Chiều 10-12, trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba đã có cuộc gặp với một số cơ quan báo chí Việt Nam ở Hà Nội.
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là đặc biệt hiếm có trên thế giới
Tại cuộc gặp, ông Hùng Ba đã trả lời 10 câu hỏi về ý nghĩa của chuyến thăm sắp tới, những lĩnh vực mà lãnh đạo hai bên sẽ thảo luận và hợp tác.
Ông cũng đưa ra những chia sẻ về mối quan hệ thắm tình hữu nghị giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có mối quan hệ đã bước sang năm thứ 12 giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo Đại sứ Hùng Ba, quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc là "rất đặc biệt và có thể nói là rất hiếm thấy trên thế giới".
Ông giải thích cả hai nước đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, là hai nước núi sông liền một dải và là hai nước láng giềng hữu nghị.
Đại sứ Trung Quốc kế đó nhắc lại những thành tựu và tiến triển của quan hệ hai nước trong thời gian qua, đặc biệt sau chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào cuối tháng 10 đầu tháng 11-2022.
Chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lần này, theo ông Hùng Ba, sẽ là dịp để lãnh đạo hai nước duy trì trao đổi và tiếp xúc chiến lược, xác định phương hướng củng cố hơn nữa quan hệ hai nước trên tinh thần "tình hình mới, phương hướng mới, triển vọng mới, động lực mới".
Dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên cũng sẽ ký kết hàng chục văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, mở rộng hợp tác thực chất đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước và khu vực cũng như thế giới.
Khi được hỏi về ấn tượng lớn nhất trong suốt năm năm qua ở Việt Nam, Đại sứ Hùng Ba nhớ lại chuyến đi cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan giữa Việt Nam và Trung Quốc hồi tháng 8 vừa qua.
Ông kể trong chuyến đi đó, Tổng bí thư đã trồng cây "hữu nghị" và nhắc lại lịch sử tên gọi của cửa khẩu này.
Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nhắc lại việc ngày xưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng qua cửa khẩu này để thăm Trung Quốc và chính Người đã đề xuất đặt tên "Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan".
Ông Tập Cận Bình rất mong gặp Tổng bí thư
Nhắc lại mối quan hệ giữa các lãnh đạo hai nước, Đại sứ Hùng Ba đặc biệt chia sẻ về tình cảm giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hai nhà lãnh đạo gặp nhau lần đầu tiên vào năm 2011 khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung Quốc.
Hai tháng sau chuyến thăm này, ông Tập Cận Bình, khi đó là Phó chủ tịch nước Trung Quốc, đã sang thăm Việt Nam và đến chào người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.
Kể từ đó, hai nhà lãnh đạo đều đặn hội đàm, điện đàm và nhiều lần trao đổi thư, điện nhân các sự kiện chính trị quan trọng của mỗi bên.
Trong đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã bảy lần điện đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kể từ khi trở thành người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc.
Theo Đại sứ Hùng Ba, có thể nói những lần trao đổi giữa hai Tổng bí thư đều là những cuộc giao lưu tư tưởng và trao đổi chiến lược quan trọng giữa hai nhà chính trị, nhà lý luận, nhà chiến lược chủ nghĩa Marx đương đại và phát huy vai trò định hướng mang tính quyết định đối với sự phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước.
"Tôi nhớ có lần Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ rằng mỗi lần trao đổi, nói chuyện với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thì càng nói càng cảm thấy rất hợp nhau và có rất nhiều nội dung có thể nói chuyện cùng nhau. Điều đó làm cho tôi cảm thấy rất cảm động", ông Hùng Ba bày tỏ.
Đại sứ Trung Quốc khẳng định quan hệ hữu nghị giữa hai nước hiện nay có sự xây dựng và vun đắp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, là tài sản chung quý báu của hai Đảng, hai nước.
"Tôi cho rằng mối quan hệ nồng thắm, hữu nghị mang tính đồng chí của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là tài sản chung quý báu của hai nước", ông Hùng Ba chia sẻ.
Chuyến thăm lần này của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình là một sự kiện mà cả hai Tổng bí thư đều "rất mong chờ, vì hai Tổng bí thư đều rất nhớ nhau và mong được sớm gặp nhau", theo đại sứ Trung Quốc.
Vì lẽ đó, ông Hùng Ba tin tưởng chuyến thăm lần này "sẽ tràn đầy tình hữu nghị và đạt được nhiều thành quả phong phú".
Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam nâng cấp, kết nối đường sắt
Khi được hỏi về ý nghĩa của quan hệ song phương Việt - Trung với khu vực và thế giới, Đại sứ Hùng Ba cho rằng chuyến thăm lần này sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế.
Theo ông, quan hệ giữa hai nước có nhiều cơ hội hơn thách thức, trong đó cơ hội lớn nhất chính là sự tin cậy chính trị lẫn nhau, nhu cầu hợp tác ngày càng mở rộng, văn hóa tương đồng...
Đại sứ Trung Quốc khẳng định nước này không chủ trương theo đuổi hay không có chính sách xuất siêu sang Việt Nam.
Theo ông, cán cân thương mại hiện nay là kết quả của phân công công nghiệp quốc tế, thị trường chứ không phải hữu ý từ Trung Quốc.
Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, ông Hùng Ba cho biết xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc trong 11 tháng qua đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu lại giảm.
Ông khẳng định Trung Quốc luôn sẵn sàng mở cửa nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, đặc biệt là nông sản.
Điển hình như sầu riêng Việt Nam đang rất được ưa chuộng ở Trung Quốc, với kim ngạch nhập khẩu đã gần đạt mức 2 tỉ USD chỉ trong 10 tháng đầu năm 2023.
Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh các thủ tục để nhập khẩu dừa tươi từ Việt Nam, xem đây là một mặt hàng nông sản đầy hứa hẹn nữa.
"Tôi cho rằng cả hai nước chúng ta cũng cần phải tăng cường kết nối và liên thông trên đường bộ, đường biển, hàng không cũng như trên mạng Internet", ông Hùng Ba nêu vấn đề.
Theo đại sứ Trung Quốc, ưu tiên nhất và quan trọng nhất chính là hai bên cần phải mở rộng và tăng cường hợp tác về cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, ví dụ như đường sắt và đường bộ cao tốc.
Hiện nay Trung Quốc đang thúc đẩy xây dựng ba tuyến đường sắt xuyên Á, gồm các tuyến phía tây, trung tâm và phía đông. Trong đó tuyến phía đông đi qua Việt Nam sẽ là tuyến có nhu cầu lớn nhất và điều kiện xây dựng tốt nhất.
Phía Trung Quốc sẵn sàng đáp ứng mong muốn của phía Việt Nam, thông qua nguồn vốn vay ưu đãi giúp Việt Nam xây dựng quy hoạch nâng cấp và cải tạo tuyến đường sắt từ Quảng Tây qua Đồng Đăng đến Hà Nội, cũng như quy hoạch tuyến đường sắt từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Hải Phòng.
"Nếu các dự án trên được hoàn thành, mức độ liên thông giữa hai nước sẽ được nâng lên, và chắc chắn hiệu suất thông quan, vận chuyển hàng hóa giữa hai nước, không có tình trạng ùn tắc hàng hóa tại biên giới", ông Hùng Ba nhấn mạnh.
Đồng thời, một khi hoàn thành, các tuyến đường sắt này sẽ mở đường cho hàng hóa Việt Nam đi xa hơn vào khu vực Trung Á thông qua Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận