Đại sứ Nga Vasilievich Vnukov (trái) tại buổi họp báo ở Hà Nội ngày 28-12 - Ảnh: Quỳnh Trung |
Đại sứ Vnukov cho biết Nga có cơ sở để coi Việt Nam là một mắt xích vững chắc trong việc đẩy mạnh hợp tác theo đường các tổ chức và liên kết khu vực, trước hết là quan hệ đối tác đối thoại Nga - ASEAN.
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ liên quan đến quan điểm của Matxcơva về tình hình quân sự hóa ở Biển Đông, đại sứ Vnukov cho biết Nga không muốn thấy hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông và Điện Kremlin sẵn sàng hợp tác với Việt Nam cùng các nước để ổn định tình hình trong khu vực, vì “các công ty dầu khí của Nga đang hoạt động ở đó nên chúng tôi rất quan tâm đến sự phát triển hòa bình ở Biển Đông”.
Về lĩnh vực hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự giữa hai nước, đại sứ Vnukov cho biết thời gian qua Nga đã thành công trong việc đáp ứng nhu cầu vũ khí của quân đội Việt Nam, chẳng hạn như cung cấp các vũ khí hiện đại nhất cho hải quân, bao gồm các tàu ngầm và máy bay chiến đấu - đây là loại máy bay mà Nga đang sử dụng trong chiến dịch chống khủng bố trên lãnh thổ Syria.
Ông cho biết thêm chiếc tàu ngầm lớp Kilo thứ 5 mà Nga đóng cho Việt Nam đang trên đường về Việt Nam, đồng thời trong năm 2016 hai bên sẽ có những hợp đồng mới.
Tiến sĩ Trần Việt Thái - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Ngoại giao Việt Nam) - bình luận với Tuổi Trẻ rằng Việt Nam và Nga có lòng tin chiến lược rất tốt, hai nước không có vấn đề về chính trị, chỉ có hợp tác.
Ông Thái cho biết Nga luôn ủng hộ lập trường, lợi ích chính đáng của Việt Nam dựa trên luật pháp quốc tế và các chuẩn mực được thừa nhận rộng rãi.
Về hợp tác quân sự giữa hai nước, ông Thái nhận định: “Hiện nay 90% trang thiết bị vũ khí quân đội Việt Nam sử dụng là của Nga. Có lòng tin chính trị và sự ủng hộ cần thiết của Nga là điều cực kỳ quan trọng”.
Tại buổi họp báo, đại sứ Vnukov cũng cho biết đang tồn tại một số vấn đề nhất định liên quan đến lao động người Việt “chui” tại Nga, nhưng lãnh đạo hai bên có thỏa thuận sẽ thành lập một khu công nghiệp ở Matxcơva, trong đó có một số xí nghiệp may mặc, ở đó công nhân Việt Nam sẽ làm việc công khai, hợp pháp.
“Giải pháp này (thành lập khu công nghiệp nhẹ) sẽ đảm bảo lợi ích cho người lao động Việt Nam. Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề này. Tất cả biện pháp mà chúng tôi đang tiến hành sẽ tạo ra tính hợp pháp cho người lao động. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn để giải quyết việc này” - đại sứ Vasilievich Vnukov bày tỏ.
Đối ngoại của Nga năm 2016 sẽ ra sao? Năm 2015 đưa Nga trở lại chính trường quốc tế, nhưng đồng thời đặt ra nhiều thách thức đối với quốc gia chưa thoát vòng cấm vận. Theo trang Russia Beyond The Headlines, hầu hết nhà phân tích đồng ý rằng thành tựu chính của chính sách đối ngoại của Matxcơva năm nay nhằm “bù đắp” canh bạc sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Giáo sư Mark Galeotti thuộc ĐH New York nhận xét Điện Kremlin đã xoay xở tránh được một phần tác động xấu của sự kiện Ukraine, và trong chừng mực nào đó chứng tỏ được Nga là một cường quốc khu vực và toàn cầu. Giáo sư Aurel Braun, khoa quan hệ quốc tế ĐH Toronto (Canada), đồng ý với quan điểm của ông Galeotti, tuy nhiên cho rằng Matxcơva đã phải trả một cái giá không hề rẻ: cấm vận kéo dài, căng thẳng với phương Tây, nguy cơ khủng bố trong nước sau chiến dịch Syria, khủng hoảng trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ... Chuyên gia Voetsek Kononchuk thuộc Trung tâm Nghiên cứu phương Đông (Warsaw, Ba Lan) cho rằng vẫn chưa có lời đáp cho câu hỏi liệu quan hệ Nga - phương Tây đã “chạm đáy” vào thời điểm hiện tại chưa. Trong tình hình này, theo ông Kononchuk, mọi thứ phụ thuộc vào Nga mà cụ thể là hành động của Matxcơva liên quan đến Ukraine và Syria. Việc kinh tế Nga gặp nhiều vấn đề trong bối cảnh giá dầu thấp gieo hi vọng giới lãnh đạo Nga sẽ mềm mỏng hơn để đi đến một thỏa hiệp. Chuyên gia Dmitry Polikanov thuộc Trung tâm Nga về nghiên cứu đối ngoại (PIR) nhận định hiện nay có bốn vấn đề nổi bật gây cản trở trong quan hệ Nga - phương Tây: (1) mất lòng tin, (2) thể chế hóa đối đầu, (3) sự đổ vỡ các quy tắc của cạnh tranh địa chính trị, (4) hiện tượng hai phe không ngừng công kích, tung đòn vào nhau. Chuyên gia Polikanov cho rằng không có cơ sở để nói cuộc khủng hoảng giữa Nga và phương Tây sẽ sớm chấm dứt. Giáo sư Aurel Braun dự đoán Nga tiếp tục mở rộng hợp tác với Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Iran trong năm 2016, tuy nhiên về lâu dài điều này không có lợi cho Matxcơva. Đối đầu Nga - Thổ vô tình đẩy NATO xích lại gần Ankara hơn, dù trớ trêu là EU từng chỉ trích chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Theo ông Braun, sửa chữa mối quan hệ với EU và Mỹ nên là ưu tiên hàng đầu của Nga trong năm 2016, nhưng điều này đòi hỏi việc định hướng lại chính sách đối ngoại của Nga cũng như thái độ sẵn sàng thỏa hiệp trong hàng loạt vấn đề từ Ukraine đến Trung Đông. Nói về chính sách xoay trục sang châu Á của Matxcơva, viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Nga Larisa Smirnova nhận định hợp tác giữa Matxcơva và Bắc Kinh sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2016. Bà Smirnova nói có hai hướng đi cho sự hợp tác này, trong đó kịch bản ít được mong muốn nhất là các mối đe dọa chung đối với ổn định chính trị đẩy Nga và Trung Quốc đến bước hình thành một liên minh chiến lược. Tổng kết lại, giáo sư quan hệ quốc tế Andrei Tsygankov từ ĐH San Francisco bày tỏ một hi vọng le lói cho năm mới 2016: “Nếu có tiến triển trong hợp tác chống khủng bố giữa Nga và phương Tây ở Syria, nếu không có leo thang nào đáng kể tại Ukraine và nếu chỉ cần kinh tế bắt đầu phục hồi đôi chút, tầm nhìn của Nga về trật tự thế giới có thể được thanh minh”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận