Tàu Energy Observer trong lần đến Phú Quốc vào tháng 6-2022 - Ảnh: Energy Observer Productions I George Conty
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, cô Beatrice Cordiano - chuyên gia về phát triển bền vững và năng lượng, cũng là người gắn bó với con tàu từ những ngày đầu - cho biết ở tất cả các quốc gia mà tàu quan sát năng lượng Energy Observer đã tới thăm đều có cam kết giảm lượng khí thải carbon theo lộ trình tới năm 2030 và 2050, phù hợp với thỏa thuận khí hậu Paris.
Việt Nam nằm trong số các điểm đến của con tàu vì đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu zero carbon vào năm 2050 tại hội nghị COP26.
Đi vòng quanh thế giới bằng năng lượng SẠCH
Khởi hành vào năm 2017 từ Saint-Malo (Pháp), cảng quê hương của con tàu, tính đến đầu tháng 8-2022, Energy Observer đã đi hơn 50.000 hải lý, thực hiện 73 lần dừng chân, trong đó Việt Nam là điểm dừng chân gần đây nhất.
Victorien Erussard, thuyền trưởng và nhà sáng lập của Energy Observer, từng là sĩ quan hải quân và tay đua thuyền từng tham gia nhiều giải đấu quốc tế và giành không ít danh hiệu. Những chuyến phiêu lưu trong quá khứ khiến Erussard tự nhận bản thân là một người vị kỷ, nhưng việc đồng hành cùng Energy Observer đã trở thành bước ngoặt trong cuộc đời người đàn ông này, khiến ông quan tâm nhiều hơn đến lợi ích chung của cộng đồng.
Theo ông Erussard, việc bản thân thay đổi, hướng đến cộng đồng là điều quan trọng, nhất là khi nhìn vào những diễn biến của biến đổi khí hậu. "Có một lần, tôi trải nghiệm cảm giác mất điện hoàn toàn trên tàu khi đang ở giữa Đại Tây Dương. Lúc đó tôi mới nhận ra xung quanh mình đều là năng lượng, như gió và mặt trời, nhưng tôi lại không thể sử dụng chúng" - thuyền trưởng Erussard kể.
Đó là tư duy "thay đổi cuộc chơi" đối với Erussard, gieo trong ông suy nghĩ phải thiết kế một con thuyền thông minh, có khả năng khai thác được càng nhiều càng tốt nguồn năng lượng tái tạo xung quanh con thuyền. Và Energy Observer ra đời từ những ý tưởng này.
Được nâng cấp từ một con tàu hai thân huyền thoại, từng là chiếc thuyền buồm chiến thắng cuộc đua vòng quanh thế giới cùng với Sir Peter Blake, Energy Observer là một phòng thí nghiệm chuyển đổi sinh thái được thiết kế để thúc đẩy các giới hạn của công nghệ không phát thải.
Energy Observer là đại sứ đầu tiên của Pháp cho 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. Con tàu thực hiện chuyến du hành vòng quanh thế giới nhằm khảo sát toàn bộ những giải pháp có lợi cho quá trình chuyển đổi sinh thái và nâng cao nhận thức của mọi đối tượng, từ những nhà hoạch định chính sách cho đến các nhà công nghiệp, về sự chuyển đổi cần thiết này thông qua một loạt nội dung truyền cảm hứng và mang tính giáo dục như phim tài liệu, loạt phim đăng tải trên web, bài báo khoa học, triển lãm lưu động...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, cô Beatrice Cordiano cho biết Energy Observer đã tới hơn 40 quốc gia, băng qua cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương hoàn toàn bằng năng lượng sạch là hydro, mặt trời, gió và thủy triều.
Để có đủ năng lượng cho chuyến đi vòng quanh thế giới, bề mặt con tàu được bao phủ toàn bộ bằng các tấm pin năng lượng mặt trời, sản sinh công suất 100 kWh. Những tấm pin năng lượng mặt trời được uốn cong cho phù hợp với hình dáng chiếc tàu và có thể bước lên. Những tấm pin phía trên nóc tàu có công năng đặc biệt hơn là không chỉ hấp thụ nhiệt từ mặt trời mà còn hấp thụ nhiệt từ mặt nước biển.
Energy Observer còn sở hữu công nghệ năng lượng hydro, có thể lọc nước biển làm năng lượng. Công nghệ này sản sinh công suất 2 mWh, trong đó chia đôi cho mục đích vận hành và sưởi ấm.
Khi Energy Observer tới Venice (Ý) vào năm 2018, thuyền trưởng Erussard nói với du khách tham quan thuyền rằng nguồn năng lượng tái tạo đưa họ đi vòng quanh thế giới một ngày nào đó sẽ sưởi ấm những ngôi nhà, vận hành các thành phố và thậm chí là các quốc gia.
Energy Observer đang trong hành trình vòng quanh thế giới sau khi đã đến thăm 40 quốc gia - Ảnh: Energy Observer Productions I Fitzgerald-Jego
Việt Nam có tiềm năng năng lượng sạch
Nhiệm vụ chính trong chuyến thăm Việt Nam của Energy Observer chính là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng thông qua đổi mới sáng tạo, bằng cách chứng minh rằng các công nghệ và sự kết hợp năng lượng trên tàu hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt và có thể được nhân rộng hơn cả trên đất liền và trên biển.
Hiện nay hơn một nửa sản lượng điện của Việt Nam khai thác từ than và khoảng 20% là thủy điện. Các nguồn năng lượng tái tạo khác chiếm 5% điện năng của Việt Nam. Tỉ trọng năng lượng tái tạo ngoài thủy điện này dự kiến sẽ đạt 25% vào năm 2030 và lên đến 42% vào năm 2045.
Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam phải đối mặt với một bài toán hóc búa: làm thế nào để dung hòa giữa tốc độ tăng trưởng nhanh với nhu cầu năng lượng đã tăng gấp 5,5 lần trong vòng 20 năm, và đạt mức trung hòa carbon cần thiết mà vẫn đảm bảo phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Theo cô Beatrice, những thách thức trên hành trình giảm lượng khí thải carbon của Việt Nam là rất nhiều, vì chuyển đổi từ mô hình năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch và than không phải điều dễ dàng. Nhưng theo cô, Việt Nam may mắn có thể dựa vào những kỳ quan thiên nhiên có thể giúp ích trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Sông Mekong chắc chắn là một tài sản vô giá, cũng như Việt Nam sở hữu đường bờ biển dài và tiềm năng điện gió có thể hỗ trợ đáng kể thực hiện mục tiêu net zero vào năm 2050.
Cô Beatrice cũng cho rằng Việt Nam nên tập trung vào nỗ lực xây dựng hệ thống truyền dẫn tốt hơn và đầu tư vào một nền sản xuất phi tập trung hơn nhằm đảm bảo tất cả năng lượng sản xuất ra có thể được sử dụng và không lãng phí.
"Dừng chân tại Việt Nam rất quan trọng đối với Energy Observer. Như nhiều quốc gia đang phát triển khác, Việt Nam cần thích ứng rất nhanh và từng bước thiết lập các điều kiện cho kỷ nguyên hậu nhiêu liệu hóa thạch - cô Beatrice nói nhưng cũng lưu ý rằng - Việc thay đổi nguồn năng lượng của một quốc gia sẽ mất nhiều năm, kèm theo quy trình phức tạp và vấn đề tài chính".
Theo cô Beatrice, việc chuyển đổi sang năng lượng sạch không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn tăng cường an ninh năng lượng quốc gia. Các nguồn năng lượng tái tạo giúp thoát phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng hóa thạch, giúp các quốc gia ít bị tổn thương hơn trước khủng hoảng chính trị.
"Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo trên quy mô lớn còn rất nhiều, chi phí đã giảm mạnh và liên tục trong vài năm qua. Xu hướng chuyển đổi năng lượng càng được củng cố trong thời gian qua trong bối cảnh giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng.
Điều này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và khuyến khích các công ty, cũng như chính phủ đầu tư nhiều hơn vào công nghệ phát thải carbon thấp. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi năng lượng không chỉ là vấn đề công nghệ, mà phải đi kèm với quá trình chuyển đổi hành vi" - cô Beatrice đúc kết.
Energy Observer có ba nguồn năng lượng tái tạo chính: mặt trời, gió và năng lượng hydro. Do năng lượng tái tạo có hiệu lực gián đoạn, con thuyền trang bị bộ lưu trữ gồm pin lithium-ion và bình chứa hydro. Năng lượng thu được nếu không dùng cho mục đích di chuyển hay mục đích khác (dư thừa) sẽ được dùng để sạc pin và tạo ra năng lượng hydro từ nước biển. Năng lượng hydro sẽ biến đổi thành năng lượng điện nhờ vào các pin nhiên liệu - Nguồn: Enerdynamics
Những điểm dừng chân ở Việt Nam
Trong hành trình đến Việt Nam năm 2022, Energy Observer dừng chân ở hai địa điểm là Phú Quốc (11 đến 15-6) và TP.HCM (18 đến 29-6). Tại Phú Quốc, Energy Observer neo đậu tại khu vực cảng biển P.An Thới. Ở TP.HCM, con tàu neo đậu tại cảng Sài Gòn.
Ở cả hai địa điểm, thủy thủ đoàn của Energy Observer đã giới thiệu hệ thống không phát thải tự động của con tàu cho hàng trăm du khách và các nhà hoạch định chính sách, cũng như cho nhiều sinh viên và học sinh với sự phối hợp của Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM.
Theo cô Beatrice Cordiano, việc gặp gỡ những nhà hoạch định chính sách phù hợp với mục tiêu của con tàu, đó là phát triển các giải pháp năng lượng đáng tin cậy, bền vững, không phát thải và làm cho chúng trở thành giải pháp thực tế mà mọi người có thể tiếp cận.
Chưa bao giờ hết nhiên liệu
Trên tàu Energy Observer có một bảng điều khiển hiển thị toàn bộ thông tin về hoạt động. Thuyền trưởng Victorien Erussard từ đó có thể điều chỉnh nhịp nhàng giữa các nguồn năng lượng hydro, mặt trời, gió và thủy triều. Do đó trên thực tế, cho tới nay con tàu chưa từng gặp tình trạng hết nhiên liệu để vận hành.
Hệ thống tự chủ năng lượng của con tàu cũng không ít lần giúp Energy Observer tránh được những "rắc rối" trên hành trình. Do chạy bằng năng lượng sạch, tàu rất ít khi phải bảo dưỡng và thuyền trưởng Marin Jarry cũng cho biết con tàu sẽ cố gắng tránh các cơn bão ở các vùng biển mà họ đi qua.
Theo chuyên gia Beatrice Cordiano, vào năm 2020 khi khắp nơi phong tỏa phòng dịch COVID-19, các thuyền viên đã dành hơn 2 tháng trên tàu mà không thể xuống. Tuy nhiên, hệ thống tự chủ năng lượng bao gồm khả năng sản xuất nước sạch đã giúp thuyền viên trụ vững.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận