Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink - Ảnh: Reuters
Mỹ vẫn cam kết quan hệ kinh tế với Việt Nam. Thương mại và đầu tư là nền tảng của quan hệ đối tác toàn diện Mỹ - Việt. Chính phủ Mỹ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực để đảm bảo rằng Việt Nam tiến lên trên con đường hướng tới thu nhập bình quân cao hơn.
Đại sứ Daniel Kritenbrink
"Đây là một đại dịch toàn cầu, vì vậy nó đe dọa tới mọi quốc gia, bao gồm Việt Nam - đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink chia sẻ với Tuổi Trẻ - Việt Nam (cho đến nay) vẫn thuộc nhóm kiểm soát lây lan".
* Theo ông, Việt Nam có lợi thế và khó khăn gì trong cuộc chiến với COVID-19?
- Xét về vị trí địa lý và kết nối quốc tế, Việt Nam đã xuất hiện các ca nhiễm do nước ngoài đi vào hồi tháng 1 năm nay. Là một quốc gia "tuyến đầu", Việt Nam đã chuẩn bị nhiều năm cho những trường hợp thế này và đã phát triển sức mạnh thể chế để phản ứng.
Điều này được phản ánh qua cách thức Chính phủ Việt Nam chủ động ứng phó trong việc nhanh chóng phát hiện, xét nghiệm và cách ly những cá nhân mắc COVID-19, cũng như theo dõi các mối liên lạc cách ly.
Cùng với các biện pháp mạnh mẽ trong cộng đồng, kết quả khả quan có thể được nhìn thấy trong số liệu ca nhiễm thấp của Việt Nam trong hơn hai tháng của dịch bệnh.
* Trong video mới nhất của ông đăng lên tài khoản Facebook của Đại sứ quán Mỹ, ông đã cảm ơn Chính phủ Việt Nam vì đã làm một nhiệm vụ xuất sắc trong khâu phản ứng với COVID-19. Ông có thể nói rõ hơn về đánh giá trên?
- Một lần nữa Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một công việc xuất sắc và đã chủ động, hợp tác và minh bạch.
Vào giai đoạn này của đại dịch, một số nước đang "làm phẳng đường cong" dịch tễ bằng cách kiểm soát sự lây lan, trong khi một số nước khác đã trải qua sự lan rộng nhanh chóng của dịch bệnh.
Chúng tôi rất vui mừng khi Việt Nam vẫn thuộc nhóm kiểm soát lây lan, vốn cho phép hệ thống y tế phản ứng trong sự cân nhắc cẩn trọng, và tránh cho các bệnh viện cũng như phòng khám phải chịu gánh nặng quá mức.
Thành công tới nay đã phụ thuộc vào lãnh đạo, sự chăm chỉ, tận tụy của nhân viên y tế các cấp và sự tham gia, phản ứng, tuân thủ mạnh mẽ của cộng đồng đối với các biện pháp kiểm soát toàn quốc.
Trong khi thách thức lớn vẫn sẽ tồn tại sắp tới, ba mức độ phối hợp này và phản ứng hiệu quả đã đóng góp vào thành công ấn tượng nêu trên.
* Ông cũng đề cập tới sự hợp tác giữa Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán Mỹ với Việt Nam trong việc giám sát và phản ứng với tình hình ở Việt Nam. Xin ông chia sẻ thêm.
- Dưới sự bảo trợ của Sáng kiến an ninh y tế toàn cầu, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cùng các bộ Ngoại giao, Quốc phòng và Nông nghiệp của Mỹ đều hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và thông qua nhiều đối tác để tăng cường các năng lực ứng phó nói trên.
Ví dụ USAID hỗ trợ 5 đối tác để làm việc cùng chính quyền Việt Nam trong ứng phó COVID-19, bao gồm hỗ trợ cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với lịch sử hợp tác lâu dài cùng Bộ Y tế Việt Nam.
WHO và Bộ Y tế Việt Nam phối hợp để giám sát, hỗ trợ phòng thí nghiệm, phản ứng với bùng phát dịch, giáo dục cộng đồng... CDC có một đội ngũ kỹ thuật mạnh mẽ đang làm việc trực tiếp với đồng nghiệp Bộ Y tế Việt Nam trong nhiều khía cạnh của phản ứng bùng phát dịch.
* Việt Nam được nhận 3 triệu USD trong gói hỗ trợ tài chính của USAID. Mỹ kỳ vọng gì về khoản hỗ trợ nước ngoài này tại Việt Nam?
- Chính phủ Mỹ đã tài trợ cho Việt Nam theo nguồn quỹ hỗ trợ nước ngoài 25 năm nay, trong tinh thần hợp tác đôi bên cùng có lợi, nhằm tăng cường quan hệ giữa hai nước, và hỗ trợ khả năng phát triển của hệ thống y tế công nhằm ngăn chặn, phát hiện và phản ứng với các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi lên, ví dụ COVID-19. Mỹ đã đầu tư hơn 706 triệu USD trong 20 năm qua vào việc hỗ trợ y tế tại Việt Nam.
USAID sẽ hỗ trợ kinh tế Việt Nam
* Liệu Washington có chiến lược nào trong tương lai để phục hồi kinh tế sau đại dịch hay không, và khi đó vị trí, vai trò của Việt Nam trong những kế hoạch ấy là gì, thưa ông?
- Chính phủ Mỹ đánh giá rằng COVID-19 đang tác động đến nền kinh tế của nhiều quốc gia trên toàn cầu và USAID đang tìm cách tận dụng chương trình hiện có để giải quyết cú sốc kinh tế đang tấn công vào nền kinh tế Việt Nam.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò chính trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm 98% tổng số doanh nghiệp, 40% GDP và sử dụng 60% lực lượng lao động.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, là một động lực điển hình cho tăng trưởng, đã bị đình trệ do hậu quả của đại dịch COVID-19.
Việc lập kế hoạch tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ mang lại tiềm năng tái khởi động nền kinh tế và giảm thiểu tác động của dịch COVID-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận