình nghị sự HĐBA có lúc rất nhanh, có lúc rất khó. Các vấn đề khu vực, gồm Biển Đông, từng nằm trong chương trình nghị sự nhưng vẫn nằm đâu đó. Và đưa ra cũng chưa chắc đúng ý, phù hợp với lợi ích của chúng ta.
Nhìn chung, có nhiều biện pháp xử lý xung đột, nhưng quan trọng nhất là một giải pháp có sự ủng hộ đầy đủ và phải tính tới lợi ích các bên liên quan để họ tự động thực hiện. Nếu không, họ sẽ không hợp tác và có nhiều bên họ thường kéo rất dài...
Thay đổi vị thế
Theo đại sứ Phạm Quang Vinh, vị trí ủy viên không thường trực HĐBA LHQ Việt Nam vừa trúng cử là kết quả của một chặng đường dài nỗ lực liên tục để hội nhập. Giá trị của nó được phản ánh rõ nét nhất qua sự công nhận của quốc tế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về sự thay đổi trong cái nhìn của Việt Nam về LHQ, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định từng có khác biệt trong cách xử lý của LHQ và cách nhìn của Việt Nam.
Tuy nhiên, khi Việt Nam thắng lợi và thống nhất đất nước, LHQ đã có sự chuyển hóa về quan niệm, mà việc công nhận tư cách thành viên của Việt Nam là minh chứng. Khi kết nạp một thành viên phải xét tới yếu tố HĐBA và Đại hội đồng.
Việt Nam đã vượt qua được chính Mỹ, nhân tố khó nhất khi ấy nếu xét tới việc chúng ta trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ. Điều đó cho thấy chính người Mỹ, Chính phủ Mỹ phải công nhận một nước Việt Nam mới. Vị thế của Việt Nam với tư cách một quốc gia độc lập đã được thừa nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận