"Chúng tôi xin cảm ơn tất cả các quốc gia thành viên Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã hợp tác và hỗ trợ Vương quốc Anh trong suốt quá trình gia nhập", Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew bày tỏ sáng 31-3.
Vòng đàm phán tại Việt Nam mở cửa cho Anh vào CPTPP
Trước đó, rạng sáng 31-3 (giờ Việt Nam), Chính phủ Anh xác nhận nước này đã kết thúc thành công quá trình đàm phán gia nhập CPTPP. Điều này sẽ mở đường cho Anh trở thành thành viên châu Âu đầu tiên và là thành viên mới đầu tiên kể từ khi CPTPP được thành lập.
Theo Chính phủ Anh, các cuộc đàm phán để tham gia CPTPP bắt đầu vào tháng 6-2021. Đã có tổng cộng năm vòng đàm phán trực tiếp diễn ra giữa Anh với tất cả các nước CPTPP, cùng nhiều vòng đàm phán song phương khác.
Vòng đàm phán cuối diễn ra tại Việt Nam vào đầu tháng 3-2023, với hơn 150 đại biểu đến từ tất cả các nước thành viên CPTPP tham gia. Sau cuộc đàm phán "căng thẳng" đó, đại diện của tất cả các nước thành viên đã đồng ý để Anh gia nhập.
Đại sứ Iain Frew chia sẻ việc Việt Nam là nước chủ nhà của vòng đàm phán cuối cùng "có ý nghĩa rất đặc biệt" trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023.
"Tôi rất vui mừng khi CPTPP sẽ bổ sung thêm cho hiệp định thương mại tự do giữa hai nước và tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại đang phát triển giữa Vương quốc Anh và Việt Nam", ông bày tỏ trong thông cáo báo chí của Đại sứ quán Anh ngày 31-3.
Lợi ích nhiều mặt từ tư cách thành viên CPTPP của Anh
Việt Nam là một trong 11 quốc gia thành viên sáng lập CPTPP và là một trong bảy nước CPTPP có hiệp định thương mại đang có hiệu lực với Anh, theo Hạ viện Anh. London cũng vừa ký kết các hiệp định thương mại tự do với Úc, New Zealand và đang chờ có hiệu lực.
CPTPP hiện có 11 nước, chiếm 12% tổng GDP toàn cầu. Với sự gia nhập của Anh (dự kiến ký kết trong năm nay 2023), CPTPP sẽ chiếm 15% tổng GDP thế giới và dân số hơn 500 triệu người.
Tư cách thành viên CPTPP sẽ bổ sung và củng cố các hiệp định thương mại song phương hiện có mà Anh đã ký kết với các nước CPTPP.
Một số mặt hàng xuất khẩu sang Anh của các nước thành viên, vốn chưa được miễn giảm thuế dựa trên các hiệp định song phương trước đó, sẽ được áp dụng mức thuế ưu đãi hơn trong khuôn khổ CPTPP.
Với Việt Nam, việc gỡ bỏ các rào cản thương mại sẽ hỗ trợ an ninh kinh tế chung của Anh và Việt Nam khi hai nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của nhau và đa dạng hóa hoạt động thương mại.
Những lợi ích này sẽ xúc tiến thương mại, hỗ trợ nền kinh tế và tăng thêm cơ hội cho các doanh nghiệp của hai nước.
CPTPP là sự kế thừa của một hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương trước đó mà Mỹ đã rút khỏi dưới thời cựu tổng thống Donald Trump vào năm 2017.
Các thành viên của nó bao gồm Nhật Bản và Canada - hai nước thuộc G7, hai đồng minh lịch sử của Anh là Úc và New Zealand. Các thành viên còn lại gồm Mexico, Chile, Peru, Malaysia, Singapore, Việt Nam và Brunei.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận