Chiều 14-9, sau khi đại diện viện kiểm sát phát biểu quan điểm luận tội, các luật sư đã trình bày bài bào chữa cho các bị cáo trong đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).
Có bị hình sự hóa?
Bào chữa cho nguyên chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng con số thiệt hại 1.576 tỉ đồng hoàn toàn do tính toán của cơ quan điều tra và VKS.
Bởi tại tòa, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã trả lời: "Không có trách nhiệm giám định hậu quả thiệt hại. Các số liệu này đã được cơ quan điều tra kết luận rồi nên tổ giám định không kết luận".
Theo ông Thiệp, vụ án này "có biểu hiện hình sự hóa quan hệ kinh doanh thương mại" bởi đây là vụ án duy nhất mà các bị cáo bị xét xử về hành vi chi vượt trần lãi suất.
"Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất suy động không vượt quá 14%/năm, nếu vi phạm sẽ bị xử lý hành chính. Không có dẫn chiếu nào nói rằng nếu vi phạm tùy theo mức độ sẽ bị xử lý hình sự"- luật sư Nguyễn Huy Thiệp trình bày.
"Bị cáo Hà Văn Thắm sỡ hữu ít nhất 62,79% cổ phần của OceanBank. Sau khi OceanBank bị mua Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, Thắm đã bị mất toàn bộ số cổ phần này, nay lại còn phải bồi thường hơn 1.000 tỉ đồng. Điều này có phù hợp không?
Đại diện OceanBank (mới) nay đòi 1.500 tỉ đồng thì đòi cho chính họ hay đòi cho cổ đông? Việc lấy tiền của cổ đông để đưa vào túi người mua mới thì liệu có phù hợp" - Luật sư Nguyễn Huy Thiệp nêu vấn đề.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm - người bào chữa cho nguyên tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn - Ảnh: Hữu Khoa
Nguyễn Xuân Sơn có chiếm đoạt tài sản của Nhà nước?
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn luật sư TP. HCM) cho rằng việc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) gửi tiền vào OceanBank là thực hiện thỏa thuận do chính Chủ tịch PVN lúc đó quán triệt đến toàn hệ thống PVN bằng văn bản.
Ở PVN không ai có thể làm trái văn bản thỏa thuận cam kết đó để thực hiện mục đích cá nhân, kể cả Nguyễn Xuân Sơn.
Luật sư Tâm cũng dẫn một số căn cứ để cho rằng Nguyễn Xuân Sơn không phải là người đại diện phần vốn của PVN tại OceanBank; không phải là chủ thể của tội tham ô tài sản, vì vậy không thể lợi dụng cái mà mình không có để chiếm đoạt tiền của PVN.
Số tiền 49 tỉ đồng Nguyễn Xuân Sơn bị quy buộc tham ô có phải thuộc quyền sở hữu hợp pháp của PVN không?
Luật sư Tâm cho rằng số tiền này là thực hiện kinh doanh, chưa phải là lợi nhuận để tính cổ tức cho các cổ đông. Do vậy, không thể nói 20% trong số tiền đó là tiền của PVN, là tiền của Nhà nước để quy kết việc Sơn chiếm đoạt của Nhà nước.
Từ những căn cứ nêu trên, luật sư Nguyễn Minh Tâm đã đề nghị tòa tuyên bị cáo Sơn không phạm tội "tham ô tài sản" và "lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản".
Phiên tòa vẫn đang tiếp tục với phần các luật sư trình bày bài bào chữa.
Kết tội Nguyễn Xuân Sơn, cần chờ kết quả giai đoạn 2?
Liên quan đến số tiền 246 tỉ đồng mà Nguyễn Xuân Sơn đã nhận, luật sư Nguyễn Minh Tâm cho rằng Sơn khai đã đưa cho ông Ninh Văn Quỳnh (nguyên kế toán trưởng PVN).
Số còn lại, Sơn dùng vào việc chi đối ngoại cho PVN theo yêu cầu của Hà Văn Thắm.
Trước đây, ông Ninh Văn Quỳnh chối bỏ việc đã nhận tiền nhưng sau khi bị khởi tố, điều tra, ông Quỳnh thừa nhận đã "nhận từ Sơn khoảng 20 tỉ đồng".
Từ đó, luật sư Nguyễn Minh Tâm cho rằng lời khai chi tiền của Nguyễn Xuân Sơn đã có địa chỉ cụ thể. Còn một số người khác theo lời khai của Sơn nhưng vẫn chưa thừa nhận như Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Liên doanh Việt Nga (Vietsovpetro)…
"Đến nay một số đơn vị đã bị khởi tố về hành vi nhận lãi ngoài. Đến một lúc nào đó họ sẽ thừa nhận sự thật như lời khai của Nguyễn Xuân Sơn thì việc kết tội Sơn bây giờ là làm oan sai cho bị cáo" - luật sư Nguyễn Minh Tâm kiến nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận