Đại sứ Kritenbrink viếng thăm nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM ngày 21-6. Với ông, đây là một trong những sự kiện đáng nhớ trong hơn hai năm rưỡi thực thi nhiệm vụ tại Việt Nam - Ảnh: ĐSQ Mỹ tại Việt Nam
* Theo ông, đại dịch tác động như thế nào đến hoạt động đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam?
- Đại sứ Kritenbrink: Tôi có thể nói rằng Việt Nam vẫn là một thị trường cực kỳ quan trọng đối với các nhà đầu tư và thương mại Mỹ. Một số người bạn tại Hà Nội của tôi đã dự đoán một số thay đổi trong chuỗi cung ứng đã diễn ra trước dịch COVID-19 và sẽ tiếp tục tăng tốc sau cơn khủng hoảng này.
Tôi cho rằng Việt Nam đang có phong độ tốt để hưởng lợi từ một số thay đổi trong chuỗi cung ứng. Theo những gì tôi được biết ở Hà Nội, doanh nghiệp và các quan chức Việt Nam muốn nắm bắt những lợi thế của mình hết mức có thể.
Tiếp đến, một số người bạn của tôi trong khối tư nhân tại Việt Nam cho biết họ nhận được cả thách thức và cơ hội trong bối cảnh hậu đại dịch. Tôi cho rằng Việt Nam phải nghĩ về giá trị mình có thể đóng góp là gì, lợi thế trong những ngành công nghiệp mới của mình.
Sau đó, Việt Nam cần phải thực hiện mọi thứ cần thiết để phát triển năng lực trong những ngành này, đồng thời làm mọi cách để thu hút nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) mà các bạn cần.
Việt Nam đã làm rất tốt trong việc xây dựng và phát triển kinh tế trong 25 năm qua. FDI đóng vai trò quan trọng trong thành tựu này. Tôi được biết Việt Nam có nhìn nhận điều đó và nỗ lực để tạo ra một môi trường phù hợp, đặc biệt trong thế giới hậu COVID-19, để thu hút đầu tư.
* Ông cho rằng Việt Nam có những thế mạnh nào và cần củng cố thêm điều gì để trở nên cạnh tranh hơn?
- Theo tôi, Việt Nam đang làm rất tốt trong việc thu hút đầu tư từ nước ngoài nhờ nguồn lao động trẻ, năng động, ngày càng giàu tri thức và chăm chỉ. Các cải cách và những đột phá trong kinh tế các bạn đã đạt được cũng khiến nhiều người lạc quan về tương lai của Việt Nam.
Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng trong các ngành công nghiệp, từ năng lượng đến tiêu dùng và cơ sở vật chất, cũng mang lại nhiều cơ hội tại Việt Nam. Một trong những mảng chúng tôi khuyến khích Việt Nam chú trọng là dịch vụ kỹ thuật số, công nghệ thông tin và an ninh mạng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần đảm bảo nền tảng pháp quyền cũng như cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp ngoại thấy, thông qua các chính sách và cơ sở hạ tầng, rằng họ được chào đón. Việt Nam cũng cần phải đảm bảo các chính sách về thuế phải minh bạch, công bằng và thống nhất.
Đồng thời xây dựng môi trường pháp lý ổn định, đảm bảo các doanh nghiệp có thể dựa vào cơ chế pháp lý, hòa giải và tiếp cận được các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam để giải quyết tranh chấp và thách thức của mình.
Mỹ cam kết về Biển Đông
Mỹ đang tiến tới giai đoạn bầu cử vào tháng 11-2020, thời điểm Tổng thống Donald Trump sẽ cạnh tranh trực tiếp với ứng viên Joe Biden của Đảng Dân chủ. Theo đại sứ Daniel Kritenbrink, dù sắp tới ai đắc cử, Mỹ sẽ tiếp tục cam kết của mình tại Biển Đông.
"Nếu các bạn nhìn lại chính sách ngoại giao của Mỹ từ năm 1945, tôi nghĩ các bạn sẽ thấy sự tiếp nối rõ rệt từ đó cho tới nay. Tôi không đủ kiêu ngạo để khẳng định trước với các bạn rằng tổng thống Mỹ kế tiếp sẽ làm gì hay là ai, nhưng tôi tự tin rằng chính sách ngoại giao của chúng tôi kể từ sau Thế chiến 2 có tính nhất quán tuyệt vời.
Chính sách ngoại giao của Mỹ tiếp tục được xây dựng dựa trên niềm tin rằng quốc gia của chúng tôi sẽ lớn mạnh và an ninh hơn nếu chúng tôi có các đồng minh, đối tác cùng bạn bè mạnh và thịnh vượng. Chúng tôi tiếp tục tin vào việc duy trì luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp trên cơ sở hòa bình và tự do hàng hải.
Chúng tôi tin rằng vùng nước quan trọng như Biển Đông đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế khu vực và toàn cầu, trong đó có Mỹ. Đó là lý do chúng tôi quan tâm" - Đại sứ Kritenbrink nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận