30/12/2015 12:33 GMT+7

Đại học Mỹ thuật Việt Nam đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh

PHẠM TÔ CHIÊM
PHẠM TÔ CHIÊM

TTO - Sáng nay 30-12, tại Hà Nội, trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam đã kỷ niệm 90 năm thành lập. Nhân dịp này, Chính phủ đã trao tặng trường Huân chương Hồ Chí Minh.

Các cựu sinh viên về thăm trường
Các cựu sinh viên về thăm trường. Ảnh: Phạm Tô Chiêm

Trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập năm 1925. Trường đã được đổi qua nhiều tên gọi Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, Mỹ thuật Việt Nam, Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Mỹ thuật Hà Nội và nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Qua 90 năm hình thành và tiếp nối nhà trường đã đào tạo ra hàng ngàn họa sĩ cho đất nước. Rất nhiều các họa sĩ đã và đang là các trụ cột của nền mỹ thuật Việt Nam. Các cựu sinh viên của trường trong 90 năm qua đã là các giảng viên chủ chốt của các trường mỹ thuật trong cả nước.

PGSTS nhà giáo ưu tú Lê Văn Sửu hiệu trưởng nhà trường đọc phát biểu
PGSTS nhà giáo ưu tú Lê Văn Sửu hiệu trưởng nhà trường đọc phát biểu. Ảnh: Phạm Tô Chiêm
Phòng học khoa điêu khắc
Phòng học khoa điêu khắc tại trường. Ảnh: Phạm Tô Chiêm 
Văn nghệ sinh viên
Văn nghệ sinh viên. Ảnh: Phạm Tô Chiêm 

Vào đầu thế kỉ 20, nhà cầm quyền Pháp đã xây dựng 3 trường dạy mỹ thuật ứng dụng đầu tiên của cả nước tại Miền Nam. Một là Trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một - thành lập năm 1901 tại Bình Dương, hai là Trường Mỹ nghệ Biên Hòa, tên chính thức ban đầu là Trường dạy nghề Biên Hòa được quyết định thành lập năm 1902, đến năm 1913 thì đổi tên là Trường Mỹ nghệ bản xứ Biên Hòa; ba là Trường trang trí Mỹ thuật Gia Định, được thành lập theo sự chuẩn y của Thống đốc Nam Kì, do tỉnh trưởng Gia Định kí ngày 1-9-1913. Cả ba trường này đều ở Nam Bộ, nhiệm vụ chính là đào tạo các thợ thủ công, cải tiến một số ngành nghề thủ công như: đan lát, chạm trổ đồ gốm, đúc đồng, cẩn ốc xà cừ, thực hành trang trí.v.v.

Năm 1925, theo Quyết định của Thống đốc Toàn quyền Đông Dương ký ngày 27-10-1924, Trường Mỹ thuật Đông Dương (L`Ecole des Beaux-Arts de L'Indochine) chính thức thành lập ở Hà Nội, trường là một bộ phận của Viện Đại học Đông Dương. Họa sỹ Victor Tardieu - người có ý tưởng “Đào tạo nghệ sỹ thuần túy Việt Nam”- trở thành vị hiệu trưởng đầu tiên.

Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương có nhiệm vụ đào tạo những sinh viên mỹ thuật để tuyển dụng làm giáo sư giảng dạy hội họa trong các trường thành chung, các trường dạy nghề trang trí. Đây là Trường Cao Đẳng đầu tiên về mỹ thuật ở nước ta.

Trong cuốn “Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, 1925-1990” có viết: “…Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong 20 năm (từ 1925-1945) đã đào tạo được 18 khóa, với tổng số sinh viên là 149 người.Cấp bằng tốt nghiệp được cho 13 khóa, số sinh viên đã được cấp bằng tốt nghiệp là 128 người. Có 5 khóa đang học dở thì Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công. 

Nhà nghiên cứu phê bình Thái Bá Vân khi sinh thời đã viết: "Ta có gì để cảm ơn Trường Mỹ Thuật Đông Dương không?Có. Đó là những bài học kỹ thuật theo tinh thần khoa học mà mọi người văn minh phải biết. Trường Mỹ Thuật Đông Dương truyền thụ cái nhìn theo phép viễn cận khoa học đã được hoàn chỉnh từ thời Phục Hưng nưóc Ý…

…Một bài học khác mà học sinh Trường Mỹ Thuật Đông Dương được giảng dạy, như giải phẫu thân người, nặn tượng, trang trí, lịch sử mỹ thuật ... đều là để phục vụ cho cái nhìn theo mạng lưới viễn cận khoa học này. Mặt khác, lại phải công bằng mà thấy, dù là thứ hội họa cứng cáp như Nguyễn Đỗ Cung, hay điều hòa như Trần Văn Cẩn, trí thức như Tô Ngọc Vân, hay đam mê như Nguyễn Gia Trí, học vấn như Lương Xuân Nhị, hay thật thà quê mùa như Nguyễn Phan Chánh, thì tất cả đều biểu lộ cái ưu điểm của sự đào tạo chính qui ở một nhà trường kiểu mới, lấy đúc kết khoa học của Châu Âu làm bài học.

Kể cả khi Nguyễn Đỗ Cung, Trần Quang Trân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân ... nhìn ra cái khả năng kỳ diệu của sơn mài, hay Nguyễn Đỗ Cung và vài anh em khác nữa theo đuổi không gian bùng nổ của hội họa lập thể, rồi những tài năng xuất sắc ở thế hệ cuối cùng của trường như Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, còn đi xa hơn trong bút pháp và quan niệm, thì ta vẫn nhận ra sự tiếp sức hàng dọc của những danh họa ưu tú trong nền mỹ thuật bác học Âu Châu."

Có thể nói rằng, trường đã đào tạo ra các họa sĩ danh tiếng của Mỹ thuật Việt Nam, và của cả hai miền Nam Bắc trong giai đoạn sau này như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Lê Văn Đệ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Đức Nùng, Hoàng Tích Chù, Nguyễn văn Tỵ, Nguyễn Khang, Nguyễn Trọng Hợp, Sỹ Ngọc, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái,  Nguyễn Văn Anh, Lưu Đình Khải, Lê Thị Lựu, Đan Hoài Ngọc, Đỗ Đình Hiệp, U Văn An, Tôn Thất Đào…và nhiều nữa.

 

PHẠM TÔ CHIÊM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên