TTCT - Thế giới thở phào khi tình hình Đài Loan lại lắng xuống sau một tuần lễ căng như dây đàn. Ông Lại Thanh Đức trong chuyến thăm một đơn vị quân sự Đài Loan ở Đào Viên. Ảnh: ReutersCuối buổi sáng thứ ba 28-5, trang chủ China Daily và Global Times của Trung Quốc đã trở lại nhẹ nhàng, không còn dấu vết hùng hổ của cuộc tập trận "tổng lực" tuần rồi quanh Đài Loan.Trên China Daily, mục biếm họa vơ đét trang chủ xoay quanh việc Mỹ bảo hộ thương mại, cảnh sát Mỹ bạo hành...; còn trên Global Times sót lại duy nhất bài "Cuộc tập trận của PLA (Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc) gây sốc cho lực lượng ly khai (Đài Loan)" vốn đăng từ hôm thứ bảy tuần trước 25-5."Trừng phạt" vì chuyện gì?Trước đó, Global Times 23-5 bừng bừng khí thế với những bài lớn như "PLA tổ chức tập trận xung quanh đảo Đài Loan để trừng phạt lực lượng ly khai và gửi cảnh báo tới các lực lượng can thiệp từ bên ngoài tiếp sau bài diễn văn hôm thứ hai 20-5 của lãnh đạo khu vực Đài Loan ly khai Lai Ching-te (Lại Thanh Đức)", kèm hình ảnh và bản đồ cuộc tập trận. Động từ "trừng phạt" được lặp đi lặp lại và sự kiện ông Lại trong lễ nhậm chức hôm 20-5 đã có bài diễn văn rất ư là "ly khai" được nhấn mạnh."Tôi cũng muốn cảm ơn quý công dân một lần nữa vì sự ủng hộ của quý vị, vì đã không bị ảnh hưởng bởi các thế lực bên ngoài, vì đã kiên quyết bảo vệ nền dân chủ, vì đã tiến về phía trước mà không quay đầu lại, và vì đã lật sang một trang mới trong lịch sử Đài Loan", là nguyên văn phát biểu của ông Lại. Chỉ riêng trong câu đó, ông đã ba lần chọc giận Bắc Kinh: (1) cử tri Đài Loan đã không bị ảnh hưởng bởi đại lục; (2) cử tri Đài Loan muốn bảo vệ nền dân chủ; (3) và càng đi tới, tức là càng rời xa đại lục.Cũng lời ông Lại: "Chúng tôi cũng muốn tuyên bố với tất cả mọi người rằng dân chủ và tự do là những cam kết vững chắc của Đài Loan". Ông còn quả quyết: "Hiện đã có sự đồng thuận quốc tế mạnh mẽ rằng hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là không thể thiếu đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu... Chúng tôi cảm ơn các quốc gia trên thế giới đã quan tâm và ủng hộ Đài Loan". Nhưng ông cũng vẫn phải mang Mỹ ra hù dọa: "Mới tháng trước, Hoa Kỳ đã ban hành đạo luật phân bổ ngân sách bổ sung cho an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương năm 2024. Đạo luật này sẽ mang tới an ninh cho khu vực và hỗ trợ cho hòa bình và ổn định của eo biển Đài Loan".Được biết, năm ngoái Quốc hội Mỹ lần đầu tiên thông qua mục "tài trợ quân sự nước ngoài" (FMF) cố định bao gồm Đài Loan lên đến 2 tỉ USD/năm dưới dạng các khoản vay trực tiếp và bảo lãnh vay đến ít nhất là năm tài khóa 2027. Tháng 6-2023, chính quyền Joe Biden lần đầu tiên phê duyệt hỗ trợ FMF cho Đài Loan. Đến ngày 22-4 vừa qua, Hạ viện Mỹ thông qua ngân khoản tiếp theo trong đạo luật mà ông Lại nhắc tới. Tổng cộng khoản tiền mà Đài Loan nhận được do đó sẽ lên tới 8,12 tỉ USD, với mục tiêu chính là đảm bảo khả năng răn đe.Cụ thể thì ngân sách đó bao gồm: (1) 3,3 tỉ USD phát triển hạ tầng cho tàu ngầm, bao gồm đầu tư xây dựng ụ tàu; (2) 2 tỉ USD trong FMF cho Đài Loan; (3) 1,9 tỉ USD để bổ sung trang thiết bị và dịch vụ quốc phòng dành cho Đài Loan và các đối tác trong khu vực; (4) 542 triệu USD để tăng cường khả năng quân sự của Mỹ trong khu vực; và (5) 133 triệu USD để tăng cường sản xuất và phát triển pháo binh và các loại đạn dược quan trọng.Ông Connor Fiddler, phó giám đốc Chương trình châu Á tại Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại Mỹ (FPIR), trong bài viết "Tài trợ để ngăn chặn: Phân tích Dự luật bổ sung Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" giải thích dự luật này cho thấy Mỹ đã rút ra bài học từ cuộc chiến tranh Ukraine. Công nghiệp quốc phòng của Mỹ đã suy giảm nhiều năm qua, và họ thấy cần khắc phục vấn đề trước khi vấn đề phát sinh, bởi lúc hữu sự, thực tế cho thấy mọi chuyện trở nên nháo nhào.Trong nghiên cứu, ông Fiddler nhấn mạnh: "Nhất là đầu tư đáng kể vào cơ sở công nghiệp tàu ngầm đầy hứa hẹn". Có thể mở ngoặc đơn ở đây. Theo Rajeswari Pillai Rajagopalan, tác giả nghiên cứu "Năng lực tàu ngầm ngày càng tăng của Trung Quốc" (The Diplomat 31-10-2023), việc Trung Quốc ngày càng có khả năng cơ động bằng tàu ngầm là nguyên nhân gây lo ngại cho nhiều cường quốc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.Các nhà phân tích quân sự lưu ý rằng việc theo dõi các tàu ngầm Trung Quốc "ngày càng trở thành nỗ lực quốc tế", khi quân đội Nhật Bản và Ấn Độ hợp tác với các cường quốc khu vực như Hoa Kỳ và Úc. Một ví dụ: Chuỗi tập trận hải quân Malabar vốn trước đó là ba bên (Mỹ, Nhật Bản, và Ấn Độ), đã liên tục có sự tham gia của Úc trong bốn năm qua, nhấn mạnh vào các khía cạnh tác chiến chống tàu ngầm qua triển khai máy bay săn ngầm ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn.Máy bay phản lực chiến đấu J-15 của Trung Quốc rời hàng không mẫu hạm Liêu Ninh trong một cuộc tập trận. Ảnh: AFPViệc tân lãnh đạo Đài Loan, nhắc tới, dù rất ngắn, các vấn đề trên, rồi còn khoe mới được Mỹ thông qua tài trợ bổ sung, quả là chọc giận đại lục. Ông Lại còn trực tiếp nhắn gửi, và nói chuyện ngang cơ với đại lục: "Tôi cũng muốn kêu gọi Trung Quốc chấm dứt dọa nạt chính trị và quân sự với Đài Loan, chia sẻ với Đài Loan trách nhiệm toàn cầu trong duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan cũng như khu vực rộng lớn hơn và đảm bảo thế giới không còn lo sợ chiến tranh".Đao khua kiếm rungBa ngày sau bài diễn văn của ông Lại, sáng thứ năm 23-5, Trung Quốc phát động cuộc tập trận quân sự quy mô lớn quanh đảo Đài Loan. Global Times 23-5 cho biết cuộc tập trận được thiết kế để bao vây Đài Loan từ cả phía đông và phía tây, nhằm thể hiện khả năng tấn công của PLA trên mọi hướng, không có bất kỳ điểm mù nào, tạo thành tình huống Đài Loan "lưỡng đầu thọ địch".Cụ thể, Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông của PLA đã bắt đầu tập trận quân sự quanh đảo Đài Loan từ 7h45 sáng 23-5. Diễn tập diễn ra ở cả bốn hướng hòn đảo, cũng như xung quanh các đảo gần đại lục nhưng do Đài Loan kiểm soát: Kim Môn, Mã Tổ, Ô Khâu và Đông Dẫn. Một người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông PLA cho biết cuộc tập trận có quy mô hiệp đồng tác chiến cao, với sự tham gia của cả lục quân, hải quân, không quân và binh chủng tên lửa. Mật danh Hợp Kiếm 2024A, cuộc tập trận diễn ra trong hai ngày 23 và 24-5. (Các đảo Kim Môn và Mã Tổ, do chỉ cách đại lục hơn chục km, đã "khét tiếng" từ cuối thập niên 1950 với cuộc khủng hoảng Đài Loan lần thứ nhất, qua những vụ pháo kích hằng ngày làm vang dội báo chí năm châu).Thiệt ra, mỗi lần các lãnh đạo Đài Loan có xu hướng ly khai có những sự kiện quan trọng, đại lục đều phản ứng tương xứng. Ông Lại nhậm chức hôm 20-5, thì tính đến chỉ khoảng 8h sáng hôm đó, Đài Loan đã phát hiện 21 lần xuất kích của nhiều máy bay chiến đấu chính và phụ từ Trung Quốc, bao gồm J-16, Y-8 và cả các UAV. Trong số 21 hoạt động xuất kích, có 17 vượt qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan và mở rộng đến không phận phía bắc, trung và tây nam Đài Loan với mục đích "tuần tra và sẵn sàng chiến đấu chung".Đường trung tuyến này là ranh giới trên biển không chính thức giữa đại lục và Đài Loan. Không phận quanh đường trung tuyến, với chiều dài khoảng 180km và chỗ rộng nhất khoảng 40km, là không phận quốc tế, nên theo luật pháp quốc tế, tất cả các quốc gia, bao gồm Trung Quốc, đều có quyền tự do bay trên biển.Tuy nhiên, dù Trung Quốc không chính thức công nhận sự tồn tại của đường trung tuyến, ranh giới này là một tình trạng thực tế được hiểu ngầm, điều không quá hiếm gặp trong quan hệ quốc tế. Kể từ khi đường này được thiết lập vào năm 1954, mới có bốn lần Trung Quốc xâm nhập quân sự vượt qua nó (theo Raul Pedrozo, "China's Threat of Force in the Taiwan Strait", Lawfare 29-9-2020).Các mô thức xâm nhập không giống nhau. Lần đầu tiên là tháng 7-1999, để trả đũa tuyên bố của lãnh đạo Đài Loan lúc đó Lý Đăng Huy cho rằng quan hệ giữa hai bờ eo biển là "giữa hai nhà nước".Lần thứ nhì là vào tháng 7-2011, khi hai máy bay chiến đấu Sukhoi Su-27 của Trung Quốc tìm cách ngăn chặn máy bay trinh sát U-2 của Mỹ trên eo biển Đài Loan. Lần thứ ba là tháng 4-2019: hai máy bay chiến đấu Thẩm Dương J-11 đã tiếp cận đảo Đài Loan, nhưng bị máy bay chiến đấu của Đài Loan chặn lại.Lần thứ tư là tháng 8-2020, hai máy bay chiến đấu của Trung Quốc vượt qua đường trung tuyến để phản đối chuyến thăm Đài Bắc của Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ Alex Azar, quan chức chính thức cấp cao nhất của Mỹ tới Đài Loan kể từ năm 1979.Ngày một leo thang?Do nghiên cứu của Pedrozo viết năm 2020, nó không cập nhật vụ Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan hôm 2-8-2022, gây ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ tư (các lần trước là 1954-1955, 1968, và 1995-1996). Năm 2020 đó, ngay khi bà Pelosi đến Đài Bắc, PLA đã công bố tổ chức diễn tập bắn đạn thật tại 6 khu vực được chỉ định ở vùng biển xung quanh Đài Loan, với nhiều tên lửa đạn đạo Đông Phong (DF) đi vào vùng biển ngoài khơi Đài Loan.Theo truyền thông Đài Loan và Nhật Bản, tổng cộng 11 tên lửa DF-11, DF-15 và DF-16 đã được bắn về phía mục tiêu. (Truyền thông Trung Quốc nói số tên lửa được bắn đi là 16). Jamestown Foundation thì đếm được trong và sau "sự cố Pelosi", 84 lượt máy bay Trung Quốc đã được phát hiện xuất kích, trong đó 37 lượt vượt qua đường trung tuyến.Trở lại với cuộc tập trận mới nhất, Trung Quốc cũng đã tung ra hàng loạt máy bay, tàu hải quân và hải cảnh (xem box), nhiều lúc vượt qua đường trung tuyến. Hoạt động này là nhằm "làm suy yếu hệ thống phòng không của Đài Loan" và "chứng tỏ sức mạnh không quân vượt trội và thúc đẩy các mục tiêu chính trị" của Trung Quốc, theo nhận định từ PACOM (Bộ chỉ huy Thái Bình Dương) Mỹ.Trước đó nữa, trong một động thái ít được chú ý hơn, ngày 30-1-2024, Trung Quốc đơn phương tuyên bố thay đổi các đường bay dân sự ở eo biển Đài Loan, cụ thể là di chuyển đường bay M503 sáu hải lý về phía đông, chỉ còn cách đường trung tuyến 4,2 hải lý.Về chuyện này, Focus Taiwan 31-1 nhận định: "Việc Trung Quốc đơn phương điều chỉnh đường bay gần đường trung tuyến eo biển Đài Loan hơn... gây thêm áp lực lên Đài Loan trong giám sát không phận ở khu vực phụ cận". Gây thêm áp lực tức buộc Đài Loan phải tăng cường theo dõi radar, tăng cường độ cảnh giác, mở rộng điều kiện tung máy bay chiến đấu để ngăn chặn..., nói chung là phải tiêu tốn thêm nguồn lực. Thiết nghĩ, câu chuyện "trừng phạt" nên được hiểu trong ý nghĩa sát với thực tế này.■ Bản tin cập nhật của cơ quan quân sự Đài Loan 28-5 cho biết tính từ 6h sáng 27-5 đến 6h sáng 28-5, đã có 3 máy bay, 7 tàu hải quân và 4 tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động quanh Đài Loan bị phát hiện. 3 chiếc máy bay này đã vượt qua đường trung tuyến và tiến vào vùng nhận dạng phòng không ADIZ phía tây nam Đài Loan. Số máy bay và tàu bị phát hiện, như vậy, là giảm mạnh so với một ngày trước (từ 6h sáng 26-5 tới 6h sáng 27-5), vốn gồm đến 21 máy bay, 11 tàu hải quân và 4 tàu hải cảnh (trong đó 10 máy bay đã đi vào ADIZ phía Tây Nam và Đông Nam Đài Loan).Trước đó nữa, Trung Quốc đã rầm rập trong hai ngày tập trận, từ 6h sáng 24-5 tới 6h sáng 26-5, với 111 máy bay và 53 tàu hải quân và hải cảnh, trong đó 82 máy bay đã vượt đường trung tuyến, bay vô các khu vực ADIZ khác nhau quanh Đài Loan.Để so sánh, một ngày trước nữa, từ 6h sáng 22-5 tới 6h sáng 23-5, chỉ có 1 máy bay, 3 tàu hải quân, và 4 tàu hải cảnh Trung Quốc xuất kích. (Ông Lại nhậm chức ngày 20-5).Nhưng thiệt ra, cuộc tập trận vừa rồi vẫn chưa vượt qua kỷ lục về số máy bay Trung Quốc tung ra một ngày hướng về phía Đài Loan: 71 chiếc vào tháng 4-2023, khi cựu lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn gặp Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy tại Los Angeles. Cuộc tập trận lần đó cũng dài hơn: ba ngày (Reuters 8-4-2023), và cũng mang tên Hợp Kiếm - cho thấy Trung Quốc đang biến những hoạt động này trở thành chuyện thường tình.Còn chuyện Trung Quốc huy động cả tàu hải cảnh trong eo biển Đài Loan là nằm trong chiến lược "Ba lực lượng hải quân" của họ, theo đó hải quân chính quy (PLAN) được triển khai bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất cho các nhiệm vụ hiện diện và chống cướp biển, còn hải cảnh (CCG) và dân quân biển (CMM), thì ở các khu vực tranh chấp hàng hải, tất nhiên được PLAN giám sát và hậu thuẫn trong trường hợp có leo thang.Cơ bản, ba lực lượng này nay có khả năng hoạt động đan xen và liên kết với nhau đáng kể, theo nghiên cứu của Geostrategy mới công bố hôm 20-5. Từ đó, có thể hiểu eo biển Đài Loan, mà mục tiêu là thị uy, nên sử dụng và rèn luyện hải quân và hải cảnh; còn ở Biển Đông, vừa để thị uy vừa để lấn át và lấn chiếm, nên sử dụng thêm dân quân biển trong chiến thuật "biển người" nay đổi thành "biển tàu cá"! Tags: Eo biển đài loanĐài LoanCông nghiệp quốc phòngMáy bay chiến đấuTruyền thông Trung Quốc
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Ông Kim Jong Un: Mỹ đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh hạt nhân MINH KHÔI 22/11/2024 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ đối mặt với nguy cơ chiến tranh hạt nhân nghiêm trọng như hiện nay.