25/02/2017 17:46 GMT+7

Đại đồn thất thủ, làng Chí Hòa đau thương xưa giờ ở đâu?

TS HỒ TƯỜNG
TS HỒ TƯỜNG

TTO - 4h sáng 24-2-1861, đại bác trên bộ và trên tàu của liên quân Pháp - Tây Ban Nha cùng nổ, nhắm vô đại đồn Chí Hòa. Chiều tối 25-2, đại đồn thất thủ, Sài Gòn - Gia  Định rơi vô tay người Pháp, đến nay đúng 156 năm.

Bàn thờ nhà giáo Võ Trường Toản trong đình Chí Hòa, ở số 475 đường cách mạng tháng tám, P13, Q10, TPHCM
Bàn thờ nhà giáo Võ Trường Toản trong đình Chí Hòa, ở số 475 đường Cách Mạng Tháng Tám, P.13, Q.10, TP.HCM - Ảnh: HỒ TƯỜNG

Đại đồn Chí Hòa xây dựng hơn một năm, với công sức của mấy vạn người, được 30.000 quân Đại Nam bảo vệ gần hai ngày thì bị triệt hạ.

Từ trước đến giờ, nhiều nhà nghiên cứu đã dựa vào nhiều nguồn tài liệu để xác định vị trí của đại đồn Chí Hòa. Theo nhà văn Sơn Nam, đại đồn nằm trong địa phận làng Chí Hòa và Phú Thọ, dọc theo rạch Nhiêu Lộc, lấy con đường thiên lý đi Tây Ninh (đường Cách Mạng Tháng Tám ngày nay) làm trung tâm để xây dựng chiến lũy.

Còn theo Địa chí văn hóa TP.HCM, trước đại đồn nằm trong thôn Tân Hưng, đến năm 1836 đổi tên thôn là Hòa Hưng, thuộc tổng Bình Chánh Thượng. Năm 1910, thôn Hòa Hưng thuộc tổng Dương Hòa Thượng, tỉnh Gia Định. 

Đại đồn chiều dài 3.000 mét, chiều ngang 1.000 mét. Do đại đồn xây ở làng Chí Hòa nên được gọi đại đồn Chí Hòa.

Đại đồn Chí Hòa (màu cam - khu vực chỉ huy nằm gần Bà Quẹo - phía bắc đại đồn) và hệ thống đồn lũy xung quanh (đỏ). Giữa các đồn phía nam có thêm hai lũy dọc và ngang mà bản đồ ghi là phòng tuyến mới (nouvelle ligne). Bản đồ này vẽ thiếu đồn Tây Thới giữa đồn Thuận Kiều và Rạch Tra. Các điểm màu vàng là "phòng tuyến chùa" của liên quân Pháp - Tây Ban Nha. Màu hồng là thành Gia Định thất thủ năm 1859 - Bản đồ hành quân của  Léopold Pallu - Đồ họa: Trị Thiên
Vị trí đại đồn Chí Hòa trên bản đồ Sài Gòn và vùng phụ cận 1892. Lúc này con rạch tự nhiên cắt ngang đường Cách Mạng Tháng Tám hiện nay; tạo nên góc lõm của đại đồn vẫn còn. Bên hông đại đồn là Đầm Sen. Khi tấn công đại đồn, liên quân Pháp - Tây Ban Nha phải đánh vòng qua đây  - Ảnh tư liệu - Đồ họa Trị Thiên
Vị trí đại đồn Chí Hòa trên bản đồ hiện nay. Chắc chắn làng Chí Hòa rộng hơn và bao trùm đại đồn  - Đồ họa: Trị Thiên
5 dấu chỉ của làng Chí Hòa xưa còn tồn tại trên bản đồ TP.HCM ngày nay: 1.Đình thần Chí Hòa, 2.Trại tạm giam Chí Hòa, 3.Công viên Lê Thị Riệng, 4.Nhà thờ Chí Hòa, 5.Đền Ông Súng - Đồ họa: T.Thiên
5 địa điểm còn tên Chí Hòa của làng Chí Hòa xưa trên bản đồ TP.HCM ngày nay: 1.Đình thần Chí Hòa, 2.Trại tạm giam Chí Hòa, 3.Công viên Lê Thị Riêng, 4.Nhà thờ Chí Hòa, 5.Đền Ông Súng - Đồ họa: T.Thiên

Vấn đề là làng Chí Hòa xưa đến nay nằm ở vị trí nào của TP.HCM?

Đình ở đâu, làng ở đó! 

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đưa ra một vài dấu tích của làng Chí Hòa xưa còn tồn tại đến tận ngày hôm nay để có thể tạm hình dung được đại đồn Chí Hòa xưa rộng lớn như thế nào.

Trước hết, theo thông lệ từ thời Hậu Lê, triều đình quy định mỗi làng phải dựng một ngôi đình để thờ phụng Thần Thành Hoàng có chức năng phù hộ cho tất cả thành viên trong làng. Do đó, có thể nói một cách chắc chắn rằng: đình ở đâu thì làng ở đó!

Ngày nay, tại số 475 đường Cách Mạng Tháng Tám, P.13, Q. 10 là nơi tọa lạc của ngôi đình mang tên Chí Hòa. Như vậy, có thể kết luận rằng vùng đất bao quanh đình Chí Hòa ngày nay chính là làng Chí Hòa xưa.

Một chi tiết lý thú thứ hai là trong đình Chí Hòa hiện nay có bàn thờ Võ Trường Toản. Đây là một nhà Nho nổi tiếng của đất Gia Định xưa, từng đào tạo nên nhiều học trò giỏi văn thơ từ đầu đến giữa thế kỷ 19, trong đó có ba người từng được mệnh danh là “Gia Định tam gia”: Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhân Tịnh.

Công viên văn hóa Lê Thị Riêng tọa lạc tại số 875 đường Cách mạng tháng 8, P15, Q10, TPHCM
Công viên văn hóa Lê Thị Riêng tọa lạc tại số 875 đường Cách Mạng Tháng Tám, P.15, Q.10, TP.HCM  - Ảnh: HỒ TƯỜNG

Nguyên do của việc thờ phụng Võ Trường Toản được các vị bô lão ở đình Chí Hòa xưa nay truyền nhau rằng: Thầy giáo Võ Trường Toản đã mở trường dạy học trò ngay đình Chí Hòa thuở xưa.

Võ Trường Toản mất năm 1792, nhưng đến năm 1859, khi Pháp chiếm Gia Định, các thế hệ học trò của ông đã hốt cốt đưa về chôn ở Bến Tre, không để bậc thầy đáng kính như ông phải nằm trên vùng đất bị giặc xâm lăng chiếm đóng!

Làng Chí Hòa bao trùm đại đồn Chí Hòa, diện tích rất rộng

Một dấu tích thứ hai là trại giam Chí Hòa do Pháp xây năm 1943, tọa lạc tại số 324 đường Hòa Hưng, P. 13, Q. 10, TP.HCM. Trại có hình bát giác với 8 cạnh đều nhau, gồm 3 tầng lầu, trải rộng diện tích 7ha. 

Một dấu tích thứ ba cũng mang tên Chí Hòa, nằm cách đình Chí Hòa khoảng 1km là Công viên văn hóa Lê Thị Riêng, số 875 đường Cách Mạng Tháng Tám, P. 15, Q. 10. Công viên này xây dựng ngay trên nghĩa địa Chí Hòa (hay còn gọi nghĩa địa Đô Thành - nghĩa địa này đã được giải tỏa giữa thập niên 1980).

Nghĩa địa Chí Hòa rộng 25 ha, cổng chính hướng ra đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám, thuộc Q.10). Cổng chính hồi đó có một bức tượng Địa tạng vương màu đen khá nổi tiếng, cao 5 - 6 mét.

Đình Chí Hòa ở số 475 đường Cách mạng tháng 8, P13, Q10, TPHCM
Đình Chí Hòa ở số 475 đường Cách Mạng Tháng Tám, P.13, Q.10, TP.HCM  - Ảnh: HỒ TƯỜNG

Nghĩa địa Chí Hòa vốn là nghĩa trang của đa số người bình dân đất Sài Gòn - Gia Định. Theo các cao niên cư trú tại đây nhiều năm, xưa kia nghĩa địa Chí Hòa vốn là vùng đất linh thiêng bậc nhất. Đặc biệt là qua các thời kỳ chiến tranh, nhiều nấm mồ không tên mọc lên tại đây, mà đa số là của lính chết trận không người thân nhận xác.

Dấu tích thứ tư chính là Nhà thờ giáo xứ Chí Hòa, số 149 đường Bành Văn Trân, P.7, Q. Tân Bình, cách đình Chí Hòa khoảng 3km, gần như tương ứng với chiều sâu của đại đồn Chí Hòa xưa. Giáo xứ Chí Hòa thành lập năm 1890 với tên là Thạnh Hòa, đến năm 1910 mới đổi thành Chí Hòa cho tới ngày nay.

Dấu tích thứ năm cách đình Chí Hòa về phía Thị Nghè, khoảng 2km đường chim bay. Đó là đình Ông Súng, tọa lạc tại số 394A đường Lê Văn Sỹ, thuộc P.14, Q.3. Đây là một ngôi đình khá đặc biệt ở tên gọi, bởi vì không phải đình thờ Ông Súng là Thần Thành Hoàng mà có tên gọi như vậy.

Đình được xây dựng từ thế kỷ thứ 19. Căn cứ vào chất liệu, hoa văn của chiếc khánh thờ và cặp liễu đối có niên đại khoảng thế kỷ 19, cũng như nội dung bài vị có tại đình thì đình Ông Súng vốn thờ phụng viên chánh lãnh binh Lê Đường Cung - người từng chiến đấu và hi sinh rất hiển hách tại làng Chí Hòa ngày xưa, khi đại đồn Chí Hòa bị Pháp tấn công năm 1861.

Nhân dân cùng thân tộc của viên chánh lãnh binh này đã lập miếu thờ ông ngay trên vùng đất mà ông đã hi sinh và đặt tên là miếu Chí Bửu để qua mắt thực dân Pháp cùng tay sai. Khẩu súng đại bác đã từng vào trận với ông cũng được đưa vào trong miếu và lâu ngày trở thành một vật thiêng.

Ngôi miếu dần trở thành thân quen với nhân dân trong vùng và được nhiều người đến lễ bái, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng. Sau nhờ có nhiều bá tánh ủng hộ, quyên góp nên ngôi miếu được xây dựng thành một ngôi đình và dân trong vùng gọi là đình Ông Súng.

Tóm lại, làng Chí Hòa xưa, nơi đã từng xây dựng đại đồn Chí Hòa, có thể có chiều ngang rộng hơn khoảng cách từ đình Chí Hòa (P. 13, Q. 10) đến đình Ông Súng (P. 14, Q. 3). Còn chiều dài của làng trải dài từ đình Chí Hòa đến khoảng nhà thờ Chí Hòa (P. 7, Q. Tân Bình) ngày nay.

Khẩu súng thần công đặt trước đình Ông Súng ở số 394A đường Lê Văn Sỹ, P14, Q3, TPHCM
Khẩu súng thần công đặt trước đình Ông Súng ở số 394A đường Lê Văn Sỹ, P.14, Q.3, TP.HCM  - Ảnh: HỒ TƯỜNG
Lối vào đình Ông Súng nằm ở số 394A đường Lê Văn Sỹ, P14, Q3, TPHCM
Lối vào đình Ông Súng 
Nhà thờ Chí Hòa tọa lạc tại số 149 đường Bành Văn Trân, P7, Tân Bình, TPHCM
Nhà thờ Chí Hòa tọa lạc tại số 149 đường Bành Văn Trân, P.7, Q.Tân Bình, TP.HCM  - Ảnh: HỒ TƯỜNG
TS HỒ TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên