30/06/2018 09:00 GMT+7

Đại sứ Hàn Quốc: 'Có thể hợp tác kinh tế giữa hai miền Triều Tiên và Việt Nam'

QUỲNH TRUNG thực hiện
QUỲNH TRUNG thực hiện

TTO - Trả lời phỏng vấn riêng Tuổi Trẻ Online, tân đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do Hyun cho rằng Việt Nam cần tạo ra văn hóa sản xuất chế tạo và điều này quan trọng hơn một dự án FDI quy mô lớn.

Đại sứ Hàn Quốc: Có thể hợp tác kinh tế giữa hai miền Triều Tiên và Việt Nam - Ảnh 1.

Tân đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do Hyun - Ảnh: VIỆT DŨNG

Ông Kim Do Hyun còn là một cựu lãnh đạo của Tập đoàn Samsung Electronics, cũng cho rằng Việt Nam là mô hình phát triển kinh tế phù hợp nhất đối với Triều Tiên. Hỗ trợ Triều Tiên có thể là cách mở ra hợp tác kinh tế ba bên mới giữa hai miền Triều Tiên với Việt Nam.

Để Hàn Quốc và Việt Nam trở thành bằng hữu lâu dài

* Xin đại sứ cho biết mục tiêu của ông trong nhiệm kỳ ở Việt Nam?

- Việt Nam là đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc, là đối tác lớn thứ 5 của Hàn Quốc, do đó tôi cảm thấy mình có trọng trách lớn khi được bổ nhiệm làm đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam.

Mục tiêu và tầm nhìn của tôi là củng cố nền tảng để Hàn Quốc và Việt Nam trở thành bằng hữu lâu dài, xa hơn là trở thành đồng minh về kinh tế, văn hóa, chính trị, an ninh và cùng chia sẻ các giá trị.

Nền tảng để phát triển kinh tế là hợp tác quốc phòng - an ninh và giao lưu văn hóa, do đó tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy các lĩnh vực này.

Tôi cũng sẽ nỗ lực để các doanh nghiệp Hàn Quốc tạo ra giá trị gia tăng tại Việt Nam, đóng góp cho xã hội Việt Nam, khuyến khích doanh nghiệp Hàn Quốc bên cạnh đầu tư còn thực hiện các hoạt động xã hội tại Việt Nam.

* Ông có nói tiềm năng lớn nhất Việt Nam là con người. Theo ông, các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam sẽ phát huy tiềm năng này ra sao?

- Tôi cho rằng cần bổ nhiệm người Việt Nam vào các chức vụ quản lý, đào tạo người Việt Nam vào những vị trí lãnh đạo trong doanh nghiệp, đồng thời hợp tác với các đối tác Việt Nam và hỗ trợ phát triển năng lực của doanh nghiệp Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Trước khi sang Việt Nam công tác, tôi đã gặp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam. Tôi nói với họ hãy nghĩ đến việc trở thành doanh nghiệp Việt Nam, tìm nguồn cung ứng tại Việt Nam, thu lợi tại Việt Nam và dùng lợi nhuận đó tái đầu tư vào Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam, marketing theo kiểu Việt Nam và trở thành thương hiệu quốc dân được người dân Việt Nam yêu mến.

Hãy nghĩ đến việc trở thành doanh nghiệp Việt Nam, tìm nguồn cung ứng tại Việt Nam, thu lợi tại Việt Nam và dùng lợi nhuận đó tái đầu tư vào Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam, marketing theo kiểu Việt Nam và trở thành thương hiệu quốc dân được người dân Việt Nam yêu mến.

Đại sứ Kim Do Hyun nói với các doanh nghiệp Hàn Quốc

Xe Hàn sẽ là "ôtô quốc dân" của Việt Nam?

* Ông dự đoán sản phẩm nào có bàn tay, khối óc của hai nước sẽ trở thành "thương hiệu quốc dân" ở Việt Nam?

- Vừa qua tôi có tham dự sự kiện giới thiệu dòng xe mới là thành quả hợp tác của liên doanh giữa Tập đoàn Thành Công và Tập đoàn ôtô Hyundai tại Ninh Bình. Thị trường đầu tiên của sản phẩm này là Việt Nam trước khi vươn ra thị trường Đông Nam Á. Chiếc ôtô Hyundai Thành Công này - vốn và công nghệ của Hàn Quốc kết hợp nhân lực, mạng lưới của Việt Nam - sẽ là "ôtô quốc dân" của Việt Nam.

Chiếc ôtô ban đầu được sản xuất bằng công nghệ của Hyundai, sau này Việt Nam sẽ tiếp nhận công nghệ để sản xuất chiếc ôtô của riêng Việt Nam. Các doanh nghiệp Hàn Quốc luôn nỗ lực để chuyển giao công nghệ và thúc đẩy nội địa hóa.

Tôi muốn nhấn mạnh 2 yếu tố quan trọng: Thứ nhất, quan hệ đối tác đó không chỉ tập trung vào lợi ích ngắn hạn mà phải có triết lý rõ ràng và chiến lược nhằm phát triển dự án thành công. Thứ hai, Chính phủ cần hỗ trợ về chính sách và phải có niềm tin chắc chắn để phát triển doanh nghiệp nước ngoài thành doanh nghiệp Việt Nam.

Sự hỗ trợ nhất quán từ phía Chính phủ dựa trên mối quan hệ tin cậy sẽ thúc đẩy nội địa hóa và tạo ra văn hóa sản xuất chế tạo, điều này quan trọng hơn một dự án FDI quy mô lớn.

Cần tạo ra nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và phải thúc đẩy khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực đa dạng. Khi đó, không chỉ doanh nghiệp Hàn Quốc mà các tập đoàn lớn từ EU, Mỹ, Nhật... cũng sẽ tìm đến Việt Nam.

Đại sứ Hàn Quốc: Có thể hợp tác kinh tế giữa hai miền Triều Tiên và Việt Nam - Ảnh 3.

Tân đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do Hyun - Ảnh: VIỆT DŨNG

Mô hình kinh tế Việt Nam phù hợp với Triều Tiên

* Ông từng nhiều lần khẳng định ủng hộ Triều Tiên đi theo con đường mở cửa kinh tế như Việt Nam trước đây. Vì sao?

- Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã nói sẽ nỗ lực để Triều Tiên hội nhập cộng đồng quốc tế và phát triển kinh tế. Chẳng phải đối với một quốc gia, điều quan trọng nhất là người dân được sống ấm no, hạnh phúc?

Tôi cho rằng để đạt được mục tiêu đó cần thúc đẩy phúc lợi và Hàn Quốc, Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế sẽ rất mừng nếu lãnh đạo Triều Tiên điều hành đất nước theo hướng tích cực như vậy.

Giờ là thời đại của địa chính trị, thời đại cạnh tranh kinh tế toàn cầu. Có thể thấy Triều Tiên cũng đã bắt đầu nhận ra mô hình Việt Nam là mô hình phát triển kinh tế quốc gia hiện thực nhất, hiệu quả nhất để nới lỏng các biện pháp trừng phạt, hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế quốc dân.

Có thể nói mô hình của Việt Nam vô cùng hấp dẫn ở điểm Việt Nam đã giảm thiểu tác dụng phụ của quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường. Các chuyên gia cũng đánh giá cao kinh nghiệm vừa đảm bảo ổn định chính trị, vừa không ngừng phát triển kinh tế của Việt Nam.

Ở phương diện này, tôi cho rằng vị thế của Việt Nam sẽ được nâng cao hơn nữa khi Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm với Triều Tiên và thông qua sự hỗ trợ Triều Tiên có thể mở ra sự hợp kinh tế ba bên mới giữa hai miền Triều Tiên với Việt Nam.

* Hãng tin Bloomberg từng cho rằng nếu Triều Tiên mở cửa thì một số doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại nước ngoài sẽ quay về Triều Tiên, trong đó có Samsung ở Việt Nam, vì tinh thần dân tộc và chi phí nhân công rẻ. Ông bình luận gì?

- Các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam bởi họ nhận thấy lợi thế của ASEAN, họ muốn tận dụng đầy đủ chuỗi cung ứng toàn cầu và những đặc thù của Việt Nam - cứ điểm sản xuất toàn cầu, tính chất khác với các doanh nghiệp đầu tư vào Triều Tiên.

Theo tôi hiểu, Samsung, Hyundai hay các tập đoàn lớn của Hàn Quốc là doanh nghiệp Hàn Quốc nhưng cũng là doanh nghiệp toàn cầu. Họ có thể cân nhắc tinh thần dân tộc nhưng năng lực cạnh tranh toàn cầu và sự tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh cũng quan trọng không kém.

Thứ hai, đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn lớn, chi phí nhân công chỉ là một yếu tố chứ không phải là tất cả. Còn rất nhiều yếu tố cần cân nhắc như thị trường, mạng lưới cung cấp, điều kiện chính sách, ưu đãi, tình hình ký các FTA, tính tiếp cận thị trường... Do đó, nếu chỉ phân tích chi phí nhân công và tinh thần dân tộc thì chưa đủ.

Ấn tượng sâu sắc về người Việt Nam

Văn hóa Việt Nam rất tương đồng với văn hóa Hàn Quốc. Điều đó khiến tôi có cảm giác như mình đang ở một nước Đông Bắc Á chứ không phải Đông Nam Á.

Người Việt Nam rất thân thiện, chính trực, cần cù và rất yêu mến đất nước Hàn Quốc. Món ăn Việt Nam rất ngon và đa dạng, món yêu thích nhất của tôi là thịt dê. Thiên nhiên Việt Nam cũng rất đẹp và đa dạng.

Tân đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam là cựu lãnh đạo Samsung

TTO - Chính phủ Hàn Quốc đã bổ nhiệm ông Kim Do Hyun - một lãnh đạo của tập đoàn Samsung Electronics và là một cựu quan chức ngoại giao, làm tân Đại sứ tại Việt Nam.

QUỲNH TRUNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên