Theo đó, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 (HSA) của Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến có 6 đợt, tổ chức từ ngày 23-3 đến ngày 2-6 tại 10 tỉnh thành, gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Thời gian mở cổng đăng ký thi đợt 1 sẽ vào ngày 18-2. Lịch thi có thể thay đổi và thông báo tới thí sinh trước 14 ngày thi.
Mỗi thí sinh được đăng ký dự thi tối đa 2 lượt/năm. Thời gian đăng ký giữa hai ca thi liền kề cách nhau 28 ngày (tính cả ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật). Lệ phí dự thi là 500.000 đồng/lượt thi. Thí sinh sẽ làm bài thi trên máy tính và kết quả thi cũng được máy chấm.
Bài thi đánh giá năng lực có những gì?
Năm 2024, bài thi đánh giá năng lực được xây dựng theo hướng đánh giá các năng lực cốt lõi theo chương trình giáo dục phổ thông.
Bài thi gồm ba phần. Phần 1 (tư duy định lượng) là kiến thức toán học với 50 câu hỏi, thời gian tương ứng là 75 phút. Phần 2 (tư duy định tính) là kiến thức ngữ văn - ngôn ngữ, với 50 câu hỏi, thời gian 60 phút. Phần 3 (khoa học) gồm kiến thức về khoa học tự nhiên, xã hội, với 60 câu hỏi, thời gian 60 phút.
Tổng bài thi có 150 câu hỏi, trong đó có 132 câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn với 1 đáp án đúng duy nhất và 15 câu hỏi điền đáp án lĩnh vực toán học, 3 câu hỏi điền đáp án lĩnh vực vật lý, hóa học, sinh học.
Đề thi HSA năm 2024 ở phần 1 và 2 có 70% kiến thức thuộc chương trình lớp 12, 20% của lớp 11 và 10% của lớp 10. Phần 3 có 70% kiến thức thuộc chương trình lớp 12 và 50% của lớp 11.
Độ khó của các câu hỏi trong đề thi tăng dần từ cấp độ 1 đến cấp độ 3 và được phân định theo tỉ lệ: cấp độ 1: 20%, cấp độ 2: 60%, cấp độ 3: 20%.
Năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức 8 đợt thi đánh giá năng lực với hơn 87.000 lượt thi, trong đó 37% đến từ Hà Nội, kế đến là Nam Định với 7%.
Cũng trong năm 2023 có gần 70 cơ sở đào tạo sử dụng kết quả thi HSA của Đại học Quốc gia Hà Nội trong phương thức xét tuyển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận