Theo phương án tuyển sinh 2025 của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, trường áp dụng bốn phương thức tuyển sinh cho 17 ngành với tổng 1.088 chỉ tiêu.
Điểm đáng chú ý không nằm ở chỉ tiêu hay ngành đào tạo, mà ở số lượng tổ hợp xét tuyển.
Trong 17 ngành đào tạo, có 6 ngành xét tuyển từ 4 đến 6 tổ hợp, trong khi nhiều ngành tuyển sinh theo 11-12 tổ hợp. Đặc biệt, một số ngành có tới 19-20 tổ hợp xét tuyển.
Ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh giữ kỷ lục với 20 tổ hợp xét tuyển, trở thành ngành có số lượng tổ hợp xét tuyển nhiều nhất trong hệ thống đại học hiện nay.
Bên cạnh đó, nhiều ngành khác tại trường cũng có số lượng tổ hợp xét tuyển lớn, như ngành Toán ứng dụng với 19 tổ hợp xét tuyển.
Ngành Khoa học và Công nghệ Thực phẩm và Khoa học và Công nghệ Y khoa tuyển sinh theo 13 tổ hợp, trong khi Dược học, An toàn Thông tin, Công nghệ Thông tin - Truyền thông và Khoa học Dữ liệu đều xét tuyển theo 12 tổ hợp.
Như vậy so với năm trước, số lượng tổ hợp xét tuyển của mỗi ngành ở Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội tăng mạnh.
Năm 2024, với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trường xét tuyển từ 3-4 tổ hợp/ngành.
Ở các phương thức xét tuyển khác, số lượng tổ hợp xét tuyển cho mỗi ngành ít hơn, dao động từ 2 đến 9 tổ hợp/ngành.
Theo quy chế tuyển sinh đại học từ năm 2020 đến 2024, các trường không sử dụng quá 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành, một chương trình đào tạo trừ trường hợp các tổ hợp môn chỉ khác nhau ở môn ngoại ngữ.
Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra hồi tháng 11-2024 không còn quy định khống chế số tổ hợp xét tuyển tối đa cho mỗi ngành.
Đại học công lập dạy bằng tiếng Anh
Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (tên trước đây Trường Đại học Việt Pháp) là trường đại học công lập, được thành lập theo Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp ký ngày 12-11-2009 và quyết định thành lập ngày 9-12-2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Trường đào tạo trình độ đại học chính quy về khoa học và công nghệ theo tiến trình Bologna của châu Âu. Thời gian đào tạo chuẩn trong 3 năm (tương đương 180 tín chỉ), ngôn ngữ giảng dạy 100% bằng tiếng Anh.
Riêng với định hướng kỹ thuật bảo dưỡng B1/B2 (ngành Kỹ thuật Hàng không), thời gian đào tạo là 4 năm, trong đó có 10 tháng học và thực hành tại VAECO - Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng cử nhân.
Thời gian đào tạo ngành dược học là 5 năm và ngôn ngữ giảng dạy 70% bằng tiếng Anh, 30% bằng tiếng Việt.
Đối với những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển nhưng chưa đạt chuẩn tiếng Anh đầu vào của trường, lộ trình học sẽ bao gồm thêm 1 năm đào tạo nâng cao trình độ tiếng Anh (không áp dụng với ngành dược học).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận