Một tiết học thực hành ở phòng studio của Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng - Ảnh: ANH VŨ
Nhiều sinh viên ngành báo chí Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng phản ảnh với Tuổi Trẻ về việc họ đăng ký học thực hành nhưng không được học, trong khi đó trường vẫn thu học phí thực hành theo hệ số 1,2, cao hơn học phí lý thuyết.
Các sinh viên cho biết đã trình bày sự việc này lên khoa nhưng lại nhận được sự giải thích không thỏa đáng.
Một sinh viên kể: "Nhà trường giải thích rằng chưa hẳn những tín chỉ thực hành là học ở phòng thực hành". "Theo tôi, tiết học thực hành chỉ được tính khi học ở phòng thực hành hoặc sử dụng phương tiện thực hành" - sinh viên này nói.
Ông Phan Đức Tuấn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng - cho biết để nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng tăng cường thực hành, thí nghiệm, năm 2010 trường đã có tờ trình đề nghị ĐH Đà Nẵng xem xét cho phép thu các tín chỉ thực hành, thí nghiệm cao hơn các tín chỉ lý thuyết 0,2 lần, và đã được đồng ý.
Cũng theo ông Tuấn, trường cũng đã đầu tư hệ thống phần mềm quản lý đào tạo mới. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý bằng hệ thống phần mềm mới đã phát sinh một số bất cập, cần điều chỉnh.
Cụ thể, đối với tất cả các học phần thực hành, thí nghiệm đều được hệ thống phần mềm đánh mã "TH", và mặc định ở phần quản lý học phí là thu theo hệ số 1,2. Điều đó dẫn đến việc các học phần thực hành báo chí (học ở các phòng studio lẫn thực hành báo viết) đều bị "áp" theo hệ số trên.
Trong khi ở học phần thực hành ngành báo chí, một số học phần cần trang thiết bị thực hành, một số học phần chỉ do giảng viên hướng dẫn thực hành trên lớp. Ngoài ra, "không có tình trạng có học phần thực hành mà giảng viên không dạy" - ông Tuấn khẳng định.
Tiếp thu các ý kiến, bắt đầu từ năm 2017, với các học phần thực hành, học phần nào có sử dụng trang thiết bị, mẫu vật, hóa chất... trường sẽ thu học phí theo hệ số 1,2, các học phần thực hành còn lại vẫn thu như học phần lý thuyết.
Với những trường hợp thu học phí không đúng (do sự cố phần mềm quản lý đào tạo mới), trường chỉ đạo trả lại toàn bộ tiền thu thừa cho sinh viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận