Ông Trầm Bê trở lại phiên tòa sau khi được chăm sóc sức khỏe - Ảnh: NAM TRẦN
Sau phiên thủ tục buổi sáng, chiều nay, lúc 14h00, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và các đồng phạm như Trầm Bê, Phan Huy Khang... tiếp tục trở lại.
Ông Trầm Bê và Phạm Công Danh được chăm sóc sức khỏe
Đến khoảng 14h40, khi Hội đồng xét xử tiếp tục làm thủ tục đối với các người có quyền và nghĩa vụ liên quan thì ông Phạm Công Danh lại có biểu hiện sức khỏe không tốt.
Chủ toạ phiên tòa đã cho phép công an tư pháp đưa Phạm Công Danh ra khỏi phòng xử lần 2 để được chăm sóc sức khỏe.
Trong phiên buổi sáng, Phạm Công Danh cũng đã một lần được chủ tọa cho ra bên ngoài để các bác sĩ săn sóc.
Trong khi đó, ông Trầm Bê vẫn tỏ ra khá tự tin, bình tĩnh trong phiên buổi sáng, tuy nhiên, chiều nay, khi Hội đồng xét xử tiếp tục phần thủ tục thì ông Trầm Bê cũng biểu hiện cho thấy sức khỏe có vấn đề.
Chủ tọa phiên tòa đã đồng ý cho ông "Trầm Bê được đưa ra ngoài để chăm sóc y tế".
Ông Trầm Bê sau đó đã trở lại phòng xét xử, trong khi đó sau phần giải lao, vào lúc 16h00, bị cáo Phạm Công Danh vẫn được phép ngồi trong phòng chăm sóc y tế lắng nghe Hội đồng xét xử cho biết về quyền của mình.
Ông Trầm Bê sau khi được chăm sóc y tế đã trở lại phòng xét xử - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đại gia Trần Bắc Hà vắng mặt tại phiên xử
Chiều 8-1, phiên xét xử đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2 tiếp tục với phần thẩm tra căn cước của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Ông Trần Bắc Hà (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và ông Đoàn Ánh Sáng (phó tổng giám đốc BIDV) được triệu tập đến tòa với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Tại cơ quan điều tra, Phạm Công Danh khai đã đến BIDV hội sở chính tại Hà Nội gặp ông Đoàn Ánh Sáng để đặt vấn đề về việc Danh sẽ giới thiệu cho BIDV một số khách hàng là doanh nghiệp vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng.
Nếu khách hàng không đủ tài sản đảm bảo thì VNCB sẽ dùng tài sản của mình để cầm cố, thế chấp đảm bảo cho các khoản vay. BIDV đồng ý.
Thời điểm này, ông Trần Bắc Hà đồng thời giữ chức vụ trưởng Phân Ban rủi ro tín dụng đầu tư thuộc Ủy Ban quản lý rủi ro ngân hàng BIDV.
Với cương vị của mình, ông Bắc Hà đã ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay 4.700 tỉ đồng.
Bị cáo Phạm Công Danh được dẫn ra xe rời khỏi tòa chiều 8-1 - Ảnh: NAM TRẦN
Ngân hàng Nhà nước đã kết luận BIDV cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay tiền khi chưa có đủ cơ sở để xác định các công ty có khả năng trả nợ trong hạn cam kết; chưa thực hiện đầy đủ điều kiện cho vay đối với khách hàng; không kiểm tra việc sử dụng vốn sau cho vay…
Trong phần kiểm tra căn cước chiều 8-1, cả ông Trần Bắc Hà và ông Đoàn Ánh Sáng đều vắng mặt không lý do, cũng không ủy quyền cho người khác tham gia phiên tòa.
Đại diện viện kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập các ông Trần Bắc Hà, Trần Lục Lang, Đoàn Ánh Sáng (nguyên phó tổng giám đốc BIDV) vì đây là những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, rất quan trọng trong vụ án.
Tòa chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát
Bà Hứa Thị Phấn, người chuyển nhượng ngân hàng cho Phạm Công Danh cũng vắng mặt tại tòa. Bà Phấn hiện ốm nặng và đang được điều trị tại bệnh viện.
Ông Trần Quý Thanh (giám đốc tập đoàn Tân Hiệp Phát) không đến tòa mà ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng.
Hội đồng xét xử cho biết đã triệu tập rất nhiều người làm chứng và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, tuy nhiên đến nay những người này vắng mặt tương đối nhiều.
Chủ tọa phiên tòa cho biết những người này đã có lời khai cụ thể tại cơ quan điều tra, và xét thấy sự vắng mặt của họ không làm ảnh hưởng đến quá trình diễn ra phiên tòa nên Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục làm việc.
Luật sư Trần Minh Hải (bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh) đã kiến nghị HĐXX cho phép được sử dụng những số liệu, con số trong vụ đại án Phạm Công Danh giai đoạn 1, kể cả những con số đã được công bố tại tòa.
HĐXX chấp nhận đề nghị của luật sư Trần Minh Hải, tuy nhiên tòa lưu ý những gì thuộc nội dung vụ án trong giai đoạn 1 và phạm vi truy tố thì các luật sư mới được sử dụng, nếu ngoài phạm vi truy tố sẽ không được sử dụng.
Tòa cũng lưu ý với các tài liệu mật và tuyệt mật mà các luật sư khai thác vi phạm thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đến 16h30, phiên tòa tạm nghỉ. Đến 8h00 sáng mai, 9-1, tòa sẽ tiếp tục với phần công bố cáo trạng của đại diện Viện kiểm sát.
Bị cáo Trầm Bê sau phiên tòa - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đại gia Trầm Bê "nôn nóng" cho Phạm Công Danh vay nghìn tỉ
Bị cáo Trầm Bê tại phiên tòa chiều ngày 8-1-2018 - Ảnh: HỮU KHOA
Ông Trầm Bê bị bắt tạm giam từ ngày 1-8-2017, trong sự ngỡ ngàng của nhiều người bởi trước khi ông Bê bị bắt mấy ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2.
Cơ quan điều tra nhận định ông Trầm Bê có sai phạm nghiêm trọng trong việc ký duyệt cho Phạm Công Danh vay tiền.
Dù Sacombank không bị thiệt hại trong vụ án nên ông Trầm Bê không bị xử lý hình sự, tuy nhiên chỉ ít ngày sau đó, ông bị khởi tố, bắt tạm giam.
Sáng 8-1, bị cáo Trầm Bê trả lời tòa trong thái độ bình tĩnh.
Đến phiên buổi chiều cùng ngày, khi được dẫn giải đến tòa, ông Trầm Bê còn tươi cười vẫy tay chào người quen.
Tại cơ quan điều tra, ông Trầm Bê khai nhận biết Phạm Công Danh (chủ tịch HĐQT ngân hàng Xây dựng - VNCB) không thể vay tiền của chính VNCB nên đã đồng ý cho Danh vay tiền tại Sacombank.
Ông Trầm Bê đã trực tiếp dẫn Phạm Công Danh đi gặp Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank và chỉ đạo ông Khang cho Danh vay 1.800 tỉ đồng.
Về lý do cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỉ đồng, ông Trầm Bê khai: với chức danh là Chủ tịch hội đồng tín dụng Sacombank, ông chỉ được phê duyệt cho vay tối đa 1.800 tỉ đồng.
Nếu cho vay trên số tiền đó sẽ phải trình hội đồng quản trị Sacombank quyết định, rất mất thời gian và không thể cho vay ngay được.
Hơn nữa, ông Trầm Bê thừa nhận biết nếu trình lên HĐQT sẽ có nhiều ý kiến khác nhau vì đây là khoản vay lớn.
Chính vì thế ông đã giao cho Phan Huy Khang tổ chức thực hiện. Việc bàn bạc cho Danh vay chỉ có 3 người là ông Trầm Bê, Phạm Công Danh và Phan Huy Khang biết, ngoài ra không còn ai khác.
Bị cáo Phan Huy Khang được dẫn giải đến tòa ngày 8-12 - Ảnh: HỮU KHOA
Chính vì "nôn nóng" nên ông Trầm Bê đã duyệt cho Phạm Công Danh 1.800 tỉ đồng dù không có tài sản đảm bảo, việc giải ngân được thực hiện trước, khách hàng bổ sung chứng từ sau…
Do các công ty của Phạm Công Danh không trả được nợ vay nên Sacombank đã tự động thu hơn 1.800 tỷ đồng nợ gốc và lãi từ tài khoản tiền gửi của VNCB tại Sacombank. VNCB thiệt hại toàn bộ số tiền trên.
Cáo trạng xác định trong hành vi nêu trên, Phạm Công Danh là chủ mưu và 12 bị can khác trong đó có Trầm Bê là đồng phạm giúp sức cho Danh vay 1.800 tỉ đồng. Hành vi của các bị cáo đã phạm vào tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận