09/01/2018 10:04 GMT+7

Đại diện liên Triều gặp nhau, tay bắt mặt mừng

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Rất hiếm để bắt gặp hình ảnh một người đi từ Triều Tiên, vượt qua biên giới và tiến vào Hàn Quốc trong sự đón chào nồng ấm. Nhưng hôm nay (9-1), điều đó đã xảy ra, ngay tại một trong những nơi ngột ngạt vì súng ống nhất thế giới.

Đại diện liên Triều gặp nhau, tay bắt mặt mừng - Ảnh 1.

Trưởng đoàn Triều Tiên Ri Son Gwon (trái) và người đồng cấp Hàn Quốc Cho Myoung Gyon - Ảnh: REUTERS

Dù chưa biết kết quả cuộc gặp ra sao, hình ảnh đoàn đại biểu Triều Tiên đi bộ sang lằn ranh biên giới Hàn Quốc tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm hôm nay thực sự có ý nghĩa sau một năm căng thẳng cực độ.

"Chúng tôi đến đây, với hi vọng rằng hai miền Triều Tiên sẽ đối thoại với tinh thần chân thành, có thể đem lại nhiều kết quả có ý nghĩa, đúng với những kỳ vọng của nhân dân, những người đã đặt niềm tin vào cuộc gặp hôm nay", Trưởng đoàn Triều Tiên Ri Son Gwon nhấn mạnh trước các phóng viên bên ngoài Nhà hòa bình - nơi diễn ra cuộc gặp.

Ông Ri - Chủ tịch Ủy ban thống nhất Hòa bình Triều Tiên (CPRK), sau đó đã gặp người đồng cấp Hàn Quốc, Bộ trưởng thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung Gyon. Chính quyền của Tổng thống Moon Jae In đang cho thấy sự lạc quan vào kết quả hôm nay.

"Hàn Quốc tin rằng cuộc đối thoại ngày hôm nay sẽ chỉ là bước đầu tiên trong một nửa hành trình", bộ trưởng Cho cũng phát biểu tràn trề hi vọng. 

Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 8-1, Bộ trưởng thống nhất Hàn Quốc tiết lộ "sẽ tìm cách đề cập vấn đề các gia đình ly tán sau chiến tranh giữa hai miền và các cách để giảm bớt căng thẳng quân sự".

Cuộc hội đàm cấp cao này có thể được coi là thành công nếu phía Bình Nhưỡng đồng ý tham gia Thế vận hội và hai bên có thể ấn định thời gian cho cuộc gặp tiếp theo cũng như xác định lập trường liên quan đến các vấn đề cùng quan tâm”

Giáo sư Yang Moo Jin thuộc Đại học nghiên cứu về Triều Tiên

Cành ô liu hay kế ly gián?

TTO - Liên minh bảy thập kỷ giữa Mỹ và Hàn Quốc sắp sửa đứng trước thách thức lớn, khi CHDCND Triều Tiên chìa “cành ô liu” với Hàn Quốc.

Đây là cuộc đối thoại cấp cao liên Triều đầu tiên kể từ năm 2015 sau khi Triều Tiên cắt đứt liên lạc với Hàn Quốc. Đường dây nóng đã được nối lại ngày 3-1, hai ngày sau khi ông Kim Jong Un để ngỏ khả năng đối thoại và nhận được đề xuất của Hàn Quốc.

So với lần đề xuất đối thoại trước đó từ Hàn Quốc hồi tháng 7-2017, lần này mọi thứ có vẻ suôn sẻ. Seoul khi đó đã đề nghị đối thoại với Bình Nhưỡng nhằm giảm căng thẳng quân sự hai miền song đáp lại chỉ là sự im lặng.

Nhưng cuộc gặp ngày hôm nay được kỳ vọng sẽ giải quyết nhiều vấn đề, chủ yếu là chuyện Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa đông PyeongChang tại Hàn Quốc vào tháng 2 tới.

Nếu Bình Nhưỡng đồng ý cử vận động viên tham dự Thế vận hội, hai nước sẽ phải giải quyết nhiều gút mắc như đoàn Triều Tiên sẽ đi bằng phương tiện gì; liệu hai nước có thể đứng chung một lá cờ thống nhất trong lễ khai mạc và bế mạc; Triều Tiên có được đem theo đội cổ vũ của riêng mình?

Theo hãng thông tấn Yonhap, những vấn đề liên quan sẽ được đặt ra trong cuộc gặp hôm nay. Giải pháp sẽ có sau khi được tham vấn lãnh đạo hai nước.

"Cuộc đối thoại cấp cao ngày hôm nay sẽ thành công nếu Bình Nhưỡng đồng ý tham dự Thế vận hội và hai bên đạt được nhất trí về thời gian diễn ra cuộc gặp tiếp theo, cũng như giúp hai miền hiểu rõ hơn về quan điểm trong các vấn đề cùng quan tâm", giáo sư Yang Moo Jin nhận định với Yonhap.

Đại diện liên Triều gặp nhau, tay bắt mặt mừng - Ảnh 4.

Không dễ để bắt gặp hình ảnh này: Đoàn người Triều Tiên đi bộ công khai băng qua biên giới liên Triều tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm - Ảnh: REUTERS

Đại diện liên Triều gặp nhau, tay bắt mặt mừng - Ảnh 5.

Bên kia biên giới, đoàn 5 người của Hàn Quốc đã sẵn sàng cho cuộc đối thoại quan trọng giữa hai quốc gia vẫn còn đang trong tình trạng chiến tranh và luôn bị phủ bóng căng thẳng - Ảnh: REUTERS

Đại diện liên Triều gặp nhau, tay bắt mặt mừng - Ảnh 6.

Tay bắt mặt mừng khi gặp mặt - Ảnh: REUTERS

Đại diện liên Triều gặp nhau, tay bắt mặt mừng - Ảnh 7.

Những cú bắt tay ngày hôm nay được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt bán đảo Triều Tiên dù vẫn còn những hoài nghi không nhỏ về động thái của Bình Nhưỡng - Ảnh: REUTERS

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên