Nhóm nghiên cứu tại Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) giới thiệu sản phẩm của mình. Nhiều chuyên gia cho rằng nên tạo môi trường để sinh viên thực hành nghiên cứu nhiều hơn - Ảnh: Tường Hân
TS Ju-Ho Lee - nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục, khoa học và công nghệ Hàn Quốc (2010-2013) - cho biết có nhiều điểm chung giữa học sinh Hàn Quốc và Việt Nam là dù điểm số cao trong các bài thi quốc tế nhưng năng lực đổi mới sáng tạo của học sinh, sinh viên không tương xứng.
Thành tích các cuộc thi: khoan tự hào!
"Các kỳ thi toán, hóa quốc tế luôn gọi tên sinh viên chúng ta nhưng tôi nghĩ khoan vội tự hào" - TS Lee chia sẻ. Ông nói: "Suốt thời gian dài, Hàn Quốc đã đào tạo ra thế hệ học sinh, sinh viên vững vàng kiến thức, kỹ năng, đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hàng loạt, giỏi làm theo bản vẽ, mô hình sẵn có mà hầu như rất khó sáng tạo, thiết kế từ số 0.
Như vậy mãi mãi chỉ đi theo sau người khác. Vì vậy, chính phủ đã thay đổi định hướng từ nền kinh tế thương mại nối tiếp sang nền kinh tế tri thức, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển để tạo ra đột phá công nghệ, thành người tiên phong trong một số lĩnh vực thế mạnh".
Ông Lee cho rằng xu hướng cá nhân hóa lộ trình học cho học viên sẽ nuôi dưỡng khả năng đổi mới sáng tạo, thay vì áp dụng một chuẩn mực giáo dục cho tất cả. Trong đó, mục tiêu "học để thi" trở thành "học để tiếp tục nghiên cứu", học thống nhất theo hệ thống dọc sang học đối chiếu đa hệ thống, kết hợp chuyên gia ở trường và nơi làm việc.
Ông See Chong Chan - giám đốc điều hành First Solar Vietnam - cũng trăn trở: "Các tân kỹ sư thường thiếu kỹ năng hợp tác và sáng tạo, dường như tồn tại văn hóa sợ thất bại ở thế hệ trẻ. Tôi nghĩ trường ĐH nên khuyến khích sinh viên dám thử thách bản thân, trưởng thành từ lỗi sai, phát huy khả năng kỹ thuật".
Giảng viên phải thay đổi vai trò
Ông Brian Epp - giám đốc bộ phận hỗ trợ sinh viên, Pearson Education - đưa ra quan điểm: "Kỹ năng truyền thống của giảng viên rất tiếc phải nói không còn hợp thời. Thông tin có sẵn trong tay người học, lưu trữ trên Internet. Giảng viên không còn độc quyền kiến thức, chắc chắn bản thân họ cảm thấy bất an, cần cập nhật kỹ năng để hướng dẫn sinh viên và thậm chí học tập qua lại với sinh viên".
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - nhấn mạnh: "Hiện nay, giảng viên cần thay đổi vai trò từ chỗ dạy thành hướng dẫn sinh viên sử dụng nguồn kiến thức ở khắp nơi để ứng dụng vào đồ án. Chương trình đào tạo cần được thiết kế lại để gắn liền giải quyết một vấn đề doanh nghiệp đang đối mặt".
PGS.TS Vũ Hữu Đức - phó hiệu trưởng ĐH Mở TP.HCM - cũng cho rằng: "Giá trị bằng cấp có thể thay đổi lúc này lúc khác. Nhưng nhiệm vụ hiện nay của nhà trường cần thiết hơn là trang bị kỹ năng thực chất, phù hợp để sinh viên ra trường có khả năng tự thích ứng với thị trường.
Giảng viên phải nhìn thấy vai trò mới của mình, được khuyến khích trên giá trị mới. Cần có cách đánh giá mới tương ứng cho học viên, giảng viên trường ĐH để phù hợp tình hình sắp tới".
Tạo cơ hội để sinh viên làm dự án
TS Phạm Thái Lai - tổng giám đốc Siemens Limited VN - chia sẻ: "Trí tuệ nhân tạo là điều bắt buộc trong tương lai. Làm thế nào để nhà trường đào tạo sinh viên tận dụng công nghệ này? Kinh nghiệm của chúng tôi là hợp tác với các trường ĐH đủ năng lực, cung cấp trang thiết bị để trường tiếp cận công nghệ mới, ứng dụng phần mềm giảng dạy hiệu quả, tạo cơ hội để sinh viên có môi trường làm dự án cụ thể, thực tập ở phòng nghiên cứu mở của doanh nghiệp, giảng viên thực hiện dự án liên ngành".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận