Ngày 1-12, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra phiên thứ nhất với 1.100 đại biểu đại diện cho trên 11 triệu đoàn viên cả nước.
Đột phá tiền lương, tiền thưởng cho người lao động
Ông Nguyễn Đình Khang, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, bày tỏ nhiệm kỳ 2018 - 2023 thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh nhiều khó khăn, đặc biệt là tác động của dịch COVID-19, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động.
Song tổ chức Công đoàn đã sáng tạo, năng động, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động để chăm lo tốt nhất cho đoàn viên, người lao động.
Theo ông Khang, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam rất quan trọng khi xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn 5 năm tới.
Trong đại hội này, các đại biểu sẽ thảo luận 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2023-2028. Đầu tiên là đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động.
Tiếp đó là phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp ngoài nhà nước. Cuối cùng là xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng nhiệm vụ, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Trước đó, Công đoàn Việt Nam đã tổ chức 10 diễn đàn, thảo luận về việc thúc đẩy đối thoại, thương lượng thỏa ước lao động tập thể, nhất là về tiền lương; điều kiện làm việc, đảm bảo an ninh trong công nhân…
Kiến nghị tăng lương cho công nhân
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Vân Hà - chủ tịch Liên đoàn Lao động Bắc Ninh - cho biết trong bối cảnh dịch bệnh, Công đoàn luôn chủ động huy động nguồn lực hỗ trợ người lao động trong khu phong tỏa, doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” để đảm bảo sản xuất.
Khi phục hồi kinh tế, tổ chức Công đoàn kết nối việc làm mới cho người lao động ở doanh nghiệp phải cắt giảm việc làm.
Bà Vân Hà bày tỏ Đảng, Nhà nước cần nghiên cứu, ban hành nhiều chính sách hơn với người lao động như bảo đảm việc làm ổn định, cải cách tiền lương, dành kinh phí chăm lo cho lao động có hoàn cảnh khó khăn, công nhân nuôi con nhỏ…
“Bắc Ninh dành kinh phí riêng để chăm lo cho lao động nữ (chiếm 60-65%), nhất là phụ nữ có con, để chị em yên tâm lao động sản xuất. Dịp Tết 2024, chúng tôi tiếp tục đồng hành, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh và thương lượng với doanh nghiệp, bảo đảm tiền lương, thưởng cho người lao động”, bà Hà nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Hoàng Đình Trung - chủ tịch Liên đoàn Lao động Nam Định - bày tỏ Công đoàn tiếp tục có đánh giá, đề ra giải pháp nâng cao năng lực, hiểu biết pháp luật của cán bộ công đoàn cơ sở. Trong đó, quan trọng nhất là kỹ năng đối thoại, đàm phán, thương lượng thỏa ước tập thể, nâng cao tiền lương, thời giờ làm việc, điều kiện làm việc của đoàn viên, người lao động.
Đơn cử tại Nam Định, Công đoàn dự kiến tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kéo dài 3-5 ngày hoặc trong 1 ngày. Tại đó, các chuyên gia, cán bộ Công đoàn sẽ xây dựng bài tập, tình huống có thể xảy ra tại đơn vị, doanh nghiệp và giao cán bộ công đoàn cơ sở xử lý, rút kinh nghiệm thực tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận