Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc: Để các nguồn lực phục vụ con người

HỮU NGHỊ 29/09/2024 09:58 GMT+7

TTCT - Hôm 22-9, khóa họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) bắt đầu bằng Hội nghị Thượng đỉnh tương lai.

Đại hội đồng LIÊN HIỆP QUỐC: Để các nguồn lực phục vụ con người - Ảnh 1.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm phát biểu trước Đại hội đồng LHQ. Ảnh: Reuters

Tổng thư ký LHQ António Guterres giải thích rằng ông đã triệu tập hội nghị thượng đỉnh về tương lai "vì thế giới của chúng ta đang đi chệch hướng" khi mà "các nguồn lực có thể mang lại cơ hội và hy vọng lại bị đầu tư vào cái chết và sự hủy diệt".

Hội nghị đã thông qua nghị quyết "Thỏa ước vì tương lai", mở đầu bằng tuyên bố long trọng: "Chúng tôi, những nguyên thủ quốc gia và chính phủ, đại diện cho nhân dân thế giới, đã tập trung tại trụ sở LHQ để bảo vệ nhu cầu và lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai thông qua các hành động trong thỏa ước này".

Con người là trung tâm

Cùng chia sẻ chọn lựa chung đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã trình bày quan điểm của Việt Nam tại phiên khai mạc hội nghị: "Phát triển bền vững của thế giới và lợi ích của con người phải được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu cao nhất của chúng ta". 

Đây là tuyên ngôn chính trị dứt khoát về mục tiêu của Đảng và Nhà nước Việt Nam ở thời điểm 2024, lấy "Con người là trung tâm".

Đây cũng không chỉ là mục tiêu riêng của Việt Nam, mà là chung của hầu hết cả thế giới, như có thể thấy trong bản ghi chép Đại hội đồng GA/12627 ngày 22-9: 

"Hôm nay, đại hội đồng đã thông qua Thỏa ước vì tương lai, trong đó các nguyên thủ quốc gia và chính phủ - đại diện cho nhân dân thế giới - đã đưa ra 56 cam kết hành động nhằm bảo vệ nhu cầu và lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khủng hoảng và xung đột đang diễn ra trên toàn cầu".

Mở ngoặc đơn chuyện "hầu hết cả thế giới": Theo bản tóm tắt phiên họp ngày hôm đó của đại hội đồng, trước đó đã có một ý kiến phản biện và đòi chỉnh sửa dự thảo thỏa ước. 

Tuy nhiên, đại diện của Cộng hòa Congo, phát biểu thay mặt cho nhóm châu Phi, nhấn mạnh tình hình đang đòi hỏi LHQ thể hiện sự đoàn kết trong việc tìm ra giải pháp cho những thách thức phức tạp, nhiều mặt hiện nay. Và rằng việc thông qua một sửa đổi như vậy "sẽ không giúp chúng ta đáp ứng được kỳ vọng của mình", đại biểu Congo nhấn mạnh. 

Nghị quyết đã được thông qua với 143 phiếu thuận, 7 phiếu chống (Belarus, Triều Tiên, Iran, Nicaragua, Nga, Sudan, Syria), cùng 15 phiếu trắng.

Chống lại sự hủy diệt

Trong khi Tổng thư ký Guterres nói về "các nguồn lực có thể mang lại cơ hội và hy vọng lại được đầu tư vào cái chết và sự hủy diệt", thì Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: 

"Những thành tựu khoa học, công nghệ này phải phục vụ tiến bộ xã hội, hướng về con người, giải phóng con người, phát triển con người toàn diện, không ngừng cải thiện đời sống, bảo đảm lợi ích và hạnh phúc của nhân loại và vì thế hệ tương lai".

Thông điệp của Việt Nam rất rõ ràng: con người và sự phát triển con người là tối thượng, và để giải phóng con người, cơ bản bắt đầu bằng việc cải thiện đời sống. 

Là một đất nước đã trải qua bao cuộc chiến tranh cùng không ít đe dọa, Việt Nam có những chuẩn mực mà ông Tô Lâm đã trình bày cụ thể: "...Thúc đẩy hợp tác, không trở thành công cụ chống lại các quốc gia, đi ngược lại khát vọng hòa bình, phát triển, công bằng và công lý của các dân tộc".

Bản tóm tắt của Đại hội đồng LHQ đã ghi nhận những ý kiến đó: "Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm cho biết các quyết định đưa ra ngày hôm nay sẽ định hình bối cảnh tương lai. Chúng ta cần chuyển trọng tâm từ đầu tư vào vũ khí hủy diệt sang tăng cường chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Điều đó sẽ giúp các thế hệ tương lai có khả năng cam kết tốt hơn cho hòa bình và thịnh vượng thay vì chiến tranh và hủy diệt".

Đã có nhiều đại diện quốc gia cùng chia sẻ những trăn trở và ý nguyện của Việt Nam. Tỉ như Tổng thống Lazarus McCarthy Chakwkera của Malawi khi ông bày tỏ quan ngại về các cuộc xung đột toàn cầu: 

"Không ai trong căn phòng này nên bám víu vào ảo tưởng ngây thơ rằng chúng ta đang sống trong một thế giới mà chiến tranh có thể mang lại chiến thắng". Ông kêu gọi cách tiếp cận dựa trên luật lệ và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida thì nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguyên tắc chỉ đạo rõ ràng trong thời đại mà các quốc gia phải hợp tác dù có những chủ đích khác nhau đến đâu: 

"Để đạt được mục đích này, việc duy trì pháp quyền là rất quan trọng, trong khi những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực không thể được dung thứ ở bất kỳ nơi nào trên thế giới".■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận