Niềm vui của 102 công dân tại Trường quân sự Bộ tư lệnh Thủ đô được về với gia đình sau 14 ngày cách ly tập trung - Ảnh: THÀNH NAM
Những tình huống né tránh cách ly tréo ngoe đã xảy ra trong những ngày qua buộc các cơ quan chức năng phải xem xét áp dụng các hình thức chế tài để bảo đảm có thể kiểm soát được dịch COVID-19.
Mức phạt 5-10 triệu đồng
Theo ông Nguyễn Huy Quang, vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), nghị định 176 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế ban hành năm 2013 quy định các trường hợp né tránh cách ly, làm lây lan bệnh dịch gây bức xúc cho xã hội, ảnh hưởng đến người dân phải bị xử lý phạt tiền 5-10 triệu đồng và cưỡng chế cách ly theo quy định.
"Đã có nhiều vụ né cách ly gây bức xúc thời gian qua: trường hợp cô gái ở Bình Dương về né cách ly rồi livestream trên mạng xã hội; bệnh nhân thứ 17 né cách ly, không khai báo rõ hành trình và tình trạng sức khỏe, làm lây bệnh ra hai người khác và làm cả phố bị phong tỏa; trường hợp lãnh đạo một công ty điện gió ở Quảng Trị cho nhân viên đi cách ly thay... cho thấy ý thức và trách nhiệm của họ rất kém. Nhưng tới nay chưa có ai bị xử phạt" - ông Quang nói.
Theo ông Quang, cơ chế pháp lý của việc xử phạt đã quy định rõ trong nghị định 176 và mục đích của việc xử phạt nhằm nâng cao nhận thức xã hội và bảo vệ sự an toàn của người dân trước dịch bệnh.
"Từ đầu dịch COVID-19 đến nay có 350 người bị phạt do đưa tin sai trên mạng xã hội. Hành vi đưa tin sai bị phạt là xác đáng vì gây hoang mang, rối loạn xã hội, nhưng hành vi né cách ly thì chưa có ai bị phạt ngoài biện pháp cưỡng chế cách ly. Cần phải xử phạt theo quy định để răn đe" - ông Quang đề nghị.
Những người nghi nhiễm được chuyển phòng tại khu cách ly tập trung ở Củ Chi (TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Một ngày thêm 5 bệnh nhân mới
Có đến 5 bệnh nhân được ghi nhận ngày 11-3, đáng chú ý cả 5 người này đều lây nhiễm thứ phát từ nguồn xâm nhập từ nước ngoài. Trong đó, bệnh nhân thứ 35 là nhân viên bán hàng tại siêu thị Điện máy Xanh.
3 bệnh nhân 36, 37, 38 cũng đều là lây nhiễm thứ phát, bao gồm người giúp việc 64 tuổi, nữ nhân viên 37 tuổi và con dâu 28 tuổi của bệnh nhân thứ 34. Cả 3 người này hiện đều có sốt và đang được cách ly, điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận. Bệnh nhân thứ 39 là hướng dẫn viên du lịch 25 tuổi, cũng đã tiếp xúc với những người Anh nhiễm COVID-19 từ chuyến bay VN0054.
Có một điều đáng lo lắng ở 5 người nhiễm COVID-19 được ghi nhận ngày 11-3 là cả 5 trường hợp đều là lây thứ phát, đặc biệt ca bệnh thứ 35 và 39 có hành trình khá phức tạp từ khi tiếp xúc với nguồn bệnh, số lượng người phải cách ly sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, do nguồn lây vẫn khu trú từ chuyến bay VN0054 và trường hợp bệnh nhân nữ ở Bình Thuận, chưa mở rộng lây nhiễm ở nhóm F2 là nhóm có tiếp xúc với người tiếp xúc với bệnh nhân.
Tính đến nay, VN đã ghi nhận 39 bệnh nhân, 23 người đang điều trị, 16 người đã ra viện từ ngày 26-2 trở về trước. Từ chuyến máy bay VN0054 và nữ bệnh nhân Bình Thuận cho thấy tốc độ lây lan rất nhanh nếu không có cách ly kịp thời (trong khi bệnh nhân thứ 18 từ Hàn Quốc về VN ngày 4-3 và được cách ly ngay đã không làm lây nhiễm bất kỳ trường hợp nào).
Vì thế, mấu chốt của phòng bệnh giai đoạn này là không quá lo lắng, nên tìm hiểu kỹ cơ chế lây lan của bệnh và tuân thủ các biện pháp phòng chống của Bộ Y tế. Nếu cách ly được nguồn bệnh F0 và F1 (người bệnh và người tiếp xúc) từ chuyến máy bay VN0054 và trường hợp ở Bình Thuận, nguy cơ lây nhiễm có thể sẽ giảm.
Hà Nội: ứng xử chuẩn mực với người cách ly
Ngày 11-3, hơn 240 công dân trở về từ vùng dịch Hàn Quốc được cách ly tại Trường quân sự Bộ tư lệnh Thủ đô đã hoàn thành cách ly 14 ngày - Ảnh: NAM TRẦN
Chiều 11-3, chủ trì họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thông tin trong số 16 hành khách trên chuyến bay VN0054 nhiễm COVID-19, có 15 hành khách ở khoang hạng C, 1 hành khách khoang phổ thông và khẳng định đã làm rõ nguồn gốc lây bệnh của 4 bệnh nhân ở Hà Nội.
Ông Chung ghi nhận sau nhiều ngày truyền thông tới người dân, các cơ quan vào cuộc quyết liệt, tính tự giác trong dân đã thay đổi tích cực. Ông Chung dẫn chứng đã có trường hợp hành khách đi trên chuyến bay khi biết tin có người dương tính đã tự giác vào viện đề nghị cách ly.
Ông Nguyễn Đức Chung cũng nêu thực tế những ngày qua chỉ triển khai xét nghiệm với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân (F1). Tuy nhiên, ông chỉ đạo phải xét nghiệm cả với trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2). "Thành phố sẽ chi trả toàn bộ tiền xét nghiệm này, người dân sẽ được xét nghiệm miễn phí" - ông Chung khẳng định.
Với người tiếp xúc gần đang phải cách ly tại cơ sở y tế, ngoài chăm sóc và theo dõi, ông Chung cho biết TP Hà Nội sẽ hỗ trợ thêm cho mỗi người cách ly theo tiêu chuẩn 100.000 đồng/ngày. Đây cũng là mức hỗ trợ trường hợp cách ly tại nhà.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đặc biệt lưu ý về việc ứng xử của các lực lượng với người thuộc diện phải cách ly, trong đó nhấn mạnh khi tiếp xúc phải xưng hô lễ phép, chuẩn mực để tạo không khí thân thiện.
Ông Chung yêu cầu các đơn vị hoạt động vận tải phải trang bị đầy đủ nước rửa tay khô cho hành khách lên xuống xe buýt, đồng thời thực hiện mở cửa xe trong quá trình lưu chuyển.
XUÂN LONG
Sẽ xử lý hình sự, nếu gây hậu quả lây nhiễm
Ngày 11-3, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - trưởng Ban chỉ đạo - chủ trì cuộc họp.
Trước tình hình diễn biến phức tạp, các thành viên Ban chỉ đạo thống nhất tất cả các trường hợp người nhập cảnh vào VN (kể cả người VN và người nước ngoài) đều phải khai báo y tế bắt buộc.
Nếu khai báo gian dối sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, ngay cả trường hợp người nước ngoài nếu gây hậu quả lây nhiễm trong cộng đồng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Các hãng hàng không của VN quy định bắt buộc hành khách phải đeo khẩu trang trong suốt hành trình; khuyến nghị mạnh mẽ hãng hàng không nước ngoài yêu cầu hành khách phải đeo khẩu trang, đặc biệt khi làm thủ tục nhập cảnh bắt buộc phải đeo khẩu trang.
Đối với người quá cảnh (transit) tại VN, yêu cầu các cảng hàng không quốc tế bố trí khu riêng phục vụ khách quá cảnh (nghỉ ngơi, mua sắm đồ lưu niệm).
Trường hợp phát hiện người có nghi ngờ nhiễm bệnh thì tuyệt đối không được nhập cảnh. Bộ GTVT khuyến nghị lái xe các phương tiện giao thông công cộng (đặc biệt là lái xe taxi) phải đeo khẩu trang, yêu cầu hành khách phải đeo khẩu trang...
N.AN
ASEAN chung tay đối mặt với COVID-19
Ngày 11-3, tại Đà Nẵng, bộ trưởng kinh tế các nước ASEAN đã ra tuyên bố chung về tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN để đối phó với dịch bệnh COVID-19.
Các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết trong ASEAN và tinh thần gắn kết, chủ động thích ứng của cộng đồng ASEAN trong việc đối mặt với sự bùng nổ của COVID-19.
Các bộ trưởng khẳng định cam kết thúc đẩy khả năng phục hồi khu vực, tìm kiếm sự hợp tác với các đối tác ngoài khối và cộng đồng quốc tế để sẵn sàng ứng phó và loại bỏ các tác động của COVID-19, đồng ý rằng các biện pháp hạn chế di chuyển qua biên giới phải dựa trên các cân nhắc về sức khỏe cộng đồng và không nên hạn chế thương mại trong khu vực một cách không cần thiết.
Các bộ trưởng cho rằng cần kiềm chế các hành động để không tạo ra áp lực lạm phát không cần thiết hoặc không ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh lương thực trong khu vực, nỗ lực để đảm bảo nguồn cung hàng hóa và nhu yếu phẩm.
TẤN LỰC
Đề xuất UBND TP.HCM cấp phát miễn phí khẩu trang cho học sinh
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có đề xuất UBND TP xem xét cấp miễn phí khẩu trang cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP.
Số khẩu trang cấp phát miễn phí đủ sử dụng trong 3 tháng kể từ ngày học sinh đi học trở lại. Theo Sở GD-ĐT, đối tượng cần được cấp khẩu trang bao gồm 1.339.588 học sinh và 51.036 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
TRUNG NIÊN
Thăm dò ý kiến
Với những trường hợp khai báo y tế gian dối liên quan đến dịch COVID-19, theo bạn nên
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận