Thông tin trên được hòa thượng Thích Gia Quang, phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết tại buổi họp báo chiều 2-12.
Theo hòa thượng Thích Gia Quang, với mục đích tưởng niệm, tôn vinh công đức của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông với dân tộc và đạo pháp, trong khuôn khổ đại lễ sẽ diễn ra lễ tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông và đại lễ cầu siêu tại chùa Ngọa Vân (Đông Triều) - nơi Đức vua hóa Phật; lễ truyền đăng tưởng niệm Phật hoàng tại sân lễ hội chùa Trình (trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh); lễ cúng Phật, cúng Tổ và nhiễu tháp Phật hoàng tại chùa Hoa Yên (Uông Bí). Đại lễ tưởng niệm 710 năm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn được tổ chức vào sáng 7-12, tại Cung Trúc Lâm - Trung tâm lễ hội Yên Tử (Uông Bí).
Trong thời gian diễn ra đại lễ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm - Đặc sắc tư tưởng, văn hóa" tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm.
Hội thảo nhằm mục đích huy động trí tuệ, tâm huyết của giới khoa học trong và ngoài nước nhằm thảo luận, làm rõ thêm, đồng thời khai thác, phát huy những nội dung, giá trị đặc sắc trong di sản tư tưởng, văn hóa của Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm, đặt trong dòng chảy liên tục của lịch sử từ quá khứ đến hiện tại và định hướng tương lai, với không gian mở rộng từ dân tộc đến nhân loại, với tiếp cận chuyên ngành và liên ngành, nghiên cứu trường hợp và nghiên cứu so sánh…
Hội thảo cũng là hoạt động thiết thực của giới nghiên cứu, tăng ni, phật tử trong và ngoài nước hướng về Phật hoàng Trần Nhân Tông với thái độ trân trọng, biết ơn đối với bậc tiền nhân đã có những đóng góp to lớn cho dân tộc và nhân loại nhân dịp kỷ niệm 760 năm đản sinh và 710 năm nhập niết bàn của Ngài.
Phó giáo sư, tiến sĩ Lại Quốc Khánh, phó viện trưởng Viện Trần Nhân Tông (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết điểm đặc sắc của hội thảo là bên cạnh xuất hiện một số công trình nghiên cứu hàn lâm chuyên sâu, còn có nhiều công trình ứng dụng, giải quyết những vấn đề xã hội nhân sinh và đương đại hiện nay. Những giá trị trong di sản văn hóa của Phật hoàng đã đi vào cuộc sống đương đại một cách rõ ràng.
Hội thảo quy tụ hơn 400 nhà khoa học, đại diện các đơn vị học thuật trong và ngoài nước, với 135 tham luận, trong đó có 34 tham luận của các học giả nước ngoài đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, có thành tựu nghiên cứu đặc sắc về Việt Nam và Phật học như Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Nga… Những công trình đó không chỉ khẳng định, ca ngợi, tôn vinh những giá trị đặc sắc trong di sản tư tưởng, văn hóa của Phật hoàng Trần Nhân Tông, thiền phái Trúc Lâm mà còn thông qua những nghiên cứu so sánh để khẳng định giá trị sức sống, những điểm tương đồng, những giá trị mang tính nhân văn và sự cộng hưởng rất lớn của những giá trị đó.
Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) là người có nhiều đóng góp và có vị trí đặc biệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Với đời, Ngài là vị vua anh minh kiệt xuất, đã lãnh đạo đoàn kết nhân dân hai lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông. Sau khi nhường ngôi báu cho người kế vị, Ngài đã dành tâm huyết để xây dựng và thực thi kế sách khoan hòa trong nhân dân, đề ra chính sách dưỡng dân, an dân để xây dựng, phát triển mở mang đất nước.
Với đạo, Ngài là thiền sư đắc đạo, là người sáng lập và lãnh đạo Phật giáo Trúc Lâm, nền Phật giáo thống nhất riêng có của Việt Nam. Với tấm lòng vì dân, với nhãn quan của một vị vua minh triết, một nhà sư giác ngộ, Ngài chủ trương xây đạo để nuôi dưỡng, phát huy nhân tâm thuận hòa, xây dựng, bồi đắp tính độc lập, sức tự cường, vun bồi sự hòa hợp trong thế gian. Tư tưởng ấy là cội rễ làm nên sức mạnh lâu bền của dân tộc, theo thời gian đã trở thành truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận