TTCT - Có một trận “dịch” khác đang diễn ra song song với đại dịch Covid-19: dịch rụng tóc. Ban đầu có thể chỉ là hơi băn khoăn, nhưng khi mà những mớ tóc cứ rụng mãi, rụng mãi, nhiều người đã trở nên lo lắng, thậm chí hoang mang… Chuyện gì đang xảy ra và chúng ta nên làm gì để tóc mọc lại? Ảnh: cystic-fibrosis.comSự lo lắng bắt đầu khi số lượng tóc vướng trên lược chải đầu hay trên nắp phễu thoát nước nhà tắm bỗng nhiên nhiều hơn bình thường và cứ tiếp diễn vài tuần rồi vài tháng.Từ truy vấn Google đến tham khảo diễn đànVà trong kỷ nguyên Internet này, khi có một thắc mắc gì đó, việc người ta thường làm - có khi còn trước cả việc tìm đến ai đó có hiểu biết chuyên sâu để tham vấn - là lên Google, nhập vào ô tìm kiếm từ khóa “rụng tóc” hay “tóc rụng” rồi chìm ngập trong hàng tỉ kết quả. Sự quan tâm của thế gian đối với việc rụng tóc đã tăng lên đáng kể trong hai năm vừa qua và sự tìm kiếm trên Google với từ khóa “rụng tóc” và “hair loss” cũng tăng. Dữ liệu Google Trend cho thấy chỉ số IOT (Interest over Time - mức độ quan tâm theo thời gian) của từ “rụng tóc” luôn trên mức 75/100 từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 11 năm ngoái và từng chạm mức 96/100 vào giữa tháng 8-2021 và mức 100/100 vào cuối tháng 8 đầu tháng 9-2021, trong khi trước đó mối quan tâm của từ khóa tìm kiếm này thường chỉ quanh mức 50 - 70/100.Đó là dữ liệu ghi nhận với tìm kiếm bằng tiếng Việt từ Việt Nam, còn với từ khóa “hair loss” trên phạm vi toàn cầu thì chỉ số này luôn trên mức 75/100 kể từ giữa tháng 4-2020 cho đến nay, rồi tăng lên trên mức 90/100 trong thời gian từ 21-7 đến 3-10-2020 và trong suốt tháng 1-2021, trong khi trước đại dịch chỉ số này thường dao động trong khoảng 60 - 70/100. Riêng ở Mỹ, chỉ số IOT của từ khóa “hair loss” hầu như luôn trên mức 75/100 từ giữa tháng 6-2020 cho đến nay, với một lần duy nhất giảm xuống còn 66/100 vào tuần đầu tiên của tháng 11-2020. Tuần đó, hẳn người Mỹ đã quan tâm đến bầu cử tổng thống (3-11-2020) hơn là rụng tóc.Tìm kiếm các bài viết về rụng tóc trên Google rồi lại tìm kiếm những lời khuyên từ các diễn đàn trực tuyến về sức khỏe. Và đó là lý do mà diễn đàn uy tín về rụng tóc của mạng hỏi đáp Reddit là FemaleHairLoss đã tăng trưởng thành viên đáng kể trong đại dịch. Được Tala (xin giấu họ), 39 tuổi, một người bị rụng tóc mãn tính, mở vào tháng 4-2018, diễn đàn này loại trừ tất cả những ai vào quảng cáo sản phẩm và dịch vụ liên quan đến rụng tóc, để đảm bảo rằng các thành viên trong diễn đàn là những người đang có vấn đề về tóc hay quan tâm đến việc điều trị rụng tóc, hay thực sự biết cách để cải thiện việc rụng tóc. Ban đầu chỉ có vài ngàn thành viên, nhưng trong hai năm qua FemaleHairLoss đã tăng từ 3.000 người lên đến 18.400 người ngày ngày vào trưng ảnh tóc mình ra và hỏi cộng đồng rằng phải làm sao để tóc bớt rụng, hay là thuốc Minoxidil có hiệu quả hay không.Đi tìm những giải đáp khoa họcAmanda Mull, cây bút chuyên viết về sức khỏe của tạp chí The Atlantic, cũng đã lục lọi trên Google rồi tìm đến diễn đàn FemaleHairLoss, sau khi thấy tóc rụng nhiều hơn bình thường từ mùa hè năm 2020. Vài lần dùng thử một số sản phẩm chống rụng mà chẳng ích gì, rồi nhận ra rằng có quá nhiều người cũng bỗng nhiên bị rụng tóc như mình, cô cất công đi tìm hiểu nguyên nhân. Chỉ đến khi tham vấn các bác sĩ và các tài liệu khoa học, Mull mới biết vì sao tóc cô bị rụng: “Rụng tóc có thể tạm thời mà cũng có thể lâu dài, và có nhiều nguyên nhân, từ yếu tố di truyền, đến yếu tố bệnh tật, như là bệnh mãn tính, suy dinh dưỡng, và thậm chí chỉ là vì… cột tóc đuôi ngựa quá chặt hằng ngày! Nhưng dạng rụng tóc đang phổ biến trong đại dịch hiện nay là telogen effluvium, thường được gọi là TE, một dạng rụng tóc rất đột ngột và kịch tính có nguyên nhân từ các tổn thương và sang chấn”.Trong một bài viết về tình trạng nhiều người rụng tóc trong đại dịch, tạp chí Cosmopolitan dẫn lời giải thích rõ ràng hơn của bác sĩ chuyên khoa tóc Kendra Timmons ở Arlington, Texas, về bốn giai đoạn phát triển của tóc. “Có giai đoạn phát triển, giai đoạn chuyển đổi, giai đoạn ngưng dài, và giai đoạn sợi tóc bạn tự nhiên rời khỏi chân tóc. Khi bạn bị rụng tóc do stress, tóc của bạn bị đẩy sớm đến giai đoạn ngưng dài, bạn có thể mất từ 50 - 70% tóc thay vì 10% như bình thường”, bác sĩ Timmons nói. Chính mức cortisol cao khi cơ thể bị stress cực độ dẫn đến mất cân bằng hormone, và cuối cùng đẩy tóc từ giai đoạn phát triển và thẳng đến giai đoạn ngưng dài. Telogen chính là một từ khác để chỉ giai đoạn ngưng nghỉ này. 4 giai đoạn phát triển của tócTE không có liên quan đặc biệt nào với COVID-19, bất cứ bệnh nào gây sốt cao, trong đó có cúm mùa, cũng có thể gây ra rụng tóc dạng TE. Tuy nhiên, theo bác sĩ da liễu và dịch tễ học Esther Freeman của Trường Y khoa Harvard, cũng là điều tra viên chính của Cơ quan ghi nhận bệnh da liễu vì COVID-19, nhiều ca rụng tóc dạng TE là do nhiễm COVID-19. Dễ hiểu là bệnh gây ra các tổn thương và làm suy kiệt cơ thể, làm bệnh nhân bị stress, rồi kích hoạt giai đoạn telogen trên tóc. Các nhà nghiên cứu chưa biết chính xác rụng tóc phổ biến đến mức nào ở bệnh nhân COVID-19, nhưng một báo cáo đăng trên tuần san y khoa The Lancet tháng 2-2021 cho thấy 22% bệnh nhân nhập viện ở Vũ Hán (Trung Quốc) đã bị rụng tóc nhiều tháng sau đó.Nhưng với những người không nhiễm COVID-19 mà vẫn rụng tóc trong đại dịch như Amanda Mull thì nguyên nhân là do đâu? Cây bút này đã tự tìm được câu trả lời và trình bày trong bài viết The year America’s hair fell out (Năm mà tóc của người Mỹ rụng đầy) đăng trên tạp chí The Atlantic: “Hàng triệu người Mỹ khác đã phải chịu đựng những cơn stress cảm xúc đến mức suy sụp dù không hề nhiễm bệnh: nhìn người thân qua đời, mất việc làm, lao động trong các điều kiện nguy hiểm tính mạng, chịu đựng mũi dùi của các cuộc tranh cãi chính trị gay gắt. Những cảm xúc này có thể gây ra những biểu hiện không mong muốn trên cơ thể và những sang chấn này chính xác là thứ đã khiến người ta rụng tóc”…Làm gì để tóc mọc lại?Có thể thấy rụng tóc đang được bàn tán khắp nơi trên mạng xã hội. Trong một nhóm Facebook có gần 30.000 thành viên, một thành viên mới rón rén hỏi cách chống rụng tóc thì lập tức các thành viên khác sẽ ào lên giới thiệu đủ thứ sản phẩm từ vitamin đến tinh dầu. Phổ biến là những gợi ý bổ sung biotin liều cao, thứ chưa bao giờ có liên quan đến việc mọc tóc ở người khỏe mạnh mà chỉ giúp cải thiện tóc ở những người mắc chứng hấp thu biotin kém. Có cả những gợi ý bổ sung sắt, cho dù việc bổ sung chất này nếu dư thừa sẽ rất nguy hiểm, lâu dài thì có thể tích tụ gây ung thư, cấp tính thì gây ngộ độc, thậm chí tử vong. Trong khi đó, các gợi ý dùng thuốc Minoxidil thì lại khiến mọi người trong diễn đàn tranh cãi, cho dù đó là cách điều trị hữu hiệu duy nhất hiện nay đối với chứng rụng tóc di truyền đã được nghiên cứu từ nhiều thập niên qua. Người ta đồn nhau rằng Minoxidil có tác dụng phụ, nhưng chẳng thể nói rõ đó là gì, trong khi khó chịu phổ biến nhất của minoxidil chỉ là gây ngứa da đầu do tóc được kích thích mọc lên!Theo bác sĩ Maryanne Makredes Senna, đồng quản lý phòng khám trị rụng tóc của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, các viên bổ sung vi chất hằng ngày có thể có ích, nhưng chỉ cho những bệnh nhân bị rụng tóc do thiếu đúng loại dưỡng chất đó mà thôi, nếu bạn không bị thiếu chất đó thì thêm không phải là tốt mà chắc chắn là sẽ tệ hại hơn. Điều trớ trêu là việc rụng tóc TE nhìn chung chỉ bắt đầu 2 - 4 tháng sau khi tác nhân gây stress - thứ kích hoạt rụng tóc - xuất hiện. Lúc đó thì người ta không còn nghĩ về trận cúm hay các căng thẳng và sang chấn mà họ đã gặp vài tháng trước, nên cứ nghĩ bị rụng tóc do một loại thuốc hay một loại dầu gội mới. Tóc sẽ rụng hàng tháng trời trước khi giảm rụng dần dần rồi mọc trở lại và phải mất nhiều tháng tóc mới có thể đủ dày để nhận ra bằng mắt thường. Lúc đó, có lẽ cả một năm đã trôi qua từ khi đợt rụng tóc đầu tiên xảy đến và người ta nghĩ rằng hiệu quả kia là do một sản phẩm nào đó mình vừa dùng tuần trước, tháng trước!Các sản phẩm phi dược phẩm luôn bị các bác sĩ xem là chẳng có tác dụng nuôi tóc và kích thích nang tóc gì đâu. Vậy nên, nếu trong đại dịch này mà bạn bị rụng tóc quá nhiều, xin hãy bình tĩnh đọc những dòng thông tin cuối cùng này: Rụng tóc dạng TE được mô tả lần đầu tiên vào những năm 1960 và nó lâu nay là một tác dụng phụ có thể dự đoán được sau những việc như phẫu thuật, thay đổi thuốc, ăn kiêng hà khắc, sinh nở, phá sản, tan vỡ tình cảm... Với hầu hết những người không có vấn đề rụng tóc mãn tính thì rụng tóc dạng TE cuối cùng cũng hết và tóc cuối cùng cũng sẽ mọc lại như trước một cách tự nhiên. “Với rụng tóc dạng TE, thực sự bạn chẳng có thể làm được gì nhiều để cải thiện. Bạn có thể tập thể dục, ăn nhiều rau xanh, nhưng đó thực sự là một trò chơi đợi chờ. Bạn phải giảm mức độ stress xuống để thấy được kết quả nào đó”, bác sĩ Timmons khuyên.■ Tags: StressĐại dịchCăng thẳngCovidRụng tóc
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.