Phát biểu ngày 17-6, ông Cố Lập Hùng khẳng định Đài Loan muốn tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe đa diện để khiến Trung Quốc khó chiếm Đài Loan hơn.
Trung Quốc xem Đài Loan là một tỉnh của mình và nhiều lần khẳng định một ngày nào đó sẽ thu phục Đài Loan, kể cả khi phải dùng vũ lực.
Mối quan hệ giữa Đài Loan và đại lục trở nên xấu hơn nữa sau chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi năm 2022.
Bắc Kinh phản ứng bằng cách tăng cường sự hiện diện quanh Đài Loan, và các cuộc diễn tập quân sự "chiếm" Đài Loan càng trở nên nhạy cảm hơn. Tuần trước, một quan chức cấp cao Trung Quốc phụ trách Đài Loan cũng nhắc lại chuyện "thống nhất".
Hôm 16-6, lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức cho rằng Trung Quốc xem việc sáp nhập và "loại bỏ" Đài Loan là mục tiêu lớn. Ông Lại lưu ý các học viên quân sự rằng đừng chấp nhận tâm lý thất bại của "trận đầu cũng là trận cuối", một lý thuyết nói Đài Loan có thể sụp đổ ngay khi Trung Quốc phát động một cuộc tấn công.
Lâu nay Đài Loan xem Mỹ là một đồng minh và là nguồn cung cấp hỗ trợ an ninh chính. Nhưng "nước xa khó cứu lửa gần", có tâm lý lo ngại từ Đài Bắc về việc Trung Quốc có thể đạt mục tiêu nhanh chóng nếu dùng vũ lực.
Trả lời câu hỏi liệu Đài Loan có thể trụ bao lâu mà không có sự hỗ trợ của Mỹ trong trường hợp Trung Quốc tấn công, ông Cố Lập Hùng khẳng định đây không phải vấn đề trong chiến lược của họ.
"Vấn đề không phải chúng tôi trụ được bao lâu. Theo lý thuyết, chiến lược của chúng tôi là một cuộc chiến tranh phi đối xứng nhằm xây dựng răn đe nhiều mặt, và trong quá trình đó sẽ làm suy yếu khả năng tiến quân của Trung Quốc", Reuters dẫn lời ông Cố Lập Hùng.
Vị này khẳng định Đài Loan chưa bao giờ muốn gây chiến với Trung Quốc, và mọi hoạt động quân sự đều tập trung vào phòng thủ như trên.
Hiện nay với lực lượng nhỏ và yếu hơn, Đài Loan đang cải cách quân đội theo hướng chiến tranh phi đối xứng, tức tận dụng chiến thuật, sự linh hoạt... để đối phó với đối thủ mạnh hơn.
Trước đó Tổng thống Mỹ Joe Biden chọc giận Trung Quốc vì các bình luận gợi ý rằng Washington sẽ bảo vệ Đài Bắc nếu nơi này bị tấn công.
Đây là điểm khác biệt so với giọng điệu của Mỹ trước đây, vốn thường không trực tiếp nói ra điều này và thay vào đó là duy trì "sự mơ hồ chiến lược".
Theo ông Cố Lập Hùng, sự mơ hồ chiến lược của Mỹ cũng khiến Trung Quốc khó khăn hơn trong việc lên kế hoạch cho một đợt tấn công tiềm tàng vào Đài Loan. "Họ sẽ không bao giờ có thể loại trừ khả năng quân đội Mỹ can thiệp", ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận