Sáng 26-12, tại họp báo về kết quả phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga năm 2024, Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko nhận câu hỏi về việc nước này có thể tham gia như thế nào vào việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
"Hai nước Nga và Việt Nam đã khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Đến năm 2016 thì theo phía Việt Nam, dự án này đã tạm dừng.
Ngành hạt nhân của Nga là một trong những lĩnh vực phát triển và được đánh giá cao trên toàn thế giới. Hiện Nga đang dẫn đầu toàn cầu về số lượng cơ sở hạt nhân. Vì vậy, Liên bang Nga luôn sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong phát triển công nghệ hạt nhân, cụ thể là năng lượng hạt nhân", đại sứ Nga chia sẻ.
Ông khẳng định Nga có đầy đủ điều kiện khoa học, kỹ thuật, công nghệ và tài chính. Đồng thời, ông cho biết trong nhiều năm qua, có khoảng 300 nhân lực Việt Nam đã sang Nga học về lĩnh vực điện hạt nhân.
"Sắp tới hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để làm sao triển khai được dự án này, đảm bảo được an toàn hạt nhân. Tất cả những điều kiện cần và đủ thì chúng tôi đều có.
Nga luôn sẵn sàng hợp tác cùng Việt Nam trong dự án vô cùng quan trọng này", ông nói.
Trong trường hợp Việt Nam có quyết định mang tính chất kêu gọi hoặc tạo điều kiện hợp tác thì phía Nga sẵn lòng đón nhận đề nghị, theo đại sứ.
"Mới đây, các cơ quan đại diện Nga đã tổ chức các cuộc gặp với đại diện bộ, ban, ngành Việt Nam, như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương. Chúng tôi sẵn sàng và chờ quyết định từ phía các bạn mà thôi", Đại sứ Bezdetko chia sẻ.
Vừa qua, Quốc hội đã quyết nghị tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận sau 8 năm tạm dừng dự án này, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam hết sức cấp thiết và được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao.
Việc phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.
Bên cạnh đó, làm dự án điện hạt nhân còn là cơ hội để nước ta phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu, theo báo Chính phủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận