20/02/2019 14:51 GMT+7

Đại học đầu tiên đào tạo miễn phí ngành robot, trí tuệ nhân tạo

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Năm 2019, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM lần đầu tiên tuyển sinh ngành học mới về robot và trí tuệ nhân tạo, đào tạo hoàn toàn miễn phí kỹ sư tài năng về lĩnh vực này.

Đại học đầu tiên đào tạo miễn phí ngành robot, trí tuệ nhân tạo - Ảnh 1.

Học sinh tham dự Ngày mở - tư vấn hướng nghiệp – tuyển sinh năm 2019 do Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tổ chức - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Theo PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh - trưởng khoa cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cuộc cách mạng 4.0 cần một lực lượng nhân lực công nghệ chất lượng cao, tuy nhiên ở Việt Nam chưa có trường nào đào tạo ngành học liên ngành như ngành này với sự kết hợp của các lĩnh vực: cơ khí, điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin cũng như các ngành liên quan như: khoa học cơ bản, sinh học, công nghệ nano, chế tạo máy...

Chương trình đào tạo đầu tiên

"Đây là chương trình đầu tiên ở Việt Nam, tập trung đào tạo kỹ sư chuyên ngành sâu về . Với khóa đầu tiên, nhà trường chỉ tuyển 20 chỉ tiêu và miễn 100% học phí", ông Thịnh cho biết.

Theo đó, thí sinh đạt điểm thi THPT quốc gia 2019 từ 24 điểm trở lên có thể nộp đơn xét tuyển vào ngành này. Nhà trường ưu tiên thí sinh các trường THPT chuyên, đạt giải sáng tạo khoa học công nghệ trong và ngoài nước.

Với đội ngũ giảng dạy không chỉ trong trường mà còn là các chuyên gia hàng đầu về robot cũng như trí tuệ nhân tạo trong và ngoài nước, nhà trường đặt mục tiên tạo bước đột phá cũng như xây dựng nền tảng cho sự phát triển ngành robot và trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam trong kỷ nguyên số. Sinh viên ngành này sẽ được học các môn học hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Cũng theo ông Thịnh, chương trình đào tạo 132 tín chỉ, với các môn học gần như khá mới mẻ ở Việt Nam nhằm tiếp cận với thế giới phù hợp với xu thế phát triển về công nghệ như: hệ thống robot công nghiệp, robot di động và xe tự hành, cơ sở dữ liệu lớn, internet vạn vật, robot y sinh, tương tác giữa người và robot, hệ thống thực ảo...

"Với việc học tập gắn kết với doanh nghiệp, học theo dự án sẽ giúp sinh viên tiếp cận với các khái niệm cũng như công nghệ mới nhất trong các viện nghiên cứu, các công ty công nghệ, từ đó có thể phát triển các dự án cá nhân cũng như tạo nền tảng cho công việc tương lai sau này. 

Sinh viên ngành này sẽ học 3 năm tại trường và các doanh nghiệp nhằm hoàn thành các môn học, năm 4 sinh viên sẽ có trọn vẹn 1 năm để đi thực tập ngoài doanh nghiệp và thực hiện đề tài tốt nghiệp", ông Thịnh cho hay.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng nhà trường, cho biết thêm do là ngành học đầu tiên mang tính chất liên ngành được đào tạo tại Việt Nam, các môn học hầu hết là sự tích hợp của nhiều lĩnh vực, không còn tình trạng đơn ngành như các ngành học khác.

Với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp cũng như các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước, nhà trường đã xây dựng được một lực lượng giảng dạy với trình độ chuyên môn cao.

Nhà trường cũng đã đầu tư các phòng thí nghiệm phục vụ ngành này như: tự động hóa sản xuất, sản xuất thông minh, VR studio, nhiều phòng thí nghiệm robot di động, robot công nghiệp, cơ điện tử y sinh, in 3D và công nghệ bồi đắp...

Đã có nhiều doanh nghiệp đặt hàng đào tạo

PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh cho hay, hiện nay nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này rất cao, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao, các công ty sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài, các công ty khởi nghiệp như Bosch, Renesas, Mifis, Intel, Samsung, Jabil, Vinamilk, FPT, Grab, Amazon... Sinh viên ngành này có thể làm việc tại các ngân hàng, đơn vị dịch vụ du lịch, các công ty thương mại điện tử, các công ty logictics, các công ty giải trí, phim ảnh...

Ngoài ra, sinh viên còn có thể làm việc tại các công ty khởi nghiệp hoặc tự khởi nghiệp trong các lĩnh vực liên quan công nghệ mới. Với việc định hướng là các sinh viên học ngành này có thể tự phát triển sự nghiệp của bản thân, chương trình đào tạo tập trung hướng sinh viên tiếp cận với việc xây dựng ý tưởng trên nền tảng công nghệ, từ đó có thể khởi nghiệp khi còn học.

"Dù chưa bắt đầu nhưng đã có khá nhiều doanh nghiệp đặt hàng sinh viên ngành này. Đây là lĩnh vực đang khát nhân lực, sinh viên sẽ được trải nghiệm cũng như có cơ hội học tại doanh nghiệp với việc học theo dự án xuất phát từ doanh nghiệp đặt hàng và đây cũng chính là nền tảng của việc xây dựng chương trình đào tạo này", ông Thịnh nói.

Đào tạo lớp kỹ sư tài năng về robot và trí tuệ nhân tạo

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, với tiêu chuẩn gắt gao từ đầu vào đến đầu ra, trường mong muốn đào tạo lớp kỹ sư tài năng về robot và trí tuệ nhân tạo nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển trong thời đại mới.

"Thực ra đây là một chương trình tài năng cho đất nước, bởi vì robot và trí tuệ nhân tạo trong thời gian hiện tại và tương lai sẽ chiếm lĩnh toàn bộ thị trường lao động trên thế giới, nó thay thế rất nhiều ngành. Đây là bước đi đầu tiên của trường đại học đi theo hướng để đáp ứng được yêu cầu của kỷ nguyên số", ông Dũng nói.

ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM mở

TTO - Năm 2019, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM sẽ mở 'ngành không ngành' và 'ngành xuyên ngành' đào tạo kỹ sư 4.0.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên