17/06/2018 10:01 GMT+7

Đại học Chicago Mỹ bỏ yêu cầu điểm SAT, ACT

LÊ THANH HẢI (Theo Seattle Times)
LÊ THANH HẢI (Theo Seattle Times)

TTO - Đại học Chicago vừa thông báo sẽ bỏ yêu cầu nộp điểm SAT, ACT trong hồ sơ xin vào trường này.

Đại học Chicago Mỹ bỏ yêu cầu điểm SAT, ACT - Ảnh 1.

Đại học Chicago sẽ không còn xem điểm SAT, ACT là bắt buộc với thí sinh - Ảnh: Chicago Tribune

SAT (Scholastic Assessment Test) là bài kiểm tra dài ba giờ về toán, đọc và viết, còn ACT (American College Testing) là bài thi về toán, đọc, tiếng Anh và khoa học. 

Đây là hai bài thi "phải có" trong tuyển sinh đại học Mỹ. Hầu hết các trường cao đẳng và đại học có chọn lọc cao đều yêu cầu sinh viên phải thi một trong hai bài thi này.

Những năm gần đây, nhiều trường học, bao gồm cả các trường cao đẳng nghệ thuật tự do nổi tiếng, đã bỏ hoặc không xem điểm thi SAT, ACT là bắt buộc để thu hút thí sinh.

Với thông báo mới nhất, Đại học Chicago là trường đầu tiên trong Top 10 đại học nghiên cứu của Mỹ không dùng điểm SAT, ACT để tuyển sinh.

Cùng với sự thay đổi này, Đại học Chicago sẽ miễn học phí cho sinh viên từ các gia đình có thu nhập dưới 125.000 USD một năm. Đối với hầu hết sinh viên đến từ những gia đình có thu nhập hàng năm dưới 60.000 USD, trường sẽ hỗ trợ học phí, ăn ở, và các loại phí khác. 

Ước tính mức chi phí đầy đủ cho một sinh viên không được hỗ trợ tại Đại học Chicago là hơn 70.000 USD trong năm học sắp tới.

Trường đại học này cũng sẽ cấp học bổng mới cho cựu chiến binh quân đội, con em của cựu chiến binh, nhân viên cảnh sát và lính cứu hỏa.

Đại học Chicago chỉ nhận chưa tới 10% trong số các học sinh nộp đơn xin nhập học và đứng thứ ba trong danh sách các trường đại học hàng đầu của Mỹ, sau Princeton và Harvard và đồng hạng với Yale. 

Kể từ năm 1957, trường này yêu cầu các tân sinh viên tiềm năng phải làm một bài kiểm tra nhập học theo chuẩn quốc gia. Trước đó, họ sàng lọc các ứng viên bằng các bài kiểm tra riêng của mình.

Đại học Chicago cũng đang bỏ các cuộc phỏng vấn nhập học trực tiếp - một thủ tục tự chọn khác. Thay vào đó, họ cho phép các ứng viên gửi các video trình bày về một đề tài nào đó dài hai phút.

James Nondorf - giám đốc tuyển sinh và hỗ trợ tài chính của Đại học Chicago, cho biết ông không muốn "một số điểm kiểm tra nhỏ" gây lo lắng cho học sinh, khiến các em không dám ứng tuyển dù đủ tiêu chuẩn để được nhận vào trường đại học này.

Đại học Chicago có tỉ lệ chấp nhận trong quá trình xét tuyển cực kỳ thấp (7%) và điểm thi cao (3/4 số sinh viên năm nhất có điểm thi SAT đạt ít nhất 1.480). Các lãnh đạo của trường nói rằng sự thay đổi chính sách của họ không liên quan gì đến thứ hạng của trường.

Tuy nhiên, chính sách xem SAT, ACT là tự chọn sẽ chỉ áp dụng cho học sinh Mỹ, những học sinh từ nước ngoài (chiếm khoảng 16% số hồ sơ xin nhập học) vẫn phải nộp các điểm thi trên.

Bỏ thi SAT để 'đảm bảo công bằng'

SAT và ACT được đưa ra trong thế kỷ 20 với các mục tiêu lý tưởng là tưởng thưởng thành tích học tập, phá vỡ các rào cản xã hội và cho tất cả học sinh cơ hội để chứng minh rằng các em xứng đáng có mặt ở đại học.

Tuy vậy, các nghiên cứu nhận thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa điểm số và nền tảng kinh tế. Các học sinh có điều kiện - chẳng hạn như có cơ hội tiếp cận rộng rãi với sách vở, bảo tàng, gia sư... có xu hướng đạt điểm cao hơn.

Trong năm 2017, hơn 1,8 triệu học sinh đã thi SAT và khoảng 2 triệu em đã thi ACT. Cả hai bài kiểm tra này đều có phần bài luận tùy chọn. Những học sinh muốn tăng cơ hội vào đại học thường thi cả hai. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều em cho rằng kì thi này nên là tự chọn.

Cuộc tranh luận về việc có nên thi SAT, ACT đã trở nên căng thẳng trong những năm gần đây.

Các trường bỏ SAT, ACT nói rằng họ làm như vậy để đảm bảo công bằng cho các thí sinh. Đại học Bowdoin là trường tiên phong bỏ SAT, ACT vào năm 1969, tiếp theo là Đại học Wake Forest vào năm 2008, Đại học Wesleyan vào năm 2014 và những trường khác.

Theo Trung tâm quốc gia về thi cử công bằng và mở rộng, hơn 175 trường đại học đã xem 2 kì thi trên là tự chọn kể từ năm 2005.

Trường đầu tiên Việt Nam dùng kết quả thi SAT xét tuyển ĐH

TTO - ĐH Quốc gia Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam sử dụng kết quả thi chuẩn hóa SAT của Hoa Kỳ để tuyển sinh ĐH.

LÊ THANH HẢI (Theo Seattle Times)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên