13/07/2020 06:15 GMT+7

Dải mây Mei-yu gây mưa lũ nặng nề ở Trung Quốc có tràn tới Việt Nam?

XUÂN LONG ghi
XUÂN LONG ghi

TTO - Trong hơn một tháng qua, Trung Quốc hứng chịu mưa lũ lớn bất thường, gây thiệt hại lớn đến người và của. Việt Nam, một quốc gia láng giềng, có bị ảnh hưởng? Các chuyên gia Việt Nam đã lý giải với Tuổi Trẻ về hiện tượng này.

Dải mây Mei-yu gây mưa lũ nặng nề ở Trung Quốc có tràn tới Việt Nam? - Ảnh 1.

Nhà cửa ngập trong nước ở huyện Bà Dương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc hôm 10-7 - Ảnh: Chinanews

GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, cho biết: Dải mây Mei-yu được cho là nguyên nhân gây mưa lớn cùng lũ lụt ở Trung Quốc thực chất là dải hội tụ.

Mei-yu tiếng Latin là "mai vũ", mưa vào dịp này ở lưu vực sông Hoàng Hà gọi là mưa mai. Tại Trung Quốc có những tháng mưa vào dịp này gọi là tháng mưa mai, thực chất đây là dải hội tụ gây mưa. 

Về dải hội tụ, hiểu đơn giản là một luồng không khí phía nam và một luồng khối không khí phía bắc gặp nhau. Luồng phía bắc do khối không khí ôn đới đẩy xuống, còn luồng phía nam do gió mùa tây nam.

Hiểu đơn giản nữa thì hai luồng không khí phía nam, phía bắc giống như người chơi đẩy gậy, mốc giữa gậy chính là dải hội tụ, "anh bắc" đẩy mạnh thì sang bên "anh nam", "anh nam" đẩy mạnh thì dải hội tụ sang bên "anh bắc".

Về cơ chế đẩy hai khối không khí nam, bắc thành dải hội tụ, có thể hiểu khi hai khối không khí nóng, ẩm dồn vào rãnh thấp thì nó bị đẩy lên, hình thành những dải mây, đương nhiên là phải có hiện tượng ngưng tụ hơi nước, hơi nước phải nhiều.

Trong điều kiện không khí nóng, ẩm thăng lên cao mà nhiều hơi nước, mây sẽ nhiều. Khi mây nhiều sẽ mưa nhiều, còn nếu không có hơi nước thì không có mưa. Khi hơi nước càng dày, sẽ hình thành những dải mây dày đặc gây ra mưa lớn. 

Đặc biệt, gió mùa tây nam luôn có rất nhiều hơi nước. Bởi lẽ gió mùa tây nam đi qua các vùng biển từ Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương đi lên nên mang và chứa rất nhiều hơi nước.

Còn vì sao thời điểm vừa qua dải hội tụ lại nằm ở phía Trung Quốc? Đây là quy luật, vì khi gió mùa tây nam mạnh sẽ đẩy dải hội tụ xuống phía bắc, tầm tháng 6 và tháng 7 thì dải hội tụ thường nằm ở phía Trung Quốc.

Khi dải hội tụ nằm ở đâu lâu, không dịch chuyển thì vùng đó bị mưa nhiều. Và khi dải hội tụ tập trung thì mưa càng tập trung, càng lớn, còn dải hội tụ dịch chuyển rải rác thì mưa lớn không tập trung ở một chỗ. 

Tuy nhiên, vì dải hội tụ ở Trung Quốc năm nay tương đối ổn định, không dịch chuyển, tập trung nên dẫn tới mưa lớn, khi mưa lớn tập trung ở một lưu vực thì sẽ dẫn tới lũ lớn.

Vì cơ chế hình thành dải hội tụ như vậy nên dải hội tụ gây mưa có thể hình thành ở bất cứ đâu, có thể hình thành ở bất cứ nước nào. 

Vào dịp này, do gió mùa tây nam phát triển mạnh nên đã đẩy dải hội tụ lên lưu vực Hoàng Hà của Trung Quốc, dải hội tụ nằm lại đây lâu và gây ra mưa lớn. 

Còn về vị trí, hiện nay dải hội tụ "nằm" ở Trung Quốc nên Trung Quốc mưa nhiều, tương tự thời điểm này dải hội tụ không có ở Việt Nam nên Việt Nam ít mưa.

Tuy nhiên, tới đây khi gió mùa tây nam yếu đi, dải hội tụ sẽ bị đẩy lùi dần về phía nam vào thời điểm cuối mùa hè, vậy nên ở Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ của Việt Nam cũng có thể hình thành dải hội tụ gây mưa.

Ở Việt Nam, theo quy luật dải hội tụ có thể hình thành và nằm ở khu vực Bắc Bộ vào khoảng tháng 7 - 8, nằm ở Trung Bộ khoảng tháng 9 - 10, khi gió mùa tây nam yếu dần đi thì dải hội tụ dịch dần về phía nam.

Dải hội tụ chủ yếu gây ra hiện tượng mưa, nhưng ngoài mưa có thể kèm theo dông. Còn nữa, nếu "đuôi" dải hội tụ ở trên biển, ở trên Thái Bình Dương, Biển Đông, có thể gây ra bão xung quanh vùng hội tụ, tạo ra xoáy thuận nhiệt đới trên biển, còn ở trên đất liền sẽ là dông tố.

Dự báo chính xác vẫn là thách thức

Ông Trần Quang Năng, trưởng phòng dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết vào các tháng đầu mùa hè, dải hội tụ nhiệt đới và bão hoạt động mạnh ở Bắc Bộ gây mưa lớn nhất tại đây.

Theo ông Năng, dải hội tụ nhiệt đới là một hệ thống thời tiết quy mô hàng nghìn kilômet. "Hiện nay chúng ta có khả năng dự báo, cảnh báo được thời gian, khu vực xuất hiện cũng như quá trình suy yếu của dải hội tụ nhiệt đới.

Tuy nhiên, việc dự báo được lượng mưa lớn trong hệ thống thời tiết này nói chung và bất kỳ hệ thống thời tiết nào khác vẫn là một thách thức lớn nhất cho các nhà dự báo khí tượng thế giới" - ông Năng cho biết.

Không tác động Việt Nam?

Trước đó, ông Nguyễn Văn Hưởng, trưởng phòng dự báo khí hậu Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết dải mây Mei-yu chủ yếu gây mưa dông ở khu vực Trung Quốc, Nhật Bản và hầu như không tác động đến Việt Nam, vì vậy tình hình mưa lũ ở khu vực phía bắc của Trung Quốc không ảnh hưởng đến Việt Nam.

Hồ Trung Quốc vượt mức lũ 1998, 27 tỉnh bị ảnh hưởng

giang tây 3(read-only)

Lực lượng vũ cảnh Trung Quốc hỗ trợ công tác chống lũ lụt tại một ngôi làng ở huyện Bà Dương, tỉnh Giang Tây hôm 11-7 - Ảnh: Tân Hoa xã

Sự chú ý liên quan tình hình mưa lũ tại Trung Quốc cuối tuần trước dường như đổ dồn về hồ Bà Dương - hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc nằm ở tỉnh Giang Tây.

Ngày 12-7, mực nước tại trạm thủy văn Tinh Tử của hồ này đã lên tới 22,53m, cao hơn 0,01m so với mức gây lũ lớn (đại hồng thủy) năm 1998 ở Trung Quốc và được dự báo sẽ tiếp tục tăng, theo Tân Hoa xã.

Ủy ban Thủy lợi Trường Giang đã phát cảnh báo lũ lụt màu đỏ (cao nhất) đối với khu vực hồ Bà Dương hôm 10-7. Một ngày sau, tỉnh Giang Tây cũng nâng mức cảnh báo khẩn cấp nhằm phòng chống lũ lụt từ cấp 2 lên cấp 1 (cấp cao nhất trên thang 4 cấp).

Lũ lụt đã ảnh hưởng hơn 5,2 triệu người ở tỉnh Giang Tây, trong đó có khoảng 432.000 người được sơ tán khỏi những khu vực bị ngập lụt kể từ hôm 6-7.

Lũ lụt cũng tàn phá hơn 455.700ha hoa màu tại đây. Cuối tuần trước, hơn 53.300 người đã được huy động tham gia chống lũ tại Giang Tây.

Trong khi đó, trên toàn Trung Quốc, có ít nhất 141 người đã thiệt mạng hoặc mất tích, 33,85 triệu người và 27 khu vực cấp tỉnh đã bị ảnh hưởng.

Theo Bộ Thủy lợi Trung Quốc, tính từ hôm 4-7, có 212 con sông trên khắp Trung Quốc đã chứng kiến lũ vượt mức cảnh báo.

Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia của Trung Quốc cuối tuần trước cho hay đã dùng tổng cộng 309 triệu nhân dân tệ (44,2 triệu USD) để hỗ trợ như xây dựng và sửa chữa cơ sở hạ tầng địa phương cho các khu vực bị lũ lụt ảnh hưởng như tỉnh Hồ Bắc, An Huy, Giang Tây và thành phố Trùng Khánh.

BẢO ANH

Đêm không ngủ quanh những con đê ngăn lũ ở Trung Quốc Đêm không ngủ quanh những con đê ngăn lũ ở Trung Quốc

TTO - Báo South China Morning Post ngày 12-7 đăng câu chuyện hàng ngàn người ngày đêm giám sát các bờ sông và những con đê ngăn lũ ở Trung Quốc. Đã có ít nhất 141 người thiệt mạng hoặc mất tích do mưa lũ ở nước này.

XUÂN LONG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên