TTCT - Tròn hai năm Hiệp ước Abraham giữa Israel với các nước Ả Rập và Ngày quốc tế hòa bình 21-9, Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer chia sẻ với Tuổi Trẻ Cuối Tuần những quan niệm về chiến tranh về hòa bình. Đại diện Mỹ, Israel, UAE và Bahrain trong lễ ký Hiệp ước Abraham tại Nhà Trắng ngày 15-9-2020. Ảnh: AFPNgày 15-9-2020, lễ ký kết Hiệp ước Abraham bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Bahrain đã diễn ra tại Washington DC (Mỹ), mở đường cho một mối quan hệ bình thường hơn giữa Nhà nước Do Thái với thế giới Ả Rập, nay đã gồm thêm Morocco, và sắp tới hy vọng là Sudan.Theo cách nói của Tổng thống Israel Isaac Herzog trong cuộc gặp gần đây với ngoại trưởng UAE, Hiệp ước Abraham là một thành công ngoài sức tưởng tượng, "một sự thay đổi mô hình ở Trung Đông, mang lại tiếng nói mới, vẽ ra những chân trời mới cho con em chúng ta và tương lai của chúng". Còn nói ngắn gọn như Đại sứ Yaron Mayer, đó là một thỏa thuận mang tính lịch sử.Người dân Israel cảm thấy như thế nào hai năm sau hiệp ước Abraham, thưa ông?- Có một điều rất rõ ràng là thường dân Israel cảm thấy an toàn hơn vào thời điểm hiện tại. Vì nhiều lý do trong lịch sử, dân tộc chúng tôi luôn phải trong tư thế sẵn sàng chiến đấu vì sự tồn vong của đất nước và độc lập. Hiệp ước đó khiến chúng tôi có cảm giác đất nước Do Thái thực sự thuộc về khu vực này, mặc dù không phải tất cả vấn đề đe dọa tồn vong của Israel đã biến mất. Iran vẫn là một mối lo ngại lớn với chúng tôi, nhưng nhìn chung người Israel đã cảm thấy bớt lo lắng và chúng tôi cảm thấy chúng tôi có bằng hữu tại Trung Đông.Hiệp ước có tác động rất lớn đến nhiều mặt của đất nước Do Thái. Cảm giác đầu tiên chính là chúng tôi đột nhiên có thêm bạn bè trong khu vực, dù trước đó nhiều năm Israel đã có quan hệ bình thường với hai quốc gia khác trong thế giới Ả Rập là Jordan và Ai Cập.Sau Hiệp ước Abraham, đã có những liên hệ trực tiếp giữa các nước và các thỏa thuận mới được ký kết. Chẳng hạn hiệp định thương mại tự do giữa Israel và UAE (tháng 5-2022), thỏa thuận miễn thị thực, tương hỗ pháp lý. Đại sứ quán Israel tại UAE đã được mở và ngược lại.Sau khi hiệp ước được ký kết, đã có những bước tiến trong các năm tiếp theo, hội nghị thượng đỉnh Negev (diễn ra tại miền nam Israel với mục đích tập hợp lực lượng ngăn cản Iran sở hữu vũ khí hạt nhân) vào tháng 3 vừa rồi với sự tham gia của các nước Ai Cập, Jordan, UAE, Bahrain và Mỹ là một sự kiện cho thấy Israel là một phần của khu vực, góp phần cho an ninh khu vực.Quan hệ giữa Israel với khối Ả Rập nói chung như thế nào sau các hiệp ước tương tự Hiệp ước Abraham?Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer. Ảnh: Nguyễn Khánh- Với các nước Ả Rập mà Israel đã ký hòa ước thiết lập quan hệ, mối quan hệ đang phát triển. Tôi lấy ví dụ điển hình như Ai Cập, một trong những quốc gia có vai trò dẫn dắt và nằm trong số những quốc gia quan trọng nhất trong thế giới Ả Rập. Cách đây nhiều năm, chúng tôi đã có chiến tranh với nhau, Ai Cập từng là kẻ thù của Israel, nhưng từ cuối thập niên 1970, chúng tôi đã cùng trải qua vài thập niên hòa bình.Trong vòng hai năm qua, đã có thêm các nước Ả Rập gia nhập xu hướng bình thường hóa quan hệ với Israel tương tự những gì Jordan và Ai Cập đã khởi xướng. Đã có nhiều sự hợp tác giữa các nước trong các lĩnh vực mà thế giới quan tâm như năng lượng sạch, môi trường, kinh tế… Những mối quan hệ này đem lại lợi ích cho cả khu vực.Có một số thông tin cho rằng đã có những tiếp xúc bí mật giữa Israel với Saudi Arabia liên quan đến cải thiện quan hệ?- Israel hoan nghênh việc thiết lập quan hệ hòa bình với tất cả các nước, nhất là Saudi Arabia - một quốc gia đóng vai trò quan trọng ở cả vùng Vịnh lẫn toàn thế giới. Quốc gia này là trung tâm của thế giới Hồi giáo Ả Rập. Mọi người Hồi giáo, về cơ bản, đều có sợi dây liên kết với Saudi Arabia nhờ thánh địa Mecca. Trong khía cạnh kinh tế, Saudi Arabia đóng góp lượng lớn dầu thô cho thế giới. Quyết định thiết lập quan hệ với Saudi Arabia không chỉ nằm trong tay của Israel mà còn tùy thuộc vào chính quyền Riyadh.Mỗi quốc gia đều có lợi ích của riêng mình và đánh giá các lợi ích ấy theo những cách khác nhau. Do đó sẽ mất kha khá thời gian để hai nước có thể tìm ra lợi ích chung. Cá nhân tôi nghĩ hai nước có thể tìm thấy lợi ích tương hỗ trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, đi lại… Việc các nước như Bahrain và UAE quyết định tiến tới bình thường hóa quan hệ với Israel cũng có liên quan tới Saudi Arabia. Mặc dù quan hệ chính thức giữa Riyadh và Tel Aviv vẫn chưa được thiết lập, bầu không khí nói chung đã hòa dịu hơn trước nhiều.Vậy còn vấn đề Palestine và giải pháp hai nhà nước thì sao, thưa ông?- Vấn đề Palestine vẫn luôn ở đấy. Có một điểm đáng chú ý với Hiệp ước Abraham, đó là các quốc gia Ả Rập đã quyết định tiến tới bình thường hóa quan hệ với Israel ngay cả khi vấn đề Palestine chưa được giải quyết. Israel luôn sẵn sàng hỗ trợ Palestine tìm kiếm hòa bình, hỗ trợ phát triển kinh tế. Chúng tôi luôn muốn đối thoại với họ và tìm kiếm giải pháp phù hợp cho cả hai bên suốt nhiều năm qua.Vậy theo ông, ngoại giao hay quân sự mới là điều quan trọng trong thời đại ngày nay?- Israel luôn ưu tiên ngoại giao và hiểu rõ cần phải có quyền lực mềm như sức mạnh kinh tế, ngoại giao hay quyền lực cứng như sức mạnh quân sự. Tuy nhiên tất cả các khía cạnh của quyền lực cần được quản lý thông qua các nỗ lực ngoại giao. Đó có thể là ngoại giao công chúng, sử dụng các phương tiện truyền thông, mạng xã hội vì mục đích hữu nghị, tìm kiếm sự hợp tác giữa các bên vì lợi ích chung.Chiến tranh không phải là điều Israel muốn thấy ở Ukraine, bởi điều đó ảnh hưởng đến người Do Thái ở cả Nga lẫn Ukraine. Vì thế, cũng giống như các quốc gia khác, chúng tôi đã kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột này. Vào tháng 3, thủ tướng Israel khi đó là ông Naftali Bennett đã đến gặp cả hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine để làm trung gian hòa giải, thể hiện Tel Aviv là một người đưa tin đáng tin cậy. Điều quan trọng nhất là giao tiếp để đảm bảo rằng các bên khác biệt nhau có thể hiểu, chấp nhận và sau đó tin tưởng. Điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng đó là những gì Israel đã cố gắng thực hiện.■Kỳ vọng của giới quan sát đối với tiến trình bình thường hóa quan hệ Israel và thế giới Hồi giáo nói chung, Ả Rập nói riêng là khá trái chiều. Tuy nhiên phần lớn đều cho rằng nên có sự kiên nhẫn, vì Hiệp ước Abraham chỉ mới được ký kết hai năm. Sudan đã ký kết nhưng quá trình bình thường hóa quan hệ với Israel của nước này đang trì trệ do chính trị nội bộ bất ổn.Một số cựu quan chức Mỹ trong chính quyền Donald Trump tiết lộ Washington đã chuẩn bị cho nhiều nước Hồi giáo bình thường hóa quan hệ với Israel. Tuy nhiên kế hoạch đã chậm lại khi Nhà Trắng đổi chủ sau bầu cử tổng thống năm 2020. Theo tờ Times of Israel, bình thường hóa quan hệ Israel với Saudi Arabia vẫn là mục tiêu lớn nhất xét đến vai trò dẫn dắt của nước này tại vùng Vịnh. Với sự hiện diện ngày càng khiêm tốn của Mỹ tại Trung Đông, dự báo sẽ có thêm nhiều nước bình thường hóa quan hệ với Israel để bảo đảm an ninh và tìm cách tạo ra hợp tác chung.Ngày quốc tế hòa bình, hay Ngày hòa bình thế giới, 21-9 hằng năm, là ngày kỷ niệm được Liên Hiệp Quốc thông qua từ năm 1981. Năm nay, chủ đề của ngày này là "Chấm dứt phân biệt chủng tộc, xây dựng hòa bình". Tuy nhiên, điều trớ trêu là cũng trong tuần lễ này, nhiều điểm nóng xung đột đã bùng lên trên thế giới. Chiến sự Nga - Ukraine đang bước vào những tuần lễ khốc liệt nhất với cuộc phản công của Ukraine ở miền đông bắc đất nước. Giao tranh ác liệt bùng lên giữa Tajikistan và Kyrgyzstan vì tranh chấp biên giới, trong khi chiến sự giữa Azerbaijan và Armenia chưa có dấu hiệu gì lắng xuống. Cuộc nội chiến Syria cũng chưa dừng lại, trong khi những điểm nóng mới, như eo biển Đài Loan, đã trở nên nóng hơn bao giờ hết trong thời gian vừa qua. Những cuộc nội chiến lớn cũng đang hoành hành tại Yemen, Ethiopia và Sudan. Tags: Đại sứ quán IsraelYaron MayerNgày quốc tế hòa bìnhĐại sứ israelIsraelHiệp ước AbrahamPalestine
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tin tức thế giới 23-12: Ông Trump đòi giữ lại TikTok; Nga tiếp tục lấy đất ở Ukraine NGỌC ĐỨC 23/12/2024 Ông Trump đòi "lấy lại" kênh đào Panama vì sợ Trung Quốc tiến chiếm; Thủ tướng Israel cam kết tiếp tục đánh Houthi.
Đạo diễn Việt Tú: Có 3 việc cần làm ngay để vươn đến nền công nghiệp giải trí ĐẬU DUNG 23/12/2024 Chỉ một, hai concert đơn lẻ như Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai thành công thì chưa thể gọi là công nghiệp biểu diễn.
Tin tức sáng 23-12: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ TUỔI TRẺ ONLINE 23/12/2024 Tin tức đáng chú ý: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM dự báo tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ nhưng vẫn ở mức rất thấp...
Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông khả năng mạnh lên thành bão số 10 CHÍ TUỆ 23/12/2024 Dự báo trong ngày hôm nay (23-12), áp thấp nhiệt đới ở phía nam Biển Đông mạnh lên thành bão, cơn bão số 10 trong năm 2024.